Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
TPO - Trả lời chất vấn đại biểu quốc hội sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ này đã gỡ 207 trang mạo danh, trong đó có 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chất vấn 8/11

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

08/11/2019 08:10

Sáng nay, có 83 đại biểu đăng ký chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

08/11/2019 08:11

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Các vấn đề được nêu ra, các gợi ý, các góc nhìn khác nhau, góc tiếp cận khác của các ĐBQH, giúp tôi nhìn thấy rõ hơn về ngành, các tồn tại, hạn chế, chúng tay làm cho lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin tốt hơn, hướng tới Việt Nam thịnh vượng. Một đất nước muốn vươn lên phải có sức mạnh tinh thần.

Báo chí là một sức mạnh tinh thần đó. Dù đưa tin tích cực hay tiêu cực thì đều hướng tới xây dựng Việt Nam mạnh lên. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói về công nghệ thông tin đạt nhiều thành tích.

Còn nhiều tồn tại, nhức nhối như vận chuyển hàng lậu, hàng nhái qua bưu chính, vẫn còn sim rác, mã độc, báo hóa tạp chí, trang tin điện tử, đạo đức của nhà báo, phóng viên...

08/11/2019 08:24

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam): Dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu chung quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ thông minh như thế nào? Giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Lê Công Nhương (Bình Định): Người dùng mạng xã hội là báo chí nhân dân, có nhiều trang xấu độc, nhưng ảnh hưởng lớn. Khắc phục như thế nào? Xu thế giới trẻ sử dụng điện thoại thông minh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đạo đức xã hội. Chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh. Trong khi nhiều thành phố trên thế giới đã dừng xây dựng thành phố thông minh, vậy chúng ta có dừng không?

Đại biểu  Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình): Nhiều báo chí thông tin về đời tư, gây thiệt hại, nguy hiểm . Điều chỉnh như thế nào? Bí mật đời tư thế nào?

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc): Thấy vụ án, trộm cắp, giết người... trên báo chí được tuyên truyền thành nếp sống của nhiều người. Vấn đề tội ác không hạn chế được, ảnh hưởng đến thanh niên? Báo chí làm vì mục đích gì? Có cần chấn chỉnh không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tin nhắn rác xuất hiện nhiều, nội dung đồi trụy, cá cược, nói xấu chế độ, vi phạm nhân quyền, có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công, nhiều người bị lừa đảo. Giải pháp sắp tới?

08/11/2019 08:33

Sẽ sớm có chế tài xử lý vấn đề tin giả

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Về dịch vụ công trực tuyến và chia sẻ dữ liệu, mục tiêu của chính phủ điện tử là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là cấp độ 3, 4, đến 2020 đạt 30%. Hiện nay thì mới đạt khoảng 10%, có thể nói là thấp. Còn hơn 1 năm nữa thôi phải đẩy lên con số 30%. Bộ hiện tập trung làm việc với các bộ, các địa phương để tháo gỡ khó khăn.

Liên quan đến chia sẻ dữ liệu thì nhiều năm qua hơi có màu sắc là trăm hoa đua nở. thì bây giờ phải giải quyết nền tảng dịch vụ công trực tuyến, trong đó có nội dung là kết nối các bộ ngành để chia sẻ dữ liệu. Trục kết nối đã xong, có một số đã được kết nối như doanh nghiệp, hộ tịch. Năm 2019 sẽ trình ban hành một nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Về thành phố thông minh thì Thủ tướng đã có đề án, thì giai đoạn đầu triển khai thí điểm. Tháng 11 sẽ ban hành thí điểm, làm việc với một số thành phố để làm mẫu, đến giữa 2020 thì làm được diện rộng.

Về câu hỏi của đại biểu Nhường, câu chuyện tin xấu độc trên mạng, thì nó là tính toàn cầu, không chỉ ở nước ta. Nói trong 3 phút thì rất khó. Điểm chính là đầu tiên là hành lang pháp lý, chúng ta đã có, có luật an toàn mạng, luật an ninh mạng. Nhưng tất cả các quốc gia đều có pháp luật xử lý riêng về tin sai.

