Bộ máy chồng chéo hành dân khổ

TP - Ngày 10/11, trả lời Tiền Phong, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TPHCM) nhấn mạnh: Thực tế dường như bộ máy đang ngày một phình to, bội thực cấp phó, khiến quỹ lương khó đáp ứng còn người dân khổ trăm bề.

Bộ máy chồng chéo hành dân khổ ảnh 1  Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm 

Làm cái nền nhà - bốn đơn vị kiểm tra!

Thưa bà, có ý kiến cho rằng bộ máy hành chính chúng ta càng cải cách càng cồng kềnh, “lạm phát cấp phó” cũng theo đó tăng lên?

Từ góc độ thực tiễn, có thể nói thế này: Ai cũng nói bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và tầng nấc. Và đều nêu vấn đề cần giảm chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tầng nấc trung gian.

Chúng ta nêu lên rồi đưa ra diễn đàn Quốc hội đã nhiều, song câu hỏi đặt ra, vì sao chúng ta làm không được? Vì sao chúng ta nói giảm biên chế và có đặt ra lộ trình hẳn hoi mà không giảm được, trong khi cơ quan nào cũng xin tăng biên chế. Thế nên, tôi rất kỳ vọng vào kỳ họp này, vì hiện QH đang thảo luận các dự án Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Chính quyền địa phương.

Nói bộ máy chồng chéo thế nào, chúng ta cần phải có đánh giá khoa học về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Ví dụ, bộ A làm gì, quản lý gì thì ở dưới cấp sở, ngành, quận, huyện, các bộ phận tương đương làm gì. Từng công chức làm gì, từng bộ phận tương đương làm gì, có bị chồng chéo nhau hay không? Tôi nghĩ là có.

Trong lĩnh vực xây dựng, tại sao một người dân chỉ sửa cái nền nhà thôi mà cơ quan nào cũng biết, cũng đến lập biên bản. Cấp phường, thanh tra quận, thanh tra xây dựng đủ cả... Trong khi, cũng trên địa bàn đó, có những người xây những căn nhà to đùng mà không ai “biết”! Thực tiễn có quá nhiều cơ quan làm cùng một việc, nhưng có điều khi vụ việc xảy ra chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm. 

Rõ ràng bộ máy cồng kềnh, nhiều cấp phó làm tốn kém ngân sách, nhưng trách nhiệm lại không rõ, thậm chí khi vụ việc xảy ra không thể kỷ luật ai?

“Với tư cách đại biểu QH, tôi chỉ mong lần này chúng ta thảo luận các đạo luật về tổ chức bộ máy, cần phải quy định rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu đơn vị”.

Tôi không nói cấp phó là bao nhiêu thì đủ, bộ máy thế nào là vừa, tất cả sẽ là võ đoán. Nhưng đã đến lúc phải đánh giá lại một cách nghiêm túc công tác tổ chức bộ máy dựa trên nền tảng khoa học lẫn thực tiễn sinh động của cuộc sống. Đây là vấn đề rất lớn, nhưng cảm nhận của tôi là đang có sự bất cập, đã đến lúc cần phải điều chỉnh lại. Vì vậy, nên xem xét công việc, hiệu quả, trách nhiệm của từng vị trí cấp phó thế nào chứ không chỉ nhiều hay ít.

Muốn lên chức thường phải qua cấp phó

Theo quy định số lượng cấp phó mỗi bộ 3 thứ trưởng, nếu cao hơn phải xin phép Thủ tướng. Nay nhiều bộ có đến 5-6 thứ trưởng, cấp tỉnh thành cũng nhiều cấp phó. Bà có suy nghĩ gì? 

Tôi chỉ đi một hai nước để tìm hiểu về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền của họ, tận mắt thấy: Có nước, các cơ quan công quyền chỉ có 1 đến 2 cấp phó, song cũng có nơi đến mười mấy cấp phó. Vấn đề ở chỗ, mỗi cấp phó chỉ chịu trách nhiệm một lĩnh vực được giao trọng trách, họ chỉ biết nhiệm vụ của họ, còn các lĩnh vực khác họ không quan tâm.

Điều kỳ lạ, họ là người nhà nước hưởng lương để làm việc, nên ngoài lương không có bất kỳ chế độ nào đi kèm ví như phụ cấp chức vụ. Nhân đây cũng nói thêm về sự bất cập của bộ máy xét dưới góc độ đề bạt cán bộ. Theo quy định muốn lên được chức cao hơn thì anh thường phải qua chức cấp phó. Quy định như vậy vô tình làm cho thời gian kéo dài khiến nhiều thứ trở nên nhiêu khê. Hiện ở ta tuy nhiều cấp phó nhưng trách nhiệm rất thiếu rõ ràng. 

Để chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy cũng như cấp phó và các chức vụ khác, cần làm gì thưa bà?

Khi một bộ có 5 - 7 thứ trưởng, với tư cách là giúp việc bộ trưởng thì cần phải nhìn nhận lại nếu nhiều thứ trưởng đến thế có cần bên dưới vụ, cục nữa hay không. Phải chẻ dọc bộ máy, xem một người làm bao nhiêu việc, một việc bao nhiêu người làm để thủ tục hành chính không phải chạy qua nhiều cửa. Quan trọng là cách thức quản lý bộ máy. Nâng cao tính trách nhiệm của cá nhân. Quyền hạn, trách nhiệm của bộ trưởng thế nào, thứ trưởng ra sao để cho bộ máy hoạt động hiệu quả.

Phát biểu tại QH về Luật Tổ chức Chính phủ, một số ĐB cho rằng giao quyền phải giao cả trách nhiệm, có như vậy mới có thể xử lý trách nhiệm của họ? 

Phải quy định người đứng đầu cấp bộ, ngành, địa phương quyền hạn và trách nhiệm phải đi đôi với nhau. Theo quy định hiện hành, quyền, trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng. Phương pháp làm việc của chúng ta cái gì cũng đưa ra tập thể. Đưa ra tập thể bàn là đúng, vì trí tuệ tập thể bao giờ cũng hơn trí tuệ một người. Nhưng khi đã bàn xong thì chỉ một người đứng đầu quyết là đủ. Người đó quyết thì phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình trước những việc mình đã quyết.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.