Bỏ quên 'chất xám' của dân trong xử lý ô nhiễm

Bỏ quên 'chất xám' của dân trong xử lý ô nhiễm
TP - “Phải sử dụng thành quả nghiên cứu và những sáng kiến của dân để xử lý ô nhiễm môi trường tại Thủ đô”- Đại biểu (ĐB) Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh) phát biểu thảo luận chiều qua về đề án xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Hà Nội đến năm 2010.

ĐB Hưng cho rằng, nhiều sáng kiến rất có giá trị của dân Thủ đô về xử lý ô nhiễm môi trường chưa được lãnh đạo Thành phố quan tâm, ứng dụng.

“Đề án đưa ra những giải pháp cấp bách, đòi hỏi phải có đầu tư lớn. Vì vậy, Thành phố làm rõ cơ sở khoa học, việc sử dụng chất xám của các nhà khoa học ra sao, và cần phải được phản biện”- Ông Hưng nói.

Vấn đề xử lý ô nhiễm nước ở các hồ Hà Nội theo ĐB Hưng, dường như đề án chỉ chọn những hồ dễ làm trước, trong khi hồ Văn Chương (từng bị nhiễm phẩy khuẩn tả), hồ Ba Mẫu đang ô nhiễm nặng lại không được ưu tiên xử lý.

Ngoài ra, Đề án đề cập việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xử lý ô nhiễm môi trường, nhưng lại mang nặng tính kinh tế. Quan trọng là phải sử dụng được nhiều chất xám.

Đề án đưa ra chín chương trình, dự án ưu tiên thực hiện từ nay đến hết năm 2010: Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt (Nam Sóc Sơn, hoặc Đồng Ké, Chương Mỹ); Dự án gom và xử lý nước thải một đoạn sông Tô Lịch, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà; Xử lý ô nhiễm 7 hồ (Hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Hữu Tiệp, Kim Liên, hồ đình Ngọc Hà); Nạo vét lòng sông Nhuệ; Thí điểm xử lý nước thải làng nghề chế biến tinh bột sắn (Tân Hòa, Quốc Oai)…Tổng kinh phí khoảng 2.700 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách là 1.329,3 tỷ đồng).

“Một học sinh lớp 10 có sáng kiến rất hay xử lý nước hồ Ba Mẫu bằng đất sét và xơ bìa carton - sáng kiến này được cả nước công nhận, đoạt giải nhất tại Thụy Điển, nhưng chẳng ai để ý. Một cán bộ công an ở Hà Tây trước đây đề xuất xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng cũng chẳng thấy ai quan tâm”- Ông Hưng nêu vấn đề.

ĐB Vũ Đức Tân (Ba Đình) cho rằng, việc xử lý ô nhiễm nước ở các hồ đã rõ trách nhiệm là phân cấp cho quận, huyện, còn với các con sông thì rất phức tạp vì không biết ai phải chịu trách nhiệm?

Ông Tân đề nghị giao Sở Tài nguyên - Môi trường thành lập một ban chuyên về các dòng sông. Ban này có nhiệm vụ theo dõi sự ô nhiễm, quản lý việc cải tạo, xử lý ô nhiễm của các sông, tránh tình trạng không có cơ quan nào chuyên về quản lý, khiến ô nhiễm ngày càng tăng như hiện nay.

Đề nghị đóng cửa bệnh viện gây ô nhiễm

Một vấn đề khó khăn, gây tốn kém trong việc xử lý nguồn nước thải hiện nay theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ là, thành phố chưa tách được hệ thống nước thải ra khỏi hệ thống thoát nước mưa.

Vì vậy, cần có yêu cầu rõ đối với các khu đô thị, chung cư, công trình cao tầng, nhà hàng, khách sạn… khi xây mới phải có hệ thống xử lý nước thải và nước mưa riêng biệt mới được phép đưa vào sử dụng. “Phải hạn chế việc xả thải ô nhiễm ngay từ nguồn”-Ông Thọ nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn, đến năm 2010, các cơ sở y tế, bệnh viện thuộc TP Hà Nội sẽ đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải y tế, vấn đề chỉ còn là kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, để đạt kết quả chung, các bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô cũng phải đảm bảo xử lý được toàn bộ rác thải của họ.

“Nếu các bệnh viện này không thực hiện đúng, kiến nghị HĐND có biện pháp xử lý, thậm chí yêu cầu đóng cửa những bệnh viện gây ô nhiễm”- Ông Tuấn đề nghị.

Công khai đấu thầu dự án

“Việc phân vai trách nhiệm sở ngành rất rõ, nhưng trách nhiệm của nhạc trưởng thế nào?”- ĐB Bùi Thị An (Hai Bà Trưng) lo ngại. Bà An đề nghị, thành phố phải có các giải pháp đồng bộ, huy động từ dân đến các cơ quan, lãnh đạo vào cuộc. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ xử lý rác thật hiện đại, tránh việc xử lý nơi này thì nơi kia lại bị ô nhiễm.

“Dự án xử lý ô nhiễm các hồ cần công khai, minh bạch bằng việc cho đấu thấu rộng rãi”- ĐB An kiến nghị. Thậm chí, cần giữ lại một khoản tiền như kinh phí bảo hành trong một khoảng thời gian nào đó, để đảm bảo sau khi xử lý thì các hồ vẫn có sự bền vững về môi trường.

ĐB Phạm Thị Loan (Long Biên) lo ngại: Đề án đặt ra lộ trình quá ngắn, đến năm 2010 phải hoàn thành rất nhiều mục tiêu lớn, là một thách thức đối với Thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh, thời gian đến 2010 không còn nhiều, vì vậy, cần xác định thực hiện Đề án như một quyết tâm chính trị, cần có sự hợp lực và đồng bộ để đạt kết quả tốt nhất. 

MỚI - NÓNG