Sau loạt bài “Chết mòn” với mỹ phẩm dỏm:

Bỏ ngỏ hậu kiểm, người tiêu dùng chịu thiệt

Hai nhân viên của một cơ sở làm mỹ phẩm nhái bị cơ quan chức năng phát hiện khi đóng gói. Ảnh: L.N
Hai nhân viên của một cơ sở làm mỹ phẩm nhái bị cơ quan chức năng phát hiện khi đóng gói. Ảnh: L.N
TP - Sau khi Tiền Phong có loạt bài “Chết mòn” với mỹ phẩm dỏm, các cơ quan cấp phép quản lý, thanh kiểm tra mặt hàng này cho rằng, vẫn còn một số bất cập khiến việc ngăn chặn mỹ phẩm nhái, dỏm chưa thật sự hiệu quả.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, từ ngày 25/1/2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 06 quy định về quản lý mỹ phẩm. Theo đó, chuyển hình thức quản lý mỹ phẩm từ “đăng ký lưu hành” sang “công bố sản phẩm mỹ phẩm”. Quy định mới yêu cầu tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định và chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm mỹ phẩm đưa ra thị trường.

Việc làm này tạo điều kiện cho doanh nghiệp đơn giản hóa hồ sơ nộp cho cơ quan quản lý, tiết kiệm thời gian để sớm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, các cơ quan chức năng sẽ triển khai hậu kiểm. Tuy nhiên, việc hậu kiểm trong thời gian qua vẫn bỏ ngỏ, khiến nhiều cơ sở công bố một đằng nhưng sản xuất một nẻo.

Một cán bộ của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, chứa chất cấm bị đình chỉ lưu hành thì đã được người tiêu dùng tiêu thụ.

“Do cơ sở sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm nên nhiều nơi tung cả hàng nhái, hàng giả ra thị trường. Việc kiếm lời từ mặt hàng dỏm này cao gấp hàng trăm lần mức xử lý nên không nhằm gì với doanh nghiệp”- người này nói và cho rằng, nhiều mỹ phẩm thu hồi số tiếp nhận công bố, sau đó lách, thêm thành phần, chuyển nhà máy sản xuất để tiếp tục công bố mới. Còn các mỹ phẩm trôi nổi, tự chế thì kiểm không xuể.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, dù đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm và phối hợp với nhiều cơ quan song do nhân lực thiếu nên gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nói rằng, mỹ phẩm dỏm, nhái bán công khai nhưng để xử lý được mỹ phẩm giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận. Nếu giám định đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy và đơn vị vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó. Thực tế, không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp.

Còn theo ông Phan Hoàn Kiếm, nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được, vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả, vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Thanh Loan, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, với mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi, cơ sở vẫn tiếp tục kinh doanh thì bên cạnh việc bị xử phạt, cơ quan chức năng còn buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm, thậm chí thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thanh kiểm tra không liên tục và thường xuyên nên mỹ phẩm dỏm, nhái, mỹ phẩm đã có lệnh thu hồi vẫn được bày bán.

“Thậm chí khi bị đình chỉ lưu hành, thì cơ sở đẩy mỹ phẩm về các tỉnh và vùng quê bán với giá rẻ mà địa phương cũng không kiểm soát được” - một cán bộ thanh tra y tế nói.  Hiện nay, các sở y tế cũng không giám sát việc thu hồi sản phẩm mỹ phẩm trên địa bàn của mình nên doanh nghiệp tự do muốn làm gì thì làm.

Liên quan đến bài “Chết mòn” với mỹ phẩm dỏm: cơ quan quản lý dửng dưng”, ngày 24/12  bà Võ Thị Kim Thanh- Giám đốc Cty TNHH Mỹ phẩm Việt, đơn vị sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Vedette đã làm việc với PV Tiền Phong. Bà Thanh cho biết, các sản phẩm Vedette nói chung, trong đó có Vedette Whitening Mask- Aloe, Vedette Whitening Mask- Cucumber, Vedette Whitening Mask- Green Tea không nằm trong danh mục sản phẩm thu hồi số công bố. “Hiện các sản phẩm Vedette, Josto, Josto Men đang được lưu hành trên thị trường có đầy đủ số công bố hợp lệ”- bà Thanh thông tin.

MỚI - NÓNG