Bộ TN&MT kiến nghị dừng triển khai dự án thủy điện Đrăng Phôk

Khu vực rừng khộp của xã Krông Na (Buôn Đôn, Đác Lắc), nơi dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phôk nằm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn có khoảng 63 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Báo Nhân dân
Khu vực rừng khộp của xã Krông Na (Buôn Đôn, Đác Lắc), nơi dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phôk nằm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn có khoảng 63 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Báo Nhân dân
TP - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công trình thủy điện Đrăng Phôk ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk - công trình chiếm dụng 28,88 ha rừng đặc dụng của Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn. Theo đó, Bộ TN&MT kiến nghị dừng triển khai dự án thủy điện gây tranh cãi này.

Tác động tiêu cực khó khắc phục

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Ứng dụng công nghệ mới (chủ đầu tư) gửi Bộ TN&MT, dự án thủy điện Đrăng Phôk có công suất lắp máy 26 MW, nằm trên bậc thang thủy điện cuối cùng của sông Srêpôk trước khi chảy sang Campuchia. Dự án chiếm dụng 308,7ha đất, trong đó 295,4 ha đất của VQG Yok Đôn với  63ha đất nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Dự án cũng chiếm dụng