Trong Asean đã có Singapore đã xử lý tin giả. Rất nghiêm minh và có tính răn đe, không phải phạt vài chục triệu như chúng ta mà có thể đi tù đến vài năm, vài chục năm. Ở một số quốc gia thì người đứng đầu mạng xã hội cũng có thể đi tù. Việt Nam sẽ sớm có chế tài xử lý vấn đề tin giả.

Công ty nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay tin độc chủ yếu trên mạng xã hội nền tảng nước ngoài như Google, facebook. Hiện nay đã có làm việc thường xuyên với hai nền tảng này, mục tiêu đặt ra là tuân thủ pháp luật, yêu cầu có thể tìm ra danh tính các tài khoản. Vấn đề thứ hai là nền tảng phải có công cụ tự động tin xấu độc phải tự động xóa bỏ. Thứ ba là hợp tác gỡ bỏ tin xấu độc. Tin xấu độc có khi từ chính chúng ta mà ra. Nên cần giáo dục để tuyên truyền, từ cấp độ giáo dục phổ thông, cần có kỹ năng ứng xử, có cái đúng cái sai.

Nếu chúng ta đọc một tin xấu thì đã nuôi tin xấu đó và nó lan ra. Mỗi một view là quảng cáo tăng lên, chính chúng ta nuôi tin đó. Điện thoại thông minh, thì người Việt dùng nhiều, thời gian trung bình khoảng 2,5 – 3 tiếng một ngày. Nếu lạm dụng thì có nhiều hệ lụy. Đang nghiên cứu làm việc, đặc biệt với trẻ em, sẽ ra một số khuyến nghị, ví dụ tuổi dùng điện thoại thông minh, hạn chế thời gian chơi game. Về bí mật thông tin cá nhân, hiện nay thì cũng do chúng ta bảo vệ thông tin cá nhân.

Như tôi cách đây 1 tháng đi làm cái kính, thì cửa hàng cũng đề nghị điền thông tin cá nhân như số điện thoại, nhà... chúng ta đi mua cái gì thì cũng điền thông tin cá nhân. Dễ dãi trong cung cấp thông tin cá nhân. Chưa có quy định về các doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân này được làm gì. Sẽ phải có nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Chính phủ đã giao việc này. Vấn đề đời tư bị khai thác thì đã quy định rõ trong luật báo chí.

Ví dụ vụ án, xâm hại tình dục thì có được khai thác không, hiện nay là có. Vì câu view, đặc biệt trên các tạp chí, trang tin điện tử. Bây giờ phải xác định ngưỡng, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của phóng viên. Nghề báo là nghề đặc biệt, có sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, vì lợi ích cộng đồng. Chúng tôi sẽ phối hợp với hội nhà báo để tăng cường đạo đức nhà báo, phóng viên với xã hội.

Sim quảng cáo lan tràn, vấn đề này kéo dài rồi. Giải pháp đột phá thì trước đây xử lý sim rác thì là hàng trăm ngàn điểm bán, nhưng thời gian gần đây đổi cách quản lý thì quản lý các nhà mạng. Đẩy sim rác là do nhà mạng, quy trách nhiệm cho Giám đốc, tổng giám đốc nhà mạng, phát hiện thì nhắc nhở lần thứ 3, sau đó lên đến Thủ tướng.

Phạt thì cũng vài chục triệu, không đáng kể, nhưng bây giờ nếu phát sinh sim rác thì không cấp phép thêm dịch vụ nữa. Trong tháng 10 vừa qua, khi nhà mạng ra tay thì 24 triệu sim kích hoạt trước đã chặn lọc, còn khoảng 6 triệu sim thôi.

08/11/2019 08:44

Báo hóa tạp chí điện tử làm gia tăng sách nhiễu?

ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu vấn đề về tình trạng báo hoá tạp chí điện tử, làm gia tăng một số lượng lớn phóng viên, cộng tác viên và gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác. Vậy bộ đã chấn chỉnh tình trạng này như thế nào?

Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước ảnh 1 Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là việc làm sai pháp luật. Chúng ta quản lý báo chí theo tôn chỉ mục đích. Trong luật đã quy định, tạp chí khác báo. Tạp chí tập trung vào chuyên ngành, mang tính định kỳ.

Bộ trưởng Hùng cho rằng vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời tôn chỉ. Tạp chí nhưng cũng điều tra, phóng sự, cũng tin thời sự, tin chính trị, vượt quá tôn chỉ mục đích. Bộ đã nhìn thấy và gần đây nhất đã có cuộc họp gồm Ban Tuyên giáo T.Ư, Chính phủ, Bộ TT&TT để đưa ra giải pháp.

Về mặt pháp luật, theo Bộ trưởng cần phải làm rõ thế nào là định kỳ, tôn chỉ. Hiện đang quy hoạch các cơ quan báo chí, cấp lại giấy phép và sẽ làm rõ tôn chỉ mục đích, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

08/11/2019 09:05

Không đọc thì làm sao biết thông tin xấu, độc?

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng nói thông tin xấu độc, tin giả trên mạng thì người dùng tốt nhất là đừng xem. Tuy nhiên, những người sử dụng mạng nếu không đọc thì làm sao biết nó là xấu, độc. Vấn đề là người đọc làm thế nào để tự bảo vệ mình, phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai sự thật.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Chúng ta xem một lần, vài lần thấy thông tin không đúng thì nên thể hiện thái độ. Trong các thông tin trên mạng xã hội thì thường có phần dislike, chúng ta nên thể hiện thái độ bằng việc đó.

08/11/2019 09:16

Thủ tục chứng nhận độc thân rất phiền phức

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử chưa có sự liên thông, liên kết, dẫn đến gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Ví dụ, gần đây, báo chí phản ánh có trường hợp một thanh niên lấy vợ mười năm rồi vẫn phải đi xác nhận từng là độc thân để bán mảnh đất mà mình sở hữu từ khi còn chưa lấy vợ.

Hay trường hợp một cụ già goá chồng, muốn bán mảnh đất để chia cho con cháu thì vẫn phải lên phường để xin xác nhận độc thân, chưa tái giá.

Việc này chúng tôi thấy rất gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp có trường hợp đã bị vòi vĩnh nhũng nhiễu và tạo ra tham nhũng vặt.

Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tư pháp xem lại việc chức nhận độc thân. “Mỗi lần chứng nhận độc thân là rất phiền phức. Không biết cái thủ tục phường xã như thế nào đúng như là đại biểu Mai Hoa phản ánh”, Chủ tịch Quốc hội nói.

08/11/2019 09:52

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận): Các hoạt động lừa đảo trên mạng tràn lan, có giải pháp gì để cảnh báo cho người dân?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lừa đảo qua mạng viễn thông có chuyện nhắn tin, có các cuộc gọi, thư điện tử. Nói rằng bây giờ có một người chuyển thừa kế cho anh giá trị nhiều triệu USD... phải nộp tiền để lấy. Giải pháp ngăn chặn thì cùng với các nhà mạng lọc tự động, chặn thông minh. Cung cấp chứng cứ vi phạm của nhà mạng qua Bộ Công an, thì có cung cấp chi tiết. Một dạng lừa đảo nữa là trên mạng xã hội thì chặn lọc khó hơn, đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài. Trong nước thì điều chỉnh được. Công cụ phát hiện lừa đảo trên mạng xã hội phức tạp hơn. Bây giờ đã xây dựng được trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đang xử lý được 100 triệu tin/ngày, đang đầu tư để nâng lên 300 triệu tin/ngày.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Đã có quy định về việc khắc phục “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” nhưng vẫn có tình trạng này. Có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Gỡ bài thì đúng là chúng ta đã nghe, sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ. Nếu rà soát bằng tay thì không khả thi. Vừa qua đã phát triển công cụ. Các cơ quan báo chí đều có phải nộp lưu chiểu. Bộ công cụ cũng kiểm tra được xem có gỡ, có sửa bài không. Cả Bộ, Hội nhà báo, Ban Tuyên giáo T.Ư, các địa phương cũng đã có, khắc phục được tình trạng tương đối đáng kể. Xử lý thì có dấu hiệu sách nhiễu mới theo luật, còn nếu dấu hiệu không rõ thì xử lý bằng đạo đức thôi. Vừa qua thì có giảm, nếu làm mạnh hơn nữa thì giảm đáng kể.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội): Thời gian gần đây tình hình phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta xảy ra nhiều, phức tạp hơn về đối tượng, độc hại hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương thức và tinh vi hơn về thủ đoạn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn, yếu kém của Bộ, ngành và trách nhiệm của Bộ trưởng về giải pháp mới mạnh hơn sát hơn để ngăn chặn kịp thời?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Về việc mạo danh thì ban đầu thông tin tốt, nhưng sau đó họ đưa thông tin xấu độc. Vừa qua chúng tôi đã phối hợp và có hẳn lực lượng để giải quyết vấn đề này. 2 tháng vừa qua đã làm mạnh, gỡ các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vừa qua gỡ 207 trang, có trang web, trang mạng xã hội. Trong đó có 46 trang là liên quan đến tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sắp tới sẽ làm thêm việc mạo danh với các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội. Về mặt công cụ là làm được.

08/11/2019 09:53

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang): Đa số cử tri cho rằng, báo chí đưa theo kiểu giật tít, đưa vấn đề không phổ biến lên thành cao trào, gây bất an cho nhân dân. Biện pháp xử lý?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Câu chuyện giật tít trên báo thì đây là vấn đề lớn nhức nhối kéo dài, và giải pháp hiện nay Bộ và cá nhân tôi cũng phải nhận trách nhiệm là chưa có giải pháp gì hữu hiệu. Tít câu view, để kiếm tiền. Việc phân tích, tường minh tít có liên quan đến nội dung hay không thì cũng không dễ.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về phóng viên, đạo đức nghề nghiệp thôi. Thứ hai là Tổng biên tập, tổng biên tập phải tiền kiểm. Tôi nghĩ đây là hai trách nhiệm chính còn chưa biết rằng liệu rằng chúng ta có dùng công nghệ để so sánh giữa tít với nội dung bên trong có phù hợp với nhau. Tôi vẫn nghĩ có thể làm được, tôi cũng xin nhận trách nhiệm làm việc với các công ty công nghệ hỗ trợ thêm cho các cơ quan quản lý.

08/11/2019 09:54

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa): Tình trạng đánh bạc qua mạng, lợi dụng mạng xã hội đăng tải clip về lối sống lệch chuẩn?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tình trạng đánh bạc qua mạng, vừa rồi Bộ Công an xử lý một vụ rất nghiêm. Hiện nay, việc cấp phép game cơ bản làm rất chặt nhưng game cờ bạc xuất hiện nhiều trên nền tảng xã hội, trong đó tràn lan trên google play và facebook.

Rất nhiều trường hợp bán quảng cáo. Kể cả chuyện các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam tổ chức đánh bạc. Chúng ta phát hiện được các quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, và đấu tranh hạ xuống.

Tỷ lệ thành công với Google Play đạt 92%, nhưng với Cty Apple hiện nay chưa cao, chỉ đạt dưới 70%. Tức là họ vẫn tiếp tục quảng cáo game đánh bạc nhưng khi mình phát hiện và yêu cầu thì chưa thực thi luật pháp nghiêm minh. Chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà mạng viễn thông hay các nhà quản lý các địa chỉ Ip phát hiện kịp thời thông báo cho phía Bộ Công an để xử lý.

