'Bó tay' với cát tặc sông Ðồng Nai

Những căn nhà của người dân bỏ hoang sau khi sụt đất ở bờ sông.
Những căn nhà của người dân bỏ hoang sau khi sụt đất ở bờ sông.
TP - Khi chính quyền 2 tỉnh Bình Dương và Ðồng Nai cùng cấm khai thác cát, thì nạn khai thác cát trái phép lại xảy ra hằng đêm làm cho nhiều diện tích đất ven sông Ðồng Nai tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Nguy cơ mất dần cù lao Rùa

Trước tình trạng đất đai, vườn tược ở cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) sạt lở dần xuống sông Đồng Nai, gia đình ông Nguyễn Văn Năm đầu tư hơn 500 triệu đồng để làm bờ kè bê tông giữ đất. Nhưng chỉ sau  trận mưa lớn vào ngày 6/8 vừa qua toàn bộ công trình bờ kè dài hàng chục mét của ông đã lún sụt xuống sông. Theo ông Năm   đất lở ở cù lao này một phần do thiên nhiên, nhưng phần lớn là do tác động của việc khai thác cát từ nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa một người dân ở cù lao Rùa cho biết, xưa nay phía cù lao này luôn là bên bồi, còn bờ phía Đồng Nai là bên lở, nhưng nay thì cả hai bên bờ sông đều đã lở như nhau.

Sở dĩ xưa nay người dân địa phương gọi là cù lao Rùa vì hình dạng cù lao như con rùa với phần thân chiếm diện tích lớn, phần cổ và đầu rùa là đoạn đất hẹp. Đất lở dần xuống sông khiến đoạn cổ và đầu rùa ngày càng hẹp lại. Ông Nguyễn Văn Thanh Giang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hội lo lắng nói: “Trước đây phần đất cổ rùa có bề ngang rộng  gần 200m, nay lở dần còn không đầy 100m. Nếu không có biện pháp kè bờ giữ đất thì nguy cơ sẽ đứt phần cổ rùa, khi đó cù lao sẽ tách ra làm 2 phần”. Ông Giang cho biết thêm, hàng đêm trên sông Đồng Nai vẫn còn tình trạng lén lút khai thác cát. Từ khi chính quyền địa phương được cấp ca nô tuần tra thì nạn hút trộm cát mới giảm. Theo ông Giang việc ngăn chặn khai thác cát trộm còn gặp nhiều khó khăn do đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh.  Nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương  thì rất khó ngăn chặn. 

Không chống nổi “cát tặc”

Người dân sống ở phía bờ sông Đồng Nai bên địa phận tỉnh Đồng Nai cũng không yên với tình trạng sạt lở bờ sông đang “nuốt”  dần đất đai, nhà cửa. Việc khai thác cát trái phép diễn ra trong một thời gian dài đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Cửu khiến nhiều diện tích đất bị sạt lở xuống sông. Ông Võ Văn Phú, ở ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, cho biết, hằng đêm từ 12 giờ đến 2 giờ sáng, là thời điểm các thuyền hút cát trái phép hoạt động rầm rộ nhất.

Hơn 1 năm qua, kể từ ngày hàng loạt căn nhà người dân thuộc  ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) sụt lún đổ sập ra sông Đồng Nai nhiều hộ dân phải di dời đi nơi khác. Người dân ở đây đã sống nhiều đời bên bờ sông Đồng Nai, với họ chưa bao giờ gặp phải thiên tai. Nhưng sau một đêm, nhiều căn nhà bị sập, nứt tan hoang. Nhà văn hóa ấp 1 mới được xây dựng khang trang đã bị sập. Ngôi miếu thờ của người dân địa phương hàng trăm năm tuổi cũng bị sập một phần.  8 căn nhà của các hộ dân bị sập tường, sạt móng. Nhiều căn nhà khác có dấu hiệu nứt gãy.  Sau sự cố sụt lở đất, nhà, nhiều gia đình đã bỏ nhà đi nơi khác để lại những căn nhà hoang, vắng lặng. Một số gia đình chưa có điều kiện di dời vẫn bám trụ lại và sống trong sợ hãi trước “miệng hà bá”.

Không chỉ nhà dân bị sạt lở đất, mà một đơn vị quân đội đóng bên bờ sông Đồng Nai thuộc xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) cũng phải “kêu cứu” đến UBND tỉnh Đồng Nai và các ngành chức về nạn khai thác cát trên sông Đồng Nai. Theo đơn vị này, việc sạt lở đất do nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn gần khu vực đơn vị đóng quân đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Ban đầu chỉ sạt lở vài mét nhưng hiện nay đã lan rộng ra khoảng 1.500m2, với chiều dài 150m, chiều rộng 10m.

Đại diện chính quyền tại cơ sở một số địa phương ven sông Đồng Nai nhìn nhận, việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông hầu như không làm được. Bởi địa phương không có phương tiện cũng như hạn chế về lực lượng nên mỗi khi phát hiện các đối tượng khai thác cát thì chỉ dừng lại ở việc xua đuổi đi nơi khác và báo cấp trên.

“Cứ phát hiện khai thác cát trên sông, tôi báo cho chính quyền. Khi lực lượng công an, dân quân xuống thì các đối tượng nhanh chóng điều khiển phương tiện chạy qua bên kia sông thuộc địa phận tỉnh Bình Dương”.

Ông Võ Văn Phú 

MỚI - NÓNG