Đói vì ghẻ

Bỏ nương rẫy vì... ghẻ

Bỏ nương rẫy vì... ghẻ
TP - Dịch ghẻ làm hơn chín xã với khoảng 7.000 hộ dân huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế mắc bệnh. Người dân nơi đây đang phải vật lộn với ghẻ, bỏ cả công việc, học hành.

“Từ khi có bệnh ghẻ đến giờ, đêm nào cả nhà cũng thức để gãi. Càng ngày càng nặng, không đi lên rẫy kiếm sống được cứ ở nhà gãi ghẻ thôi...” - Ông Đoàn Văn Pec (thôn 6, xã Thượng Long, huyện Nam Đông) miệng nói mà tay gãi liên tục. “Ở cái làng này ai cũng bị ghẻ, mà nặng nhất là mấy đứa trẻ. Hai con tui đêm nào chúng nó cũng khóc vì ngứa...”.

Bỏ nương rẫy vì... ghẻ ảnh 1
Cả tháng nay ông Pec không đi làm mà ở nhà gãi ghẻ

Cánh tay ông Pec nổi từng đám ghẻ đen thui, ông gỡ dần những chỗ bị lở loét, rồi dùng tay cào tiếp. Bàn tay ông cứ thoăn thoắt gãi hết chỗ này đến chỗ khác.

“Sống thế này khổ lắm. Ăn miếng cơm cũng không yên. Lúc ngứa quá tui lấy dao rồi bảo thằng cu cạo lên người cho đỡ ngứa. Đứa con đầu của tui nó không đi đâu được, hai bên háng gãi mạnh quá nên phát mủ...”.

Mấy đứa con của ông Pec từ khi bị bệnh ghẻ đến giờ chẳng chịu đi học, vì khi mặc quần áo vào nóng nực càng ngứa ngáy.

Trước đây cả làng này mở mắt dậy là lên rẫy, nhưng gần đây ai nấy  bỏ bê nương rẫy, cả nhà ngồi trước sân thi nhau cào ghẻ. Khổ nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ.

Như chị Hoàng Thị Thuồn hai chân nứt máu thành những vạt đen sì, bàn chân cũng mọc những bọc mủ không bước nổi. Cơ thể chị bị lở loét nhất là núm vú bị bong da, đứa con chưa tròn một tuổi của chị cũng vật vã vì ghẻ ngứa, giờ lại không được bú, nên khóc suốt ngày.

“Da nó mỏng không bôi thuốc được, chỉ cho tắm lá cây”. Chồng chị Thuốn cũng bị ghẻ nên miếng ăn ngày càng khó khăn. “Giờ mọi người có đi làm mô, mới nắm cái cuốc thì lại phải bỏ xuống để gãi. Gần tháng này cả gia đình tui có ngày phải nhịn ăn, nấu sáu củ khoai cho người một củ, ăn qua bữa...” - Chị Thuốn thở dài.

Bỏ nương rẫy vì... ghẻ ảnh 2
Ghẻ ăn sâu nó bóc từng lớp da của trẻ

Nhà anh Hồ Văn Lãn (thôn 4 xã Thượng Long), một trong số gia đình bị ghẻ đầu tiên của thôn nên bây giờ cả nhà bị nặng, không làm ăn gì được. Có ít tiền thì đong sáu cân gạo, được một tuần thì hết sạch.

Bao giờ hết ghẻ?

Hai em Liền và Nhùng ở thôn 6, xã Thượng Long nghỉ học cả tuần nay, vén áo phơi tấm thân gầy gò chi chít những mụn nước màu đen sẫm, mọng mủ, bên cạnh từng vạt da bị bong do cào gãi.

“Đến lớp cô giáo phát đề kiểm tra, nhưng phải ngồi cào ghẻ không thể nào tập trung làm bài được. Giờ bị nặng cô giáo cho nghỉ để ở nhà chữa...” - Em Nhùng nói.

Tại trường THCS và dân tộc nội trú huyện Nam Đông, riêng khối nội trú có hơn 150 em phải nghỉ học để khám và điều trị ghẻ. “Những em bị ghẻ chúng tôi phải cho nghỉ học để điều trị, không để lây lan sang các em khác. Khi nào lành bệnh lại vận động các em đến trường” - Thầy Hoàng Tâm cho biết.

Hai thôn 4 và 6 xã Thượng Long có khoảng gần 600 người bị ghẻ. Đến giờ nhiều người dân ở đây cũng không biết cách nào để chữa trị, họ đi lên rừng tìm những lá cây, hay cách chữa truyền thống như lấy rượu, bò cạp để chữa.

“Mấy ngày trước nghe nói có thuốc ở nhà ông T.H hiệu nghiệm nên cũng đi mua thử. Ai ngờ về bôi cho con, chỗ bôi sưng phù cả người phải đưa lên trạm xá...” - Anh Hiếu, một người dân cho hay.

“Hiện nay trong thôn nhiều người không chỉ bị dịch ghẻ mà bệnh sởi cũng xuất hiện ở một số hộ dân. Nếu không có biện pháp thì nhiều xã sẽ biến thành ổ dịch.” – Ông Trần Văn Điếu - Trưởng thôn 4 xã Thượng Long cho biết.

Tại xã Thượng Nhật bên cạnh, dịch ghẻ cũng nặng nề và lan rất nhanh. Tháng 2/2009 có 1.000 người bị ghẻ, đến giờ bảy thôn với  2.000 hộ của toàn xã đều bị ghẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng trạm y tế xã Thượng Nhật, tình trạng lây lan nhanh là vì người dân ban đầu nghĩ là do thời tiết. Trong gia đình có một người bị ghẻ là một tuần sau cả nhà ai cũng bị nhiễm. Mặc dù các xã có đợt phát thuốc chữa trị, nhưng do người dân vẫn chưa biết cách ăn ở vệ sinh nên bệnh vẫn tái diễn và lây lan.

"Đa số người dân nơi đây không có tiền mua thuốc, cũng không xác định được mình mắc bệnh gì nên bệnh cứ lan rộng và ngày càng nặng. Giờ trên địa bàn xã Thượng Long gần 100 phần trăm người bị ghẻ. Xã đã có đợt phát thuốc cho người dân, nhưng bệnh chưa hết, phải có thêm nhiều đợt phát thuốc nữa, mới kìm hãm được nạn tái phát dịch" - Ông Đoàn Văn Vần - Chủ tịch UBND xã Thượng Long

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.