Bỏ Nghị định về Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: Có bùng phát đòi nợ kiểu “xã hội đen"?

Đòi nợ thuê theo kiểu bôi nhọ “con nợ” từng gây xôn xao ở Thanh Hóa​. Ảnh: PV.
Đòi nợ thuê theo kiểu bôi nhọ “con nợ” từng gây xôn xao ở Thanh Hóa​. Ảnh: PV.
TP - Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thời gian qua chủ yếu phức tạp về an ninh, trật tự cho nên cần “quản” chặt những yếu tố này thay vì đòi hỏi cần vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng. Các chuyên gia và giới luật lưu ý để tránh xảy ra những vụ việc, tình trạng đòi nợ kiểu xã hội đen vừa qua, cần quy định những hành vi bị cấm khi đòi nợ.

Thành lập DN không cần vốn?

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến về Nghị định bãi bỏ Nghị định 104/2007 ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó sẽ bãi bỏ một số quy định tại Nghị định 104 về các điều kiện với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, như: Điều kiện về vốn; tiêu chuẩn người quản lý, người lao động; nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ; các biện pháp được thực hiện khi đòi nợ; trách nhiệm, quyền hạn của chủ nợ và khách nợ… Theo Bộ Tài chính, đề xuất bỏ Nghị định 104 dựa trên đề nghị của một số địa phương, thực tế hiện nay và các quy định pháp luật khác.

Cụ thể, tổ soạn thảo thuộc Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định 104 quy định vốn tối thiểu của DN đòi nợ thuê là 2 tỷ đồng. Nhưng Luật DN 2014 đã bỏ quy định về vốn pháp định của DN, nên đa số ngành nghề vốn không còn là điều kiện kinh doanh (trừ một số ngành nghề đặc thù). Do đó, thành lập DN loạt hình kinh doanh này, theo Bộ Tài chính, không cần vốn.

Với các điều kiện chứng chỉ, năng lực người quản lý và người lao động làm dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính cho rằng: Việc có hay không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của DN, không ảnh hưởng nhiều tới các DN khác và nền kinh tế, nên không cần thiết phải quy định... Theo đơn vị soạn thảo, hầu hết bộ ngành khi được Bộ Tài chính hỏi ý kiến cũng đồng tình với đề xuất bỏ Nghị định 104 (như Bộ Công an, KH&ĐT, Tòa án Nhân dân Tối cao, Ngân hàng Nhà nước).

Bộ Công an cho rằng, những năm qua, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê chủ yếu phức tạp về an ninh, trật tự. Vì vậy, công tác quản lý đối với ngành nghề này Chính phủ đã giao Bộ Công an. Các điều kiện về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh đòi nợ đã được quy định cụ thể tại Nghị định 96/2016 của Chính phủ.

Ngoài ra, giao dịch giữa DN dịch vụ đòi nợ với chủ nợ, khách nợ được thực hiện theo hợp đồng ủy quyền giữa các bên. Điều này đã được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự, không nhất thiết phải quy định lại. Từ các phân tích trên, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất bãi bỏ Nghị định 104 về các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 8/8, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Thời gian gần đây dịch vụ đòi nợ thuê phát triển mạnh một phần do khủng hoảng kinh tế và vỡ bong bóng bất động sản, nên DN và cá nhân vay nợ mất khả năng trả nợ tăng cao. Trong khi đó, việc đòi nợ không dễ qua con đường công khai, khi thủ tục hành chính nhờ can thiệp của các cơ quan nhà nước, thanh lý tài sản thế chấp quá phức tạp, chưa kể các chi phí không chính thức. “Một thời gian dài không đòi được nợ, nhờ cơ quan nhà nước quá phức tạp, nên nhiều chủ nợ bức xúc tìm tới các công ty đòi nợ thuê. Thậm chí chấp nhận bỏ các khoản tiền lớn để vớt vát chút ít thay vì mất trắng”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng: “Những việc gây ảnh hưởng xấu xã hội của hoạt động đòi nợ thuê vừa qua tới từ việc quản lý, giám sát trật tự xã hội và quy định chưa rõ ràng. Không phải từ các điều kiện như vốn tối thiểu, bằng cấp người quản lý, nhân viên… Cũng nên bỏ suy nghĩ kinh doanh gì cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ, tư duy đó rất không ổn”.

Cần quy định những hành vi bị cấm khi đòi nợ

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) phân tích:  đòi nợ hiện có nhiều loại. Trong đó, kiểu đòi nợ trực tiếp với nhau, không thông qua đòi nợ thuê luôn được khuyến khích, và nhà nước phải có chính sách ưu tiên việc này. Các bên khi thiết lập quan hệ thương mại và dân sự nói chung cần phải chú ý đến đối tác - khách hàng của mình. Nếu thương lượng, hòa giải được thì cơ quan thi hành án – tòa án cần đảm bảo tuân thủ kết quả hòa giải đó. Bộ luật tố tụng Dân sự đã công nhận kết quả hòa giải là cơ sở để thi hành án (như bản án được tuyên). Vấn đề thi hành án cần được nâng cao hiệu quả, giảm bớt việc thuê tổ chức thứ 3 giải quyết. 

