Bộ "ôm" hàng trăm DN là không chấp nhận được

Bộ "ôm" hàng trăm DN là không chấp nhận được
Ngay từ đầu giờ sáng hôm nay (6.11), đã có tới 19 đại biểu quốc hội đăng ký phát biểu về thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Rất nhiều vấn đề nóng đã được đặt lên bàn nghị sự.
Bộ "ôm" hàng trăm DN là không chấp nhận được ảnh 1
Nghị trường Quốc hội ngày 6.11

Không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Góp ý về vai trò của  Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Đại biểu Trương Thị Mai (Trà Vinh) nói: Chúng ta đã đề cập đến vai trò của Tổng công ty này khá lâu rồi nhưng cả hai bản báo cáo đều nêu chưa rõ khi đề cập đến vai trò của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trong quá trình cổ phần hoá và sau khi kết thúc.

Báo cáo Chính phủ chỉ nêu “tăng cường” vai trò của Tổng công ty này mà không rõ “tăng cường” như nào? Báo cáo thẩm tra cũng chỉ nêu là Tổng công ty này chưa chính thức hoạt động theo quy định của pháp luật và khẩn trương đưa vào hoạt động, có cơ chế phối hợp để chuyển vốn của Nhà nước.

Như vậy là gần 15 năm, 3 ngàn doanh nghiệp đã được cổ phần hoá vẫn đang đứng trước câu hỏi: Ai thay mặt cho nhà nước để quản lý vốn tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần xong? Quản lý như thế nào? Bên cạnh đó, chúng ta đang khẩn trương cho khoảng 1.500 doanh nghiệp tiếp tục được cổ phần hoá với số vốn vài trăm ngàn tỷ đồng.

Bà Mai đề nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước: “Lẽ ra việc này phải được làm trước một bước, để đảm bảo cổ phần hoá đến đâu thì đồng vốn Nhà nước phải được tiếp cận quản lý đến đó. 

Việc làm trên sẽ tách được chức năng sản xuất, kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý hành chính Nhà nước nhằm thay đổi cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các cơ quan quản lý Nhà nước; xóa bỏ cơ chế xin- cho, độc quyền, khép kín dẫn đến hiện tượng tiêu cực không lành mạnh trong mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và DNNN.

Hiện tượng một bộ có khoảng vài chục doanh nghiệp, vài trăm doanh nghiệp là không thể chấp nhận và không thể tồn tại được trong xu thế phát triển của nền kinh tế hiện nay.

Đừng để công nhân “ra rìa”

Đại biểu Trần Đình Đàn (đoàn Hà Tĩnh): Có những doanh nghiệp sau cổ phần tiếp tục thâu tóm quyền lực, họ mua số cổ phần của công nhân không có điều kiện. Tôi nghĩ rằng chủ trương của Đảng không tư nhân hoá, nhưng trên thực tế có  một số đơn vị đã tư nhân hoá.

Chính phủ nên đánh giá và kiểm tra lại vấn đề này. Khi giám đốc nắm lấy cái này (cổ phần-p.v) rồi, thì 3 quỹ: quỹ phát triển sản xuất, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi lập tức bị thu hẹp lại và người giám đốc có thể phân phối vào trong cổ tức và cổ tức này được phân phối lại thì giám đốc sẽ được phần lớn. Tôi đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu xem xét lại điểm này.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (thành phố Hồ Chí Minh) phân tích về con số phản ánh tỉ lệ  vốn được cổ phần hoá chỉ có 6%, ông cho rằng, con số này “làm chúng ta phải suy nghĩ vì theo số liệu thống kê bình quân nhà nước phải đầu tư 20 đồng vốn, mới thu được 1 đồng lãi”.

Mặt bằng nhà xưởng rộng là yếu tố đẩy giá cổ phần lên cao. Có doanh nghiệp tuy không có thương hiệu mạnh, không có khả năng sinh lời cao nhưng nhờ có ưu thế về nhà xưởng nên giá cổ phiếu khi đưa ra đấu giá tăng lên rất cao. 

Hậu quả là công nhân của những đơn vị này dù được mua cổ phần với giá ưu đãi giảm 40%, nhưng họ không có tiền để mua và phải bán non cho các nhà đầu tư lớn với giá thấp, mà không ít trong số này chính là lãnh đạo doanh nghiệp. Khi đưa những cổ phần lên sàn thì một số ít người trở thành tỷ phú mới, còn đại đa số công nhân nghèo vẫn nghèo, đi làm thuê cho các ông chủ mới.

