Bổ sung quyền quản lý cán bộ với ĐBQH chuyên trách

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
TPO - Công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương bao gồm nhiều nội dung và có tính đặc thù, đòi hỏi phải có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở trung ương và địa phương.

Chưa phải thời điểm chuyển các Ban thuộc Quốc hội

Ngày 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này, và quyết định lùi thời điểm thông qua sang kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các Đoàn ĐBQH. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội.

Về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, theo ông Tùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, ý kiến của ĐBQH và các Đoàn ĐBQH về vấn đề này vẫn còn rất khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì chưa phải là thời điểm thích hợp để chuyển các Ban thành cơ quan thuộc Quốc hội.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục giữ Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc UBTVQH như hiện nay. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban, UBTVQH sẽ xem xét, quy định bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp hơn đối với đội ngũ cán bộ của các cơ quan này.

Về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn ĐBQH. Bên cạnh đó, ĐBQH hoạt động chuyên trách ở trung ương, ở địa phương còn phải có thêm một số tiêu chuẩn riêng để làm cơ sở cho công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.

UBTVQH thấy rằng, việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với ĐBQH nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của ĐBQH, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quá trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử ĐBQH trong các nhiệm kỳ qua.

Bên cạnh các tiêu chuẩn chung của ĐBQH đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong các văn bản chỉ đạo của Đảng còn đề ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể (như về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác, kinh nghiệm, uy tín, độ tuổi...) với quy trình đề cử, giới thiệu chặt chẽ hơn nhằm phát hiện, lựa chọn được những cán bộ xứng đáng, có năng lực, phẩm chất phù hợp để giới thiệu ứng cử ĐBQH làm cơ sở cho cử tri xem xét, đánh giá, bầu chọn làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.

UBTVQH nhận thấy các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã thể hiện đầy đủ các năng lực, phẩm chất mà người ĐBQH phải có, cụ thể hóa quyền ứng cử ĐBQH đã được Hiến pháp quy định để áp dụng chung cho cả ĐBQH là người do các cơ quan, tổ chức, do Đảng giới thiệu và ĐBQH là người ngoài Đảng, người tự ứng cử.

Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ các nội dung này và không bổ sung các tiêu chuẩn trong Đảng làm tiêu chuẩn chung cho các ĐBQH. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (ĐBQH hoạt động chuyên trách, ĐBQH kiêm nhiệm, ĐBQH tái cử...) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.

Bổ sung quyền quản lý cho địa phương

Về công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách: Có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền phân loại, đánh giá đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; làm rõ ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương là do trung ương hay địa phương quản lý; cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ ở địa phương và trung ương để bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác cán bộ đối với nhóm đối tượng này.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 8, trong quá trình nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật, các cơ quan đã đề xuất luật hóa quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ, đánh giá hoạt động đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 của UBTVQH.

Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, quy định nêu trên vẫn chưa thật đầy đủ, chưa đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay và một số nội dung chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, có thể gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp trong công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương.

UBTVQH thấy rằng, các ý kiến nêu trên là có cơ sở. Công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương bao gồm nhiều nội dung và có tính đặc thù, đòi hỏi phải có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở trung ương và địa phương, đặc biệt là trong việc đánh giá hoạt động, thi đua, khen thưởng, điều động, luân chuyển... đối với ĐBQH.

Vì vậy, UBTVQH tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH theo hướng quy định trong Luật thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý công tác cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách của địa phương mình (khoản 3a Điều 43); đồng thời giao UBTVQH quy định về việc thực hiện công tác cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với ĐBQH và ĐBQH hoạt động chuyên trách (khoản 1 Điều 54) để phù hợp với phạm vi phân cấp, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương và tình hình thực tế trong từng giai đoạn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.