08/11/2019 09:56

Tại sao Khá Bảnh - giang hồ mạng mà có triệu view? Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đặt vấn đề thông tin xấu độc như bệnh dịch lan toả rất nhanh. Bộ cần có bộ lọc phát hiện, cách ly để sao cho người đọc không tiếp nhận thông tin đó để không lan toả thông tin xấu độc đó, bởi thực tế cho thấy nhiều bạn đọc lại muốn nghe thông tin xấu độc đấy.

“Chẳng hạn như Khá Bảnh một giang hồ thôi mà được hàng triệu view theo dõi”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, hiện nay có nhiều trang mạng làm giả các trang của Chính phủ, của Đảng, làm giả trang của các lãnh đạo cao cấp Đảng và Chính phủ. Nhiều trang mạng đưa ra thông tin rất truyền thống, sau đó lại khéo léo, lồng ghép các thông tin trái chiều vào. “Cử tri không thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả vì họ dùng chiêu hư hư thực thực”, ông Tuấn nói thêm.

Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước ảnh 2 Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhiều mạng xã hội cho rằng, là Cty toàn cầu nêu chỉ có một luật chơi thôi, nhưng cái đó không đúng. Nhập gia phải tùy tục. Hiện chúng tôi đang đấu tranh rất mạnh mẽ.

Các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ này, tức là tự động nhận dạng những thông tin xấu độc. Vừa qua chúng ta đã đầu tư xây dựng trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Công cụ này có thể chia sẻ cho các Bộ, các địa phương.

Một mình Bộ TT&TT không làm được, các Bộ Văn hóa, Bộ Công thương... cùng vào cuộc, các chính quyền địa phương. Chúng ta suốt ngày quan sát trên thế giới thực, rất nhiều lực lượng nhưng mà lực lượng quan sát không gian mạng thì lại ít. Cái này không khó, bởi vì có công cụ. Bây giờ vấn đề là phát hiện, còn công cụ phát hiện thì có.

08/11/2019 10:34

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt vấn đề: Trên mạng xuất hiện quảng cáo mua bán bằng cấp giả, chứng chỉ giả, giấy phép giả, tiền giả, thuốc súng, thuốc tân dược giả, thậm chí có cả quảng cáo mại dâm. “Tôi cho rằng cần có biện pháp quản lý hữu hiệu”, ông Cương nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là quảng cáo sai sự thật. Hiện có 3 loại hình, môi trường quảng cáo. Một là báo in, hai là các đài phát thanh, truyền hình. Với hai loại hình này, khi nhận quảng cáo, đơn vị đều kiểm duyệt nên lỗi không nhiều. Còn trên báo điện tử, có tình trạng bán vị trí quảng cáo cho công ty quảng cáo nước ngoài. Họ muốn đưa cái gì cũng được nên buông việc kiểm soát quảng cáo. Cái này là sai pháp luật. Cơ quan báo chí phải là người chịu trách nhiệm về nội dung.

Đối với mạng xã hội nước ngoài, vấn đề là phát hiện. Xử lý trực tiếp không được thì liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Hiện nay gỡ tỷ lệ quảng cáo cờ bạc đạt trên 90%.

08/11/2019 10:42

Việt Nam phải thành cường quốc về an ninh mạng

Đai biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi về xây dựng nền tảng công nghệ để thực hiện Chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn nền tảng.

“Muốn đạt mục tiêu kép Chính phủ điện tử và thành phố thông minh phải hội đủ 4 công nghệ nền. Đó là mật mã nền tảng, chia sẻ dữ liệu điện toán đám mây, và an toàn, an ninh mạng. Thế nhưng những công nghệ này Việt Nam gần như lệ thuộc bên ngoài, thiết bị dính lỗ hổng bảo mật, hệ điều hành, phần mềm bẻ khoá tràn ngập, mất kiểm soát. Có phải vì vậy mà các chỉ số xếp hạng của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, đang có xu hướng giảm nghiêm trọng”, ông Nhân nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi đưa tất cả thông tin, dữ liệu của cuộc sống, bí mật của chúng ta lên không gian mạng mà không an toàn thì nguy hại vô cùng. Chính phủ xác định, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, nếu không có điều kiện này thì không làm. Chúng ta hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, chắc chắn phải dựa vào internet, không có cách nào khác và phải trở thành cường quốc về an ninh mạng.

