Bỏ lọt trách nhiệm thủy điện xả lũ

Thủy điện Hòa Bình xả nước. Ảnh tư liệu: Hồng Vĩnh
Thủy điện Hòa Bình xả nước. Ảnh tư liệu: Hồng Vĩnh
TP - Vấn đề các nhà máy thủy điện xả lũ gây ngập lụt khắp miền Trung đang rất bức xúc nhưng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lại chưa có quy định để xử lý.

> Nhiều người chết, hàng trăm ngàn học sinh nghỉ học vì lũ
> Miền Trung: Thủy điện, thủy lợi đồng loạt xả lũ

Thủy điện Hòa Bình xả nước. Ảnh tư liệu: Hồng Vĩnh
Thủy điện Hòa Bình xả nước. Ảnh tư liệu: Hồng Vĩnh.
 

Không rõ trách nhiệm chủ đầu tư thủy điện

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, hiện nay việc khai thác sử dụng nguồn nước cho thủy điện rất phức tạp. Thực tế, vừa qua việc vận hành một số công trình thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư vùng hạ du.

Nhiều nơi gây thiệt hại kinh tế lớn như việc xả lũ của công trình thủy điện A Vương năm 2010, thủy điện An Khê gây ô nhiễm cho tỉnh Gia Lai, thủy điện Sông Ba ở Phú Yên...?

Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa có điều, nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của các chủ đầu tư, các tổ chức làm thiệt hại kinh tế đối với đời sống dân sinh. “Tôi đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức làm thiệt hại đến kinh tế, đời sống nhân dân ở các vùng hạ lưu và cộng đồng dân cư, phải có trách nhiệm bồi thường kinh tế nếu xảy ra sự cố do lỗi chủ quan”- ĐB Thanh nói.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) ngạc nhiên là trong dự thảo luật không thấy vai trò quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT ở đâu. “Trong thực tế Bộ NN&PTNT đang xử lý, điều tiết nguồn nước rất lớn nhưng trong dự thảo không thấy vai trò của bộ này. Tôi đề nghị phải làm rõ vai trò của Bộ NN&PTNT từ phòng chống lụt bão, điều tiết hồ, công trình thủy lợi, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, làm muối trong luật này”- Ông Tiến nói.

ĐB Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, luật cần có các quy định chặt chẽ để bảo vệ hồ chứa nước điều tiết xả lũ. Ví như, các công trình xây dựng không được cản trở dòng chảy. Nhà máy hoặc cơ sở xả nước gây ra lũ lụt dưới hạ du phải bị xử phạt nghiêm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long (ĐB Đắk Nông) cho rằng, việc xác định trách nhiệm quản lý ở lưu vực sông liên tỉnh phải ở tầm quốc gia, không thể một tỉnh nào quản lý được.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam). Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cần quản lý cả nước biển

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đối tượng điều chỉnh của luật này là tài nguyên nước trên lãnh thổ Việt Nam, thì phải bao gồm tài nguyên nước ở vùng lãnh hải. “Nếu không dễ gây ngộ nhận và khó khăn, nhất là liên quan đến vấn đề đầu tư nước ngoài”- Ông Nghĩa nói.

Theo đại biểu này, tài nguyên nước thuộc lãnh hải còn lớn hơn tài nguyên nước trên đất liền. Bởi, lãnh hải là lãnh thổ của nước ta được mở rộng thêm 12 hải lý kể từ vùng nội thủy theo Công ước Luật biển 1982 và chúng ta có chủ quyền hoàn toàn trên lãnh hải.

“Nước biển rất quý, có thể chuyển thành nước ngọt và là nguồn dự trữ nước ngọt, số lượng này rất lớn. Quản lý tài nguyên nước ở lãnh hải càng cần thiết trước việc phát triển kinh tế biển ngày càng tăng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự chia cắt tài nguyên nước thành tài nguyên nước trên đất liền và tài nguyên nước biển trong đó có lãnh hải có thể dẫn đến cách hiểu sai về tài nguyên nước trong nguồn lãnh hải, ngộ nhận đó không phải là tài nguyên nước trên lãnh thổ nước ta.

Trong điều kiện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phức tạp, chủ quyền trên biển của Việt Nam đang bị đe dọa, thì càng cần phải bảo vệ tài nguyên nước trên vùng lãnh hải và đặt nó chung vào phạm vi điều chỉnh của luật này”- Luật sư Nghĩa phân tích.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đồng tình đưa nước biển ven bờ vào phạm vi điều chỉnh của luật bởi nước biển ven bờ và nước trong nội địa có một tương tác qua lại lẫn nhau với những hoạt động kinh tế- xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long chung quan điểm, luật điều chỉnh nước trên lãnh thổ thì phải bao gồm vùng lãnh hải và nội thủy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG