Bộ Tài chính: Giảm 1.499 đầu mối nhưng công chức ít biến động

Đoàn giám sát làm việc với các bộ ngành về tổ chức bộ máy nhà nước
Đoàn giám sát làm việc với các bộ ngành về tổ chức bộ máy nhà nước
TPO - Mặc dù đã có giảm 1.499 đầu mối các đơn vị, song với số lượng công chức chiếm 2/3 công chức khối Trung ương, việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức cho các đơn vị của Bộ Tài chính từ năm 2011- 2017 không có sự biến động đáng kể.

Báo cáo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 với đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Năm 2011, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính là 12.708 đơn vị với 20 cục, vụ, 5 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp, 181 cục ở cấp tỉnh.

Tuy nhiên đến tháng 12/2016, số đơn vị của Bộ Tài chính đã giảm xuống chỉ còn 11.209 đơn vị với 20 cục, vụ. Số tổng cục và đơn vị sự nghiệp giữ nguyên và ở cấp tỉnh tăng lên 2 cục (183 cục ở cấp tỉnh). Con số trên cho thấy, đến năm 2016, bộ này đã giảm tới 1.499 đầu mối các đơn vị so với năm 2011.

Riêng về số lượng các đơn vị thành lập mới, theo lý giải của Bộ Tài chính là nhằm đáp ứng yêu cầu về gia tăng quy mô khối lượng công việc, thực hiện chia tách địa giới hành chính của các địa phương và yêu cầu hiện đại hóa, cải cách hành chính của ngành.

“Các tổng cục như Tổng cục Hải quan, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Kho bạc nhà nước đã thực hiện quy định không tổ chức cấp phòng thuộc các Vụ trực thuộc”, bộ Tài chính cho hay.

Về rà soát biên chế công chức, theo lãnh đạo bộ, đến hết năm 2016, biên chế toàn ngành 76.375 người. Đến 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính đề nghị tinh giản 562 trường hợp, trong đó Bộ Nội vụ đã phê duyệt được 357/562 trường hợp (đạt 63,5%). Hàng năm, toàn ngành cũng thực hiện luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác khoảng hơn 8.156 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính cũng cho rằng, một số nhiệm vụ về quản lý ngân sách còn có sự phân khúc, ngắt quãng như quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tài chính và các bộ ngành khác.

Bộ Tài chính đề nghị sớm ban hành bộ tiêu chí quy định về điều kiện thành lập, giải thể tổ chức hành chính. Trong đó có những tiêu chí quy định cứng về số lượng biên chế, vị trí việc làm nhất định để thành lập mới đơn vị. Đồng thời, đề nghị tiếp tục định hướng tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ theo mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Đoàn giám sát ghi nhận kết quả sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính khi đến tháng 12/2016 đã giảm được 1.499 đầu mối các đơn vị so với năm 2011. Tuy nhiên, với số lượng công chức chiếm 2/3 công chức khối Trung ương, việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức cho các đơn vị của bộ từ năm 2011- 2017 không có sự biến động đáng kể.

Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính làm rõ thêm chủ trương cải cách hành chính về tổ chức bộ máy của Bộ; việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ phận cấu thành tổ chức bên trong bộ với địa phương; hiệu quả việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với sử dụng công nghệ thông tin góp phần tinh giản biên chế.

MỚI - NÓNG