Vẫn là về quyền lợi người lao động, ông Tùng nói cổ phần hoá không chỉ dừng ở khía cạnh kinh tế mà còn lo công bằng xã hội, lợi ích người lao động, trợ cấp thất nghiệp, việc làm, v.v... Vì thế, " chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ có chủ trương, biện pháp thật cụ thể, đặc biệt là sửa Nghị Định 187/CP theo hướng đảm bảo cho người lao động một lượng cổ phiếu nhất định và coi họ là cổ đông sáng lập.

Việc làm này sẽ tạo động lực mới cho cổ phần hoá, vì những người lao động sẽ vào cuộc tích cực hơn, chúng ta đừng đẩy họ ra vì lý do họ là người nghèo không có tiền để mua cổ phần”, ông nhấn mạnh.

Tài sản nhà nước đang thất thoát ở khâu định giá?

Góp ý kiến cho vấn đề định giá doanh nghiệp khi cổ phần hoá, Đại biểu Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) khẳng định: tài sản Nhà nước còn, mất chính là ở khâu quan trọng này.

Theo Nghị định 187, hoạt động định giá tài sản được giao cho 1 tổ chức tài chính và do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của các tổ chức này chưa rõ, chưa gắn trách nhiệm của tổ chức tư vấn dịch vụ với việc bán cổ phần của doanh nghiệp, độ tin cậy về chất lượng định giá doanh nghiệp của nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ này vẫn còn nhiều hạn chế.

Phần lớn doanh nghiệp đều áp dụng tính giá theo sổ kế toán. Tức là tài sản doanh nghiệp được khấu hao hàng năm, giá trị còn lại được thể hiện trên sổ kế toán. Ông Khanh nói : “Theo tôi được biết các giám đốc doanh nghiệp lâu nay thường muốn khấu hao nhanh tài sản nên số tài sản còn lại phản ánh trên sổ sách thường không đúng giá trị thật”.

Báo cáo Chính phủ nói khi cổ phần hoá thì giá trị vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp cổ phần hoá được đánh giá tăng thêm 18,4% so với giá trị còn lại trên sổ sách nhưng ông Khanh thì lại cho rằng không phải tăng thêm, mà đó chính là tài sản Nhà nước đã được khấu hao không đúng thực chất.

“18,4% tôi tin rằng không phải con số cuối cùng. Có thể nói nhiều doanh nghiệp đánh giá tài sản rất thấp. Lạ thay ta có cả 1 tổ chức, trong công ty để làm việc này mà lại thua kém cả những người đầu tư. Bằng chứng là giá cổ phiếu khi bán đấu giá ở trên thị trường cao hơn mệnh giá 30% đến 200%, cá biệt có nơi 4 đến 5 lần”. ông bức xúc.

Ông Khanh dẫn chứng: “Ví dụ Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội, giá một cổ phần là 13.000 đến lúc đấu giá thành 39.000, tức là gấp 3 lần, chỉ có một người đã mua sạch số cổ phiếu này, sau đó họ thu gom lại, đến giờ họ có quyền quản lý tới 57% số cổ phần của công ty này. Tôi tự hỏi họ mua cái gì, tôi nghĩ không phải họ mua cỗ máy để thu lợi nhuận, mà mua giá trị tiềm năng như thương hiệu, lợi thế thương mại, giá trị thị phần, khả năng phát triển tương lai, mà những cái đó hiện tại ta chưa có cơ sở để mà tính toán cho phù hợp. Đây cũng là lãng phí, đặc biệt là họ mua đất của doanh nghiệp đang quản lý để chờ thời và kinh doanh vốn có giá trị siêu lợi nhuận” .

Cuối cùng, ông Khanh đề nghị: Chính phủ cần có biện pháp tính giá trị doanh nghiệp sao cho thật sát với thị trường để tránh lãng phí. Về mặt đất đai, tôi đề nghị rà soát lại nhu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cần đến đâu thì giao đến đó, cho thuê đến đó, còn thì thu lại. Ở các thành phố lớn, có rất nhiều khu đất đắc địa, vốn là cửa hàng, hợp tác xã, là nhà kho, là nhà xưởng, là trụ sở cơ quan có từ thời bao cấp. Nay doanh nghiệp quản lý sử dụng cho thuê, thậm chí làm nhà chia cho cán bộ công nhân viên. Tóm lại sử dụng không đúng mục đích, tôi đề nghị xem lại chỗ này.

Theo Đỗ Minh
VietnamNet

MỚI - NÓNG