Bó tay với thịt lợn không nguồn gốc?

Bó tay với thịt lợn không nguồn gốc?
TP - Chánh Thanh tra Cục Thú y khẳng định : Có tài thánh cũng không kiểm tra hết được nguồn gốc thịt lợn. Còn đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì cho biết : chưa xử phạt được ai bán thịt lợn không có dấu kiểm dịch.

>> Thêm 2 người nhập viện vì lợn tai xanh

Bó tay với thịt lợn không nguồn gốc? ảnh 1

Một dãy hàng thịt lợn không có dấu kiểm dịch tại chợ “Vồ”, quận Hà Đông - Ảnh: HT

Trước hiện tượng dịch tai xanh bùng phát ở nhiều tỉnh và nhiều cửa hàng bán thịt lợn không rõ nguồn gốc, Tiền Phong trao đổi với ông Hoàng Hùng Thiệp, Phó phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và bà Lê Kim Oanh, Chánh Thanh tra Cục Thú y, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Ông Hoàng Hùng Thiệp - Phó phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội : Qua ba khâu mới xử phạt

Hiện nay, đang có nhiều cửa hàng bán thịt lợn không có dấu kiểm dịch, tại sao không kiểm tra, xử phạt, thưa ông?

Muốn kiểm tra thì phải dựa vào nguồn tin hoặc cửa hàng chắc chắn vi phạm. Bởi, nếu người ta không vi phạm mà kiểm tra thì cán bộ đề xuất xử lý bị xem xét năng lực(?). Trước khi kiểm tra phải qua ba bước là: trinh sát - đề xuất kiểm tra - ban hành quyết định kiểm tra.

Hơn nữa, theo quy định của ngành, phải có hai người trở lên mới được kiểm tra. Vả lại, tại các chợ, phải có thêm đại diện thú y chứng minh chất lượng thịt lợn là kém, chúng tôi mới xử phạt được.

Hiện tại, chúng tôi chưa phạt được cửa hàng bán thịt lợn không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Vậy làm sao biết được thịt lợn đang bày bán trên thị trường là an toàn?

Nhiều khi, cơ quan thú y chỉ đóng dấu kiểm dịch vào một bộ phận trên con lợn đã mổ nên nếu người bán hàng chia ra từng miếng nhỏ thì coi như các miếng đó không có dấu. Điều này cũng rất khó cho quản lý thị trường.

Bà Lê Kim Oanh - Chánh Thanh tra Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn : Khó kiểm tra hết

Theo bà Oanh, nên mua thịt lợn vào buổi sáng, mang về nhà rửa sạch, cho vào tủ lạnh. Nên chọn những miếng thịt có màu hồng, tươi. Sờ vào thịt thấy dẻo. Nếu thịt lợn bệnh thì màu không bình thường, bị thâm, da thịt lấm tấm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Lý, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Khoa học, Cục Thú y thì khuyên: Nên mua thịt lợn có dấu kiểm dịch. Phải chọn thịt có màu hồng, mỡ trắng, không có mùi. Thịt lợn bị bệnh thì thường nhão, ướt, màu tối, có mùi. 

Chúng ta có xử phạt được những người bán thịt lợn không có dấu kiểm dịch không?

Chắc chắn là xử phạt được căn cứ theo Điều 16, Nghị định 40, ban hành ngày 24 - 4 - 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ, với sản phẩm từ động vật có trị giá đến 500.000 đồng mà chưa được cơ quan thú y kiểm tra thì chủ của lô hàng bị phạt từ 50 đến 100 nghìn đồng.

Nhưng, nếu người bán hàng nại rằng, con lợn của họ có dấu kiểm dịch nhưng đã bị cạo đi hoặc chỗ thịt có đóng dấu đã bán thì làm thế nào?

Đây đúng là khó khăn mà hiện tại chúng ta chưa giải quyết được. Chúng tôi đang nghiên cứu có thể lăn dấu kiểm dịch cả con (chỗ nào cũng có dấu) hoặc cấp tem dán (một con lợn cấp nhiều tem, dán vào các miếng thịt được chia nhỏ).

Nhưng ở nông thôn, với kiểu chăn nuôi phân tán, sẽ rất khó làm được điều đó?

Ở nông thôn, lực lượng thú y rất mỏng, ngoài kiểm tra an toàn thực phẩm, họ còn phải làm nhiều việc khác. Hơn nữa, người dân còn tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa giết mổ tại một nơi cố định.

Giả sử có một gia đình mổ lợn vào 3 giờ sáng thì làm sao mà đủ người đến giám sát. Nếu không tập trung vào một chỗ, có tài thánh, thú y cũng không kiểm tra hết được.

Nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tình trạng các cửa hàng bán thịt không rõ nguồn gốc?

Trách nhiệm trước hết thuộc về người tiêu dùng. Nếu ai khi đi mua thịt cũng yêu cầu có dấu kiểm dịch mới mua thì chỉ một vài lần là những người bán hàng phải tự tới cơ quan thú y lấy dấu kiểm dịch.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.