Về dịch vụ đòi nợ thuê, theo ông Huỳnh, chủ yếu để giải quyết các khoản nợ khó đòi. Do đòi nợ mất nhiều thời gian, DN không có kỹ năng đòi nợ, nên thuê đơn vị thứ 3 đòi hộ. Ông Huỳnh đồng tình với việc không cần quy định các điều kiện về thành lập doanh nghiệp, như vốn tối thiểu, bằng cấp người quản lý… “Điều cốt yếu để gây dựng nên điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ chính là phải chấp hành nghiêm trật tự, an toàn xã hội. Nếu người đòi nợ thuê áp dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép như khủng bố, đe dọa, gây mất trật tự... tức vi phạm trật tự an toàn xã hội, sẽ bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, thậm chí khởi tố hình sự”, ông Huỳnh nói.

Để kiểm soát hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê không gây mất trật tự xã hội, luật sư Trần Hữu Huỳnh đề xuất, có thể bổ sung các quy định những hành vi bị cấm, giới hạn khi đòi nợ, việc này không thuộc chức năng Bộ Tài chính. 

Ông Huỳnh dẫn một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, kinh doanh đòi nợ theo kiểu xã hội đen thường đạt được mục đích nhanh hơn, lấy được nhiều tiền về hơn. Nhưng đổi lại chủ nợ mất tiền nhiều hơn cho bên đi đòi. Thậm chí, có cả sự tham gia đòi nợ của các đối tượng “xã hội đen”, gây hậu quả nghiêm trọng, nên cần có giải pháp trấn áp được kiểu đòi nợ “xã hội đen”.

Còn theo TS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta cần phát triển một thị trường mua bán nợ phát triển. Khi đó, các khoản nợ khó đòi, chủ nợ có thể bán lại cho các đơn vị khác. Dù mua bán lại các khoản nợ, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ vẫn còn, nhưng nó nằm trong các đơn vị mua bán nợ, việc quản lý sẽ minh bạch hơn, hạn chế đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết năm 2015, cả nước chỉ 4 tỉnh thành có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong đó, TPHCM có 34 đơn vị được cấp phép, nhưng có 18 đơn vị dừng hoạt động; Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp; An Giang 1 doanh nghiệp; riêng Hà Nội chưa có thống kê cụ thể số doanh nghiệp.

Ngăn chặn đòi nợ bằng mọi thủ đoạn

Về các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu cho rằng, nghề đòi nợ thuê là một nghề cấp thiết trong xã hội hiện nay nhưng không thể “thả” vô điều kiện mà cần yêu cầu trình độ, hiểu biết pháp luật, tránh đòi nợ bằng mọi giá vì tiền.

Theo luật sư, hoạt động đòi nợ chủ yếu để giải quyết các vụ nợ khó đòi. Đây là vấn đề gây bất bình trong xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ tài sản. Do đó, yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ đối với người quản lý rất cần thiết (tốt nghiệp ĐH Luật, từng qua các chức danh điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư…), bởi họ là người có hiểu biết pháp luật để điều hành, quản lý, tránh được các kiểu đòi nợ thuê như xã hội đen, mất an ninh trật tự. Ngoài ra, nhân viên đòi nợ cũng cần phải có trình độ nhất định. “Đây là ngành nghề nhạy cảm, môi trường dễ khiến người ta phạm tội. Ma lực đồng tiền dễ cám dỗ con người dùng mọi thủ đoạn để đòi được nợ” - ông Thiệp bày tỏ.

Tuy nhiên, theo luật sư Thiệp, trong các yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với công ty đòi nợ, yêu cầu về vốn tối thiểu không cần thiết, bỏ là đúng. “Người ta đi đòi nợ thì được trả tiền công, tiền thù lao. Họ dùng số tiền đó để nộp thuế, duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên…” - luật sư Thiệp chia sẻ.

Trong khi đó, anh Hoàng Vinh, chủ một công ty chuyên đòi nợ ở Hà Nội cho rằng, công ty kinh doanh dịch vụ này cần phải có vốn tối thiểu nhất định. Bởi theo anh, khi nhận hợp đồng đòi nợ, bên đi đòi sẽ cầm khoản tiền của khách rất lớn mang về, vốn là điều kiện để đảm bảo công ty đòi nợ phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho khách hàng.

“Những người phạm tội, có tiền án tiền sự nhưng đã thi hành xong án, tái hòa nhập cộng đồng cần tạo cơ hội cho họ có công việc, làm lại cuộc đời. Hơn nữa, để được làm việc trong một công ty đòi nợ - vốn là 1 công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp, theo quy định của pháp luật, nếu nhân viên vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định” - anh Hoàng Vinh nói.           

Tuấn Nguyễn

MỚI - NÓNG