Tiếp bài “Dân quây phản đối trạm thu phí BOT QL6”:

Bộ GTVT chấp thuận giảm 40% mức phí

Bộ GTVT chấp thuận cho giảm phí với người dân địa phương.
Bộ GTVT chấp thuận cho giảm phí với người dân địa phương.
TP - Sau khi nhà đầu tư - Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình có báo cáo về việc người dân kéo đến trạm thu phí QL6 phản ứng, chiều qua lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đã có phương án giảm mức phí tháng từ 20 đến 40% cho phương tiện người dân địa phương.

Về thông tin nhà đầu tư muốn trả lại trạm, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, không thể xảy ra chuyện này và Bộ GTVT- chính quyền địa phương đang làm mọi việc để ổn định trật tự.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua (9/11), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, tình trạng lộn xộn tại trạm thu phí BOT QL6 đặt tại thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình những ngày qua, Bộ GTVT vẫn thường xuyên được nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án 2 báo cáo. Cùng với việc tạm thời miễn phí cho phương tiện người dân địa phương qua lại trạm, trong báo cáo gần đây Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã đề xuất Bộ GTVT- Bộ Tài chính có hướng xử lý sự việc.

Sau khi xem xét đề xuất của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đưa ra phương án cho phép nhà đầu tư giảm giá vé tháng đối với phương tiện người dân thường xuyên đi lại qua trạm từ 20% đến 40%. Cụ thể, với các loại xe tải, hiện đang có giá vé tháng qua trạm cao nhất là 5,4 triệu đồng, nay sẽ được giảm 20%; với xe con, xe tải nhỏ, nếu trước đây có giá vé tháng thấp nhất là 750.000 đồng thì nay sẽ được giảm 40%.

Ông Trường cho biết thêm, trong phương án thu phí tháng mà nhà đầu tư đang thực hiện, Bộ GTVT đã lựa chọn hình thức giảm giá cho người dân địa phương thường xuyên qua trạm. Theo đó, thay vì mua vé lượt, bà con chuyển sang mua vé tháng thì giá trị chỉ bằng 30 lần mua vé lượt; tính ra, mỗi ngày người dân chỉ bỏ ra số tiền bằng một lần vé lượt nhưng có thể đi lại nhiều lần. “Việc người dân địa phương muốn giảm hẳn là không thể, vì đường nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì phải để cho nhà đầu tư thu phí hoàn vốn, nếu dự án nào cũng bị người dân phản ứng và phải giảm, miễn phí như vậy thì ai dám làm đường nữa”, ông Trường cho hay.

Không phải nhà đầu tư thích trả trạm là được

Trước việc bị người dân địa phương phản ứng và số thu những ngày qua tại trạm chưa đạt được con số phê duyệt (đạt 200/500 triệu đồng/ngày), lãnh đạo Tổng Công ty 36 - một trong ba liên danh nhà đầu tư nói, sẽ trả lại trạm thu phí cho Bộ GTVT, ông Trường cho biết, không thể xảy ra chuyện đó.

Theo ông Trường, nhà đầu tư đã thống nhất ký kết hợp đồng thực hiện với Bộ GTVT và hoàn vốn dự án thông qua thu phí đường bộ do họ làm, do vậy không có chuyện nhà đầu tư muốn trả là trả được. Hơn nữa, tuyến QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vừa được cải tạo, nâng cấp chỉ là một trong hai đoạn tuyến mà nhà đầu tư phải làm thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình. Theo tiến độ, hiện nhà đầu tư mới hoàn thành đoạn tuyến QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình và thu phí trước; đoạn tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình còn lại nhà đầu tư vẫn thực hiện chưa xong. Do vậy việc thu phí vừa qua chưa đạt được con số như phê duyệt là tất nhiên.

“Chúng tôi đang thúc đẩy nhà đầu tư từ nay đến 19/5/2016 phải hoàn thành xong đoạn tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình để thu phí song song với dự án QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, khi đó việc thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư sẽ có cơ sở đạt được con số như phê duyệt”, ông Trường nói.

QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình có chiều dài 30 km, vừa được liên danh các nhà đầu tư, gồm: Tổng Công ty 36, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp trên nền QL6 với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đoạn đường có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, không có lan can bảo vệ hai bên đường, việc đi lại trên đường chủ yếu là phương tiện hỗn hợp, trong đó có xe đạp, xe trâu bò và người đi bộ…

Cho rằng, QL6 là đường đi lại, sản xuất và kinh doanh chính, nên sau khi trạm đi vào hoạt động và thu phí phương tiện qua lại từ 25.000 đến 180.000 đồng/lượt, nhiều ngày qua người dân địa phương đã kéo đến bao vây, phản ứng.

Sau khi xem xét đề xuất của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đưa ra phương án cho phép nhà đầu tư giảm giá vé tháng đối với phương tiện người dân thường xuyên đi lại qua trạm từ 20% đến 40%.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".