Bộ máy chính phủ mới: Gắn quyền với trách nhiệm cá nhân

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Như Ý.
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Như Ý.
TP - “Càng khắc phục hạn chế trong quy trách nhiệm tập thể bao nhiêu càng làm bộ máy vận hành trơn tru bấy nhiêu. Gắn trách nhiệm song cũng phải gắn liền với quyền lợi, nếu không cứ mãi hòa cả làng”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Động lực mới

Đến thời điểm này Chính phủ đã kiện toàn bộ máy với nhiều gương mặt mới. Ông nhìn nhận thế nào về các tân phó thủ tướng vừa được bổ nhiệm?

Phó thủ tướng có vai trò hết sức quan trọng, giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý điều hành trên các lĩnh vực. Việc giải quyết những vấn đề của đời sống rất quan trọng với các bộ, nhưng tư lệnh mỗi bộ khó giải quyết được vấn đề và rõ ràng vai trò của Thủ tướng và các phó thủ tướng đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

Các tân phó thủ tướng đều là những người từng phụ trách những lĩnh vực rất nóng, rất quan trọng. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những mặt tốt từ thế hệ trước, tôi tin ở cương vị mới, các vị sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với các bộ trưởng mới được bầu có rất nhiều nhân tố mới sẽ tạo ra động lực phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Trong số 27 thành viên Chính phủ có những người còn rất trẻ, theo ông điều này có trở thành động lực mới, bước đệm cho một Chính phủ mới?

“Chính phủ mới là cơ quan hành pháp nhưng rõ ràng chỉ thực hành được trên nền tảng bộ máy trong sạch, minh bạch. Con người ở cơ quan hành pháp trực tiếp đối diện với người dân, nên Chính phủ mới phải cải tổ, tổ chức lại bộ máy, giảm biên chế”. 

ĐBQH Dương Trung Quốc

Tôi cho rằng, nhân tố trẻ ở đây có mặt tích cực là họ có năng lực và khả năng vươn lên những cái mới nhưng có thể kinh nghiệm tích luỹ chưa nhiều. Mặc dù vậy chúng ta vẫn phải tạo ra cơ chế để luôn được trẻ hoá, vì tuổi trẻ luôn có sự kế thừa. Yếu tố mới sẽ tốt hơn nếu họ biết kế thừa những cái cũ, kể cả thành công và không thành công. Người trẻ được học hành bài bản hơn, có nguồn lực mạnh mẽ khi họ gánh vác trách nhiệm mới. Nhưng nếu không có cơ chế sẽ không bao giờ đòi hỏi được họ có sự đổi mới, do vậy cần có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế.

Trước những vấn đề tồn tại từ thực tiễn, theo ông, Chính phủ và các bộ ngành sẽ phải cải tổ như thế nào để bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả hơn?

Chính phủ mới là cơ quan hành pháp nhưng rõ ràng chỉ thực hành được trên nền tảng bộ máy trong sạch, minh bạch. Con người ở cơ quan hành pháp trực tiếp đối diện với người dân, nên Chính phủ mới phải cải tổ, tổ chức lại bộ máy, giảm biên chế, nhưng phải tìm ra được phương thức hợp lý để tinh giản. Tôi ví dụ tình trạng tham nhũng, lãng phí ở địa phương, nếu lương bổng như hiện tại không tiêu cực mới lạ. Nếu cứ giả đò không công nhận điều này thì không thể giải quyết được tồn tại.

Bộ máy chính phủ mới: Gắn quyền với trách nhiệm cá nhân ảnh 1

Xảy ra sai phạm ở hè phố cứ nhè ông thành phố, ông thành phố nhè ông quận, quận nhè phường ra phạt thì tình hình mới cải thiện được. Ảnh: Ngọc Châu.

Gắn quyền với trách nhiệm cá nhân

Có ý kiến cho rằng, cần phải tạo ra một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và ai làm không được thì nên từ chức, ông thấy sao?

Từ chức hay miễn nhiệm là điều mong muốn từ lâu nhưng không ai làm. Thực tế có bãi nhiệm những người không hoàn thành trách nhiệm. Nhưng điều này rất hiếm trong xã hội chúng ta, trừ khi họ bị ra tòa. Còn Chính phủ kiến tạo, lấy phục vụ nhân dân làm động lực là xu hướng chung và bản chất của tiến trình dân chủ, nhưng thực hiện không đơn giản. Mối quan hệ “xin- cho” còn tồn tại thì chuyển sang chính quyền phục vụ còn là một chặng đường dài. Muốn vậy cần phải thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính, cải cách bộ máy, giải quyết trực tiếp mối quan hệ giữa người dân và chính quyền.

Nhớ lại ngày nhậm chức, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã từng tuyên bố: “Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền”. Phải chăng sự cải tổ ở đây là cần trao thêm nhiều quyền và gắn thêm trách nhiệm cá nhân cho các tư lệnh ngành?

Câu hỏi đó đã bao hàm cả câu trả lời. Hiện nay chúng ta vẫn có tâm thức “hòa cả làng”, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả nếu có. Nhưng muốn làm thì phải có quyền, quyền đi đôi với trách nhiệm. Quyền càng cao trách nhiệm càng nặng. 

Bây giờ rất ngạc nhiên, con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai xảy ra những chuyện như ném đá, lại đổ cho doanh nghiệp quản lý, trong khi đó chính quyền địa phương lấy lý do không thuộc quyền của mình nên không xử lý. Đây là điều hết sức vô lý. Hay chuyện hè phố cũng vậy, xảy ra sai phạm cứ nhè ông thành phố, ông thành phố nhè ông quận, ông quận nhè phường ra phạt thì tình hình mới cải thiện. Chúng ta chưa bao giờ có một bộ máy lớn như hiện nay mà nhiều nơi cứ coi như tình trạng vô chính phủ. Khắc phục cái này là điều rất quan trọng. 

Bất kỳ cái gì cũng có tính kế thừa, điều quan trọng là trách nhiệm phải xác định rõ. Chúng ta hay nói tới trách nhiệm tập thể, càng khắc phục hạn chế trong quy trách nhiệm tập thể bao nhiêu càng làm bộ máy vận hành trơn tru bấy nhiêu. Gắn trách nhiệm song cũng phải gắn liền với quyền lợi, nếu không cứ mãi hòa cả làng.

Ông nghĩ sao khi một vị bộ trưởng đương nhiệm không phải là Ủy viên Trung ương?

Hiến pháp không quy định không là Ủy viên Trung ương hay đảng viên thì không được là bộ trưởng. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta đã có thế hệ bộ trưởng không phải là đảng viên và họ đóng góp rất lớn cho đất nước. Chúng ta đừng nên đặt vấn đề vì sao người không là Ủy viên Trung ương lại được giữ chức bộ trưởng. Vấn đề quan trọng là vị bộ trưởng đó có gánh vác được trọng trách, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ hay không mới quan trọng. Cũng như nhiều nhà lãnh đạo đã nói là mong muốn ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo ngoài đảng tham gia vào bộ máy Nhà nước.

Có thời kỳ Đảng còn vận động các đảng viên đang làm bộ trưởng rút ra khỏi bộ máy Chính phủ để nhường chỗ cho các vị bộ trưởng khác. Điều đó thể hiện tinh thần đại đoàn kết và thu hút nhân tài. Đây là yếu tố tích cực chứ không phải khác thường.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG