Bộ LĐ-TB&XH lo ngại thất nghiệp gia tăng

Bộ LĐ-TB&XH lo ngại thất nghiệp gia tăng
TP - Đối thoại trực tuyến với người dân về công tác an sinh xã hội chiều 19-12, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đang rất lo tình trạng lao động (LĐ) thất nghiệp gia tăng.

Muốn tìm việc phải có kỹ năng

Không phải 40% DN giải thể

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số LĐ thất nghiệp do DN bị giải thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, số DN bị thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ chiếm khoảng 12,6%, chứ không phải 40%.

Độc giả hỏi việc thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng đến các nguồn vốn cho giảm nghèo? Bộ trưởng Chuyền khẳng định, Chính phủ quy định rõ, không cắt giảm nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo, nhất là các công trình đã và đang triển khai thì cần tiếp tục. Còn các công trình chưa triển khai, địa phương báo cáo Thủ tướng nhưng tinh thần là không cắt giảm.

Bình xét hộ nghèo: Dù ít nhưng phải công bằng

Bộ trưởng khẳng định, quan điểm của Chính phủ về việc bình xét hộ nghèo là dù ít nhưng phải công bằng. Mỗi đợt bình xét Bộ đều có chỉ đạo, nhắc nhở địa phương và yêu cầu có tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, có thể còn có nơi nào đó làm chưa tốt. “Rất mong nhận được những phản ánh cụ thể về những đơn vị đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý” - bà Chuyền nói. Về lo ngại địa phương quản lý chưa tốt chương trình giảm nghèo, để thất thoát, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trên cương vị Bộ trưởng, bà chưa nhận được phản ánh trực tiếp nào về việc thất thoát. Tuy nhiên, sẽ cho kiểm tra, xem xét, nhắc nhở các địa phương vì các chương trình này đều ở cơ sở.

Về đề nghị điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp chỉ số lạm phát, Bộ trưởng Chuyền cho biết, việc nâng chuẩn nghèo cần có quá trình nghiên cứu đánh giá, khảo sát và phải phụ thuộc khả năng chung của ngân sách. Do vậy, không thể ngay một lúc có thể thay đổi chuẩn nghèo. Nhưng, trong bối cảnh trượt giá, nếu quá khó khăn, Chính phủ sẽ nghiên cứu biện pháp hỗ trợ nhất định để đảm bảo mức tối thiểu.

Nhức nhối lừa đảo XKLĐ

Tại buổi giao lưu, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận tình trạng lừa đảo XKLĐ đang hết sức nhức nhối, nhiều nhất là đối với thị trường Hàn Quốc. Thực tế, chỉ tiêu phía Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam trong năm 2012 là 15.000 LĐ; trong khi đó, số người tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn (diễn ra từ 17 đến 18-12) vừa rồi lên tới 67.000 người. Chính vì cung vượt cầu nên tạo ra kẽ hở cho cò mồi hoạt động. Trước tình trạng này, để ngăn chặn, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý.

Theo ông Lê Văn Thanh - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), để tránh bị lừa đảo, LĐ có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước để được tư vấn thông qua đường dây nóng 04.38249517. Hoặc LĐ có thể vào trang web của Cục là http://www.dolab.gov.vn để tham khảo. Tại trang web này, có thể tiếp cận đầy đủ, chi tiết về các chế độ, chính sách XKLĐ cũng như giới thiệu về các thị trường XKLĐ, các doanh nghiệp XKLĐ... “Ngoài ra, để tránh bị lừa, LĐ có thể liên hệ trực tiếp với Ban chỉ đạo XKLĐ tại địa phương từ tỉnh xuống tận huyện, xã” - ông Thanh cho biết.

Về đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ có “vắt kiệt sức NLĐ”, Bộ trưởng Chuyền cho biết, muốn tăng phải được sự đồng ý của NLĐ. Tiền làm thêm tăng 20% so với hiện hành. Như vậy, việc tăng giờ làm thêm không hẳn như một số ý kiến lo ngại là “vắt kiệt sức LĐ” mà xuất phát từ nhu cầu thực tế. Đối với vấn đề lương tối thiểu, bà Chuyền cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng cần được xem xét. QH đã giao cho Chính phủ xây dựng Luật Lương tối thiểu. Tới đây, trong quá trình xây dựng luật này, những nội dung cụ thể sẽ được giải quyết.

30% LĐ nước ngoài chưa được cấp phép

Trả lời câu hỏi về tình trạng LĐ phổ thông nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Việc làm Lê Quang Trung cho biết, tính đến tháng 9- 2011, ở Việt Nam có 78.440 người nước ngoài làm việc, trong đó 41.529 người được cấp giấy phép. Số không thuộc diện được cấp giấy phép (làm việc dưới 3 tháng) là 5.581 người, số còn lại chưa được cấp giấy phép, đang làm thủ tục chiếm khoảng 30%. Qua kiểm tra, LĐ phổ thông, không có trình độ chuyên môn cao hầu hết làm việc cho các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG