Bó tay với hàng trăm hãng xe đò trục lợi

Vẫn còn trên 100 DN vận tải chưa giảm giá cước.
Vẫn còn trên 100 DN vận tải chưa giảm giá cước.
TP - TPHCM không có thẩm quyền bắt tất cả các hãng xe đò đăng ký hoạt động tại các bến xe của thành phố phải giảm giá vé theo giá xăng dầu, nếu DN kê khai giá cước tại tỉnh nào thì do tỉnh đó quyết định.

Đại diện Sở GTVT và Sở Tài chính TPHCM cho biết tại buổi họp báo chiều 22/1 về công tác phục vụ Tết Ất Mùi, tại hai bến xe liên tỉnh lớn nhất TPHCM, đến nay vẫn còn trên 100 DN chưa giảm giá cước.

“Im lặng” khi xăng giảm

Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính, tính từ tháng 12/2013 đến nay với 27 lần tăng, giảm (11 lần tăng, 16 lần giảm) thì giá xăng đã giảm 7.900 đồng/lít, giá dầu giảm 7.100 đồng/lít, giảm 32-33% so với đầu năm 2014. Trong vận tải hành khách tuyến cố định, xăng dầu chiếm 35-40% cơ cấu giá thành. Dầu giảm 32% thì giá cước phải giảm 11%.

Khi điều chỉnh giá xăng dầu vào tháng 7/2014 và đến tháng 9/2014 giảm thêm một đợt nữa thì Sở đã yêu cầu các đơn vị vận tải điều chỉnh giảm. Gần như các đơn vị đều giảm, với mức giảm của xe đò là 3-7%. Đợt 2, từ 22/11 đến 22/12, xăng dầu tiếp tục giảm nhưng trong  55 DN TPHCM quản lý chỉ có 32 DN giảm giá hai đợt với mức giảm từ 7-22%. Ngày 21/1, xăng dầu tiếp tục giảm gần 1.900 đồng/lít, Sở lại yêu cầu các đơn vị giảm giá. “Như vậy công tác quản lý giá cước ở TPHCM rất chặt, còn 5 đơn vị tăng giá cước mà báo Tiền Phong phản ánh là của các tỉnh” - ông Chiến nói.

Ông Phạm Đình Đức, trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ TPHCM cho biết, 5 DN tăng giá vé mà báo Tiền Phong nêu có 1 đơn vị ở Hải Phòng và 4 đơn vị tại Phú Yên nhưng không cho biết cụ thể danh tính.

“Vừa qua, sau khi nhận được báo cáo của bến xe Miền Đông (BXMĐ), Sở đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, UBND và Sở GTVT hai địa phương liên quan chấn chỉnh. Sở GTVT TPHCM không có thẩm quyền bắt các đơn vị nói trên giảm giá vé mà các địa phương kia mới có quyền. TPHCM chỉ quản lý giá vé các DN kê khai giá tại TPHCM” - ông Đức nói.

Phó giám đốc BXMĐ Thượng Thanh Hải, cho biết có 99/214 DN đang hoạt động tại bến xe chưa giảm giá cước. Đại diện bến xe Miền Tây, cho biết có 110/130 DN vận tải đang hoạt động tại bến xe giảm giá cước. Trong số 20 DN không giảm thì có 10 DN nại lý do đã không tăng giá cước khi giá xăng, dầu tăng. 10 DN còn lại vẫn im lặng.

Hàng vạn người bị móc túi

Theo hồ sơ Sở Tài chính cung cấp, giá vé xe đò Tết năm nay giảm từ 7-20% so với tết năm ngoái. Nhiều hãng xe đò tại TPHCM giảm giá rất cước sâu, như HTX Trung Nam giảm cước tuyến đi Huế đến 22,22%, chi nhánh công ty vận tải Phượng Hoàng (Hà Nội) giảm gần 24% giá cước tuyến Hà Nội, công ty Phương Trang giảm cước 22,67% tuyến đi Huế…

Ông Nguyễn Quốc Chiến cho biết Sở Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các nhà xe tiếp tục xem xét, điều chỉnh giá cước phù hợp khi xăng dầu tiếp tục giảm vào ngày 21/1 với biên độ khá lớn. Đến 31/1, các DN phải có kê khai giá cước lại với Sở Tài chính. “Đối với taxi, nên giảm thêm 500 đồng/km nữa”- ông Chiến nói và đề xuất xe đò cần giảm giá vé ở mức 10-15% là hợp lý.

Ông Phạm Đình Đức cho biết trong những ngày cận Tết này, lượng khách qua các bến xe sẽ tăng khoảng 5% so với tết năm ngoái. “Hiện nay có một số DN đã kê khai giá phụ thu và đã thu, bán vé trước. Nay xăng dầu tiếp tục giảm giá thì phải xem xét quyền lợi hành khách. Đơn vị nào trước đó đã giảm cước từ 15-20% thì không cần giảm giá thêm. Đơn vị nào giảm chưa thỏa đáng thì phải giảm tiếp” - ông Chiến nói.

Nhiều chuyên gia tài chính cho biết một trong những bất cập lớn nhất về chính sách quản lý giá là “DN giữ mức giá cũ nếu giá đăng ký mới không được chấp thuận. Trường hợp DN xin tăng giá thì biện pháp này là phù hợp nhưng nếu đăng ký giảm mà mức giảm chưa được chấp thuận thì DN tiếp tục thu giá cũ (giá cao)”. 

Do TPHCM không quản được các hãng xe đò các tỉnh nên nhiều DN chưa giảm giá cước vô tư trục lợi khi tổ chức bán vé Tết cho hành khách. Không chỉ không giảm giá, các DN còn được phụ thu tối đa 60% giá vé ngày thường.

Chánh Thanh tra Sở Tài chính Nguyễn Thanh Bình cho biết vừa kiểm tra 11 DN, phát hiện, xử phạt 2 đơn vị bán vé xe cao hơn quy định với mức phạt 15 triệu đồng/trường hợp. Từ nay đến Tết, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt các vi phạm về giá đối với các đơn vị vận tải.

Thủ tướng chỉ đạo:

Giá cước vận tải phải giảm trước Tết Nguyên đán

Tại cuộc họp của tổ liên ngành ngày 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải xem lại xăng dầu chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu cước vận tải. Như vậy, giá xăng đã giảm nhiều trong thời gian qua, chắc chắn giá cước vận tải phải giảm. Hai cơ quan trên phải rà soát lại giá thành của các loại hình vận tải để cước vận tải phải giảm tương ứng. Cố gắng giảm càng sớm càng tốt. Đặc biệt cước vận tải phải giảm trước Tết. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể còn phụ thuộc vào các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải và tính toán của các bộ, ngành.

Phạm Tuyên

MỚI - NÓNG