Bộ GTVT: Con người hoang mang, dự án đình trệ

Bộ GTVT: Con người hoang mang, dự án đình trệ
TP - “Ra đường tôi không dám nhận mình làm việc tại Bộ GTVT” - Một cán bộ công tác lâu năm ngành GTVT nói. Niềm tin bị sa sút, tinh thần bị khủng hoảng và hầu hết các dự án đã bị đình trệ.
Bộ GTVT: Con người hoang mang, dự án đình trệ ảnh 1
Lắp rầm bê tông cầu cạn trên tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương

Ông Nguyễn N, công tác tại một Cục của Bộ GTVT chua xót: “60 năm, ngành giao thông gặp đại họa. Thứ trưởng bị bắt, còn Bộ trưởng thì xin từ chức. Hàng vạn con người đang hoang mang tột độ”.

Sự hoang mang này xuất phát từ những thông tin kinh khủng về lối sống, đạo đức của một số cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất.

Hơn nữa, theo ông N, nhiều cán bộ hiện đang rối bời không biết nên xử lý công việc như thế nào vì... rất dễ mắc sai phạm (!?).

Ông Nguyễn Văn D, lãnh đạo một TCty Xây dựng lớn của Bộ GTVT nói: Lãnh đạo như vậy, thử hỏi chúng tôi biết trông đợi vào ai? Hiện hàng ngàn cán bộ của TCty đang rất tâm tư. “Có người nói, các ông đều thế cả (tham nhũng, đánh bạc...)” - ông D thừa nhận có cấp dưới đã nói thẳng băng với ông như vậy.

Cho dù đã được sốc lại tinh thần rất nhiều, song dường như những dòng tít trên các báo, những hình ảnh và những lời bán tán về PMU 18, về Bộ GTVT, về một số lãnh đạo Bộ GTVT vẫn như những vết dao làm đau thêm hàng vạn trái tim của cán bộ, nhân viên toàn ngành.

Ngay tại Văn phòng Bộ GTVT, sự buồn phiền đã phủ đầy trên gương mặt từ người bảo vệ đến các nhân viên văn phòng, các cán bộ và lây sang cả những vị khách đến Bộ.

Mọi người nhìn nhau bằng những ánh mắt dè dặt, những cái gật đầu khẽ và xem ra mấy ngày qua đã bặt, đã thiếu đi những tiếng cười tại một cơ quan được coi là “siêu bộ” này...

Sợ trách nhiệm: Lỗi chính tả cũng phải làm lại hồ sơ!

“Cơn lũ quét” tại Bộ GTVT không chỉ tàn phá tinh thần của cán bộ nhân viên toàn ngành mà nó đang làm tê liệt một số hoạt động của ngành được coi là “mạch máu” lưu thông của đất nước.

Từ thái cực “buông lỏng”, ngay sau khi các vụ việc tiêu cực bị phanh phui, ngành GTVT đang chuyển sang thái cực “siết chặt” một cách cực đoan. Ông L, một cán bộ đại diện chủ đầu tư đưa ra ba ví dụ về sự cứng nhắc, đùn đẩy trách nhiệm.

Thứ nhất: Chỉ vì một lỗi chính tả, một đơn vị chức năng đã buộc ông mang về chỉnh sửa thật kỹ rồi mới nhận. Lần sau, vẫn có lỗi chính tả, lại tiếp tục sửa...

Thứ hai: Có một cột điện nằm sát trên đường, để có phương án xử lý, đơn vị đã bị “hành” 3 tháng nay chưa xong vì cơ quan chuyên môn còn phải xem xét.

Chuyện thứ ba, một rãnh thoát nước trên quốc lộ cần chỉnh sửa, Bộ trưởng có ý kiến xử lý, nhưng các đơn vị chức năng “sợ” không dám quyết. Vậy là tiếp tục “hội thảo”!

Vì sao có việc này? Ông L lý giải: Nhiều đơn vị tham mưu mất niềm tin với cấp trên. Hơn nữa, sau khi những sai phạm tại PMU 18 bị công luận lên tiếng, các đơn vị này siết chặt “nguyên tắc”. Mà những nguyên tắc này đôi khi không chuẩn. Vì thế, để có được bộ hồ sơ trình duyệt, chủ đầu tư  “bị hành” mướt mồ hôi.

Dự án đình trệ - Công nhân thất nghiệp

Hậu quả của việc làm cứng nhắc, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm là hàng loạt các dự án bị tê liệt hoặc hoạt động cầm chừng. Đường vành đai 3 là một ví dụ.

Cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng vốn trái phiếu xây đường. Dự án được tái thi công đầu xuân Bính Tuất. Vậy nhưng, ngay cả việc thi công trước mắt 600m đường để phục vụ Hội nghị APEC hiện cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiện, nhà thầu mới thi công cầm chừng 300 m. Kế hoạch phục vụ APEC xem ra khó thực hiện. Việc phê duyệt, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công... dường như  “bế tắc”.

Hàng trăm dự án trên toàn quốc mà Bộ GTVT làm chủ đầu tư hiện đang được triển khai dè dặt. Một nhà thầu lớn của Bộ GTVT ngậm ngùi: Các ngân hàng đã tìm cách từ chối khéo việc cho đơn vị này vay tiền vì nghi ngờ dùng tiền đánh bạc (?).

Có cán bộ kho bạc khi nhà thầu đến lĩnh tiền còn bĩu môi đầy ẩn ý: “ Lại là các ông giao thông!”. Trong lúc khó khăn chồng chất thì các nhà cung cấp nguyên liệu (cát, đá, nhựa đường...) không bán trả chậm nữa (việc mà trước đó diễn ra bình thường).

Tài chính khó khăn, khiến hầu hết các công trình bế tắc. Chính lẽ đó, mà hàng chục vạn công nhân đang làm việc tại 9 TCty lớn của Bộ GTVT đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp và không có thu nhập.

Theo một cán bộ Bộ GTVT thì việc giải ngân vốn ODA hiện đang gặp khó khăn. Cụ thể, toàn ngành giao thông trong 3 tháng đầu năm 2006 giải ngân vốn ODA đạt 1.270 tỷ đồng và chỉ bằng 20% kế hoạch. Trong đó vốn nước ngoài đạt 21,6%, vốn trong nước đạt 19,6%.

Theo cán bộ này, việc thực hiện các dự án sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới. Lý do không chỉ do các Cục, vụ chức năng “siết chặt” quản lý mà các bộ ngành liên quan “soi” rất kỹ mà còn bởi các chính các chủ đầu tư đang bị “khủng hoảng”, mất phương hướng.

Các công trình bị đình trệ. Hậu quả của “cơn lũ quét” tại Bộ GTVT để lại cho đất nước là vô cùng lớn! 

MỚI - NÓNG