08/11/2019 10:44

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An): Hiện tại có xu hướng sản xuất phim ngắn trên mạng, cổ động bạo lực, cờ bạc. Giải pháp thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Như tôi đã nói về cơ bản, chúng ta có công cụ phát hiện các video loại này và ngày càng hoàn thiện. Các bộ, ngành địa phương phải chung tay đấu tranh với các loại video này. Với các video cổ động cờ bạc, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện là hạ xuống. Các nội dung không đúng thuần phong mỹ tục thì chắc Bộ Văn hóa phải vào cuộc. Các video ảnh hưởng đến trẻ em thì các cơ quan liên quan phải vào cuộc. Chúng ta phải chuyển tất cả sang không gian mạng, quản lý ở trên đấy, dọn dẹp trên đấy.

08/11/2019 11:11

08/11/2019 12:12

Đại biểu Đoàn Thị Hảo đặt vấn đề một số cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí, thậm chí khoán doanh thu, để cơ quan báo chí tự bươn chải, gây ra tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, xu hướng báo hóa tạp chí. Có tình trạng nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo sách nhiễu tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Giải pháp để ngăn chặn tình trạng này thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Có tình trạng cơ quan chủ quản báo chí báo chí buông buông lỏng quản lý, để báo chí xa rời tôn chỉ tôn chỉ mục đích. Chuyện khoán trắng là có, thậm chí Bộ nhận được những khiếu nại cơ quan báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản, trong khi trong Luật ghi cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí. Cái này nhức nhối và sai luật một cách nghiêm trọng.

Về vấn đề đạo đức nghề nghiệp xuống cấp, sách nhiễu doanh nghiệp thì có nhiều bức xúc. Năm 2019, Bộ đã xử lý các vi phạm hành chính 4 trường hợp liên quan, kể cả đình bản, thu thẻ nhà báo. Tôi vẫn nghĩ rằng phải đi bằng hai chân, có những cái theo pháp luật, có những cái theo đạo đức nghề nghiệp. Nhưng doanh nghiệp nhiều khi cũng không biết hết quyền của mình. Có trường hợp cứ thấy báo chí là chạy.

Trường hợp thứ hai, mình có quyền là kiểm tra xem có đúng tôn chỉ mục đích không, đúng người thật không. Bộ đã đưa lên mạng cơ sở dữ liệu về phóng viên, nhà báo để có thể tra cứu xem có đúng người thật, việc thật không. Còn có một việc nữa là khi khi phóng viên vào thì đã biết là ông doanh nghiệp có sai . Ông ấy cũng muốn lẩn đi, thế là thoả hiệp. Ở đây là câu chuyện hai chiều, với các doanh nghiệp, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải làm ăn tử tế và nếu thế thì tôi tin chắc là không có chuyện dọa dẫm. Thứ hai là luôn sẵn sàng ra tòa. Bộ ủng hộ việc kiện báo chí ra tòa.

08/11/2019 13:48

08/11/2019 14:17

Chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ TT&T Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đặt vấn đề, học sinh hiện không thích học môn lịch sử, thanh niên không mặn mà với lịch sử đất nước: “Cử tri cho rằng quá ít ỏi những bộ phim về lịch sử, về cuộc cách mạng giữ nước và dựng nước của nhân dân ta . Phim đã ít, lại được phát sóng ở những khung giờ giờ học, giờ làm của học sinh , thanh niên. Trong khi đó, phim nước ngoài, phim những cảnh nóng, kinh dị, giang hồ lại được chiếu ở khung giờ vàng. Xin hỏi, Bộ trưởng có cho ra từng giải pháp để thay đổi không? Nếu có thì giải pháp là gì? Câu hỏi này cũng xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo , Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, bà Dung nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, giờ vàng thường ưu tiên cho quảng cáo. Về phim cho trẻ em thì cũng có nhiều cách khác, có thể xem trên truyền hình trả tiền. Ngoài ra có khá nhiều nội dung cho trẻ em trên nền tảng xã hội. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa để sử dụng hợp lý khung giờ vàng để vừa khai thác kinh tế, vừa phù hợp với nội dung. Các chương trình không phù hợp với trẻ em phải có cảnh báo. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh vai trò của phụ huynh. Đầu thu truyền hình có chức năng cài đặt một số kênh không cho trẻ em xem. Các video độc hại cho trẻ em, chúng tôi đang tiếp tục gỡ xuống.

