Bỏ tiền tỉ nhập “rác” về... phơi nắng!

Bỏ tiền tỉ nhập “rác” về... phơi nắng!
2 năm sau ngày được nhập khẩu, 2 dây chuyền làm gạch block với tổng chi phí hơn 2 tỉ đồng của Công ty Cơ điện công trình (thuộc Sở Giao thông Công chính Hà Nội) vẫn nằm phơi nắng.

Vụ này được thực hiện một thời gian ngắn trước khi ông Cao Văn Sơn, giám đốc Công ty Cơ điện công trình (MESC), về hưu (đầu năm 2004).

Hợp đồng mua 2 dây chuyền làm gạch block của hãng Gabriele Heuser (CHLB Đức) chỉ có giá 78.000 euro. Sau khi tiến hành mua thiết bị, MESC đã cử đoàn sang Đức. Chỉ riêng khoản công tác phí, thuê phương tiện và nhân công tháo dỡ đã tốn gần 624 triệu đồng.

Vì vậy, theo báo cáo của MESC, tổng giá trị thiết bị sau cùng đã lên tới con số 185.937 euro (khoaản 2 tỉ đồng)

Số tiền đội giá này được giải thích bằng những con số chi tiết như sau: 107.937 euro là “chi phí tháo dỡ, công tác phí, vận chuyển”. Lần lượt 12 người của MESC đi công tác Đức, tổng cộng 644 ngày, được thanh toán từ A tới Z.

Chỉ tính riêng tiền chi phí cho cán bộ từ Việt Nam sang Đức đã tốn kém hơn 19.200 USD, hơn 1.000 euro chưa tính tiền Việt. Đầu năm 2004, ông Sơn về hưu, để lại lô thiết bị nằm... đắp chiếu.

Gần hai năm nay, mới có duy nhất một vị khách đến khảo sát dây chuyền này nhưng thật đáng buồn, sau khi trả giá bằng 50% giá trị, vị khách này cũng bỏ cuộc. Lô thiết bị “rác” này ấy thế mà vẫn được định lượng trong hợp đồng mua bán là “chất lượng hàng hóa còn trên 85%”.

Hiện nay, để khắc phục hậu quả, lãnh đạo MESC lập kế hoạch giảm giá lô hàng này hơn 1,2 tỉ đồng để đưa ra bán.

“Máy vẫn chạy tốt”!?

Lô thiết bị này giờ là những khối sắt han gỉ, gãy vỡ, dây dợ đứt tung, ngổn ngang trong cỏ, nằm phơi mưa nắng trong khuôn viên một đơn vị trực thuộc MESC.

Một cán bộ kỹ thuật cho biết, thực ra lô thiết bị này vẫn có thể lắp đặt để sử dụng, có điều, chi phí để biến nó chạy được còn tốn hơn mua một dây chuyền mới! Còn hội đồng kiểm kê đánh giá lại tài sản, vật tư, hàng hóa của MESC đánh giá: Hiện trạng của hai dây chuyền thiết bị này đều quá cũ, một sản xuất từ năm 1987, một từ năm 1978. Nếu cố tình phục hồi thì rất tốn kém và sản phẩm cũng sẽ không cạnh tranh được.

Ông Cao Văn Sơn nói cứng: Năm sản xuất không thành vấn đề vì hằng năm họ (phía Đức) vẫn nâng cấp. Theo ông, dàn máy này vẫn đang “đóng điện”-tức đang chạy, nhưng do bị “giải phóng mặt bằng” nên phía Đức mới bán.

Về việc máy móc bị bỏ hoang, ông Sơn đổ lỗi cho ban lãnh đạo MESC: “Tại họ cứ đắp chiếu để đấy chứ”.

Được biết, cũng ngay trước khi về hưu, ông Sơn còn cho nhập từ Thụy Điển 1 lô hàng quạt thông gió, băng tải, máy chế biến thức ăn gia súc trị giá hơn 1 tỉ đồng. Nhưng đến nay cũng chỉ có một vài khách hàng đến xem và trả giá từ 400-500 triệu đồng.

Cũng với quan điểm “bảo toàn vốn”, MESC lại ngậm ngùi cho phép giảm giá tới 40% vì lỗ còn hơn để biến thành đống sắt vụn không ai mua.

MỚI - NÓNG