08/11/2019 14:20

Facebook và google chưa thực hiện theo Luật An ninh mạng

Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) về việc Facebook và Google đã thực hiện chuyện lưu dữ liệu Việt Nam chưa? Hành lang pháp lý đã đủ chưa. Nếu giả sử sau này là đủ hành lang pháp lý, liệu rằng có ngăn chặn triệt để những thông tin độc hại trên không gian mạng không?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay dữ liệu Facebook và Google chưa thực hiện như Luật An ninh mạng. Sau này, có Nghị định hướng dẫn sẽ thực hiện nội dung này. Việc phát tán tin vẫn là con người, nên để hạn chế tin xấu độc. Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, coi đây như một đạo Luật đạo đức về ứng xử của không gian mạng.

“Chúng tôi nghĩ rằng cái xấu có thể hạn chế, cũng khó nói là triệt để, tức là không được, vì ngay khi pháp luật vừa ban hành những cuộc sống đã thay đổi rồi. Chúng ta có thể nói, nếu cả xã hội chung tay cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ”, ông Hùng nói.

08/11/2019 14:41

Chúng ta đang đấu tranh với một cuộc chiến trên mạng

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo thêm, cho rằng, vấn đề an ninh mạng là vấn đề toàn cầu đều quan tâm. Không có quốc gia nào có đủ lực để đối phó với an ninh mạng, đều phải liên kết lại. Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Có người nói chúng ta đang đấu tranh với một cuộc chiến tranh trên mạng. Về tội phạm mạng, có một số khó khăn. Đây là loại tội phạm ẩn danh, nặc danh, hoạt động trên tất cả các mặt đời sống.

Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ 46 trang mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước ảnh 3  

Chúng ta mới quan tâm đến một số thứ như khủng bố, lừa đảo... thậm chí có cả loại can thiệp cả vào bầu cử như ở nước ngoài. Ngoài việc đấu tranh xử lý các loại trên thì chúng tôi cũng đi vào một số vấn đề như thương mại điện tử, hàng lậu, hàng giả, trốn thuế đều có thể xảy ra trên không gian mạng; phát triển kinh tế, công nghiệp, chiếm quyền điều khiển từ nước ngoài; vấn đề tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ, vượt khỏi sự quản lý của ngân hàng, của lãnh thổ. Còn các tội phạm như xâm hại trẻ em cũng đã nói nhiều.

Bộ cũng đang phối hợp với các ngành để đảm bảo an ninh an toàn. Về trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia, thì vừa qua có khó khăn về nguồn vốn nhưng mọi việc đang tiến hành tốt. Kết nối thông tin quốc gia phải quan tâm đến bảo mật an ninh quốc gia, tài nguyên quốc gia, chủ quyền quốc gia. Phải quan tâm đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của tập thể, doanh nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng. Vừa qua cũng đã triển khai các vấn đề của luật an ninh mạng, sắp tới có các văn bản dưới luật sẽ triển khai.

Chúng tôi đã trao đổi nhiều với mạng xã hội quốc tế, các chuyên gia nước ngoài, hiệp hội nước ngoài. Chúng tôi cũng nói rằng, vấn đề này quốc tế đã nói, chúng tôi công khai các vấn đề, đưa vào luật để quản lý. Chúng tôi cũng thấy các nhà mạng, các nước phạt đến cả tỷ đô, tỷ bảng, nhưng mà chúng tôi chưa có khả năng làm như vậy. Vì vậy chúng tôi phải ghi vào luật để luật pháp Việt nam được thi hành nghiêm túc. Bộ Công an ủng hộ phát triển mạng. Chúng tôi quan niệm là đây là hệ tuần hoàn, hệ huyết mạch rất quan trọng như cơ thể đời sống con người.

Chúng tôi cũng nói nôm na như các bác sĩ tim mạch, tuần hoàn, giữ làm sao hệ tuần hoàn đó nó thông suốt, cho đất cho đất nước được thông suốt, không có gì cản trở, làm sao có nhiều oxy, ít CO2. Đấy là nhiệm vụ của chúng tôi với các ngành trong quản lý. Việc này không hề có vấn đề gì cản trở hoặc là để không phát triển hệ thông tin mạng Việt Nam

Liên quan đến công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo, Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian qua, những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được Bộ TT&TT xử lý quyết liệt, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm để các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật về báo chí.

Bộ TT&TT thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh trong giao ban hàng tuần với lãnh đạo các cơ quan báo chí; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm về nội dung thông tin trên báo chí; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với hành vi thông tin sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia cũng như đến tổ chức, cá nhân, cộng đồng; xử lý các trường hợp nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Được biết, năm 2018, Bộ TT&TT đã xử lý vi phạm hành chính 35 trường hợp, với tổng mức phạt bằng tiền là 1,1 tỷ đồng; đến hết tháng 10/2019, Bộ đã xử lý 24 trường hợp, với số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 3 trường hợp. Từ năm 2018 đến nay, Bộ TT&TT đã xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ TT&TT đã yêu cầu lãnh đạo một số tạp chí điện tử có nhiều sai phạm hoặc có nhiều phản ánh về biểu hiện sai phạm tham gia giao ban báo chí hàng tuần để Ban và Bộ nhắc nhở, chấn chỉnh.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ TT&TT đã nhận và xử lý 450 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí. Đến ngày 30/10/2019, chỉ riêng đường dây nóng của Cục Báo chí đã tiếp nhận gần 1.834 cuộc điện thoại và 300 thư điện tử; khoảng 20 trường hợp phản ánh phóng viên sách nhiễu (chiếm khoảng 1%). Cục Báo chí đã kịp thời thông báo để các cơ quan báo chí kiểm tra, quản lý phóng viên tác nghiệp tại địa phương. Bộ TT&TT thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên; cung cấp thông tin cho Hội Nhà báo Việt Nam để xem xét, xử lý về đạo đức nghề nghiệp.

Liên quan đến công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, Bộ TT&TT nhận định, còn một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động nhưng không có giấy phép; một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tập trung trích dẫn những thông tin về những tiêu cực, mặt trái xã hội, tạo cảm giác u ám, bất an, không phản ánh đúng hiện thực xã hội.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp có dấu hiệu thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp lách luật, liên kết với cơ quan báo chí để hoạt động giống như báo chí, dẫn đến tình trạng “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp.

“Chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo tung thông tin giả mạo, thông tin vi phạm pháp luật lên MXH nước ngoài. Công tác đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài để buộc tuân thủ luật pháp Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, do các Công ty nước ngoài như Facebook, Google chưa tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam”, Bộ TT&TT cho biết.

Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT cho biết, phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, có nơi còn hình thức, chưa phát triển theo chiều sâu. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các CSDL quốc gia tạo nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm (đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đất đai), chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CPĐT; hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT tại một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời; năng lực hệ thống, trang thiết bị nhiều nơi hạn chế.

Một trong những nguyên nhân của yếu kém nói trên là các bộ, ngành, địa phương còn dùng nhiều phần mềm, nền tảng khác nhau khó khăn trong chia sẻ, tích hợp dữ liệu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư cho an toàn, an ninh mạng còn hạn chế.

MỚI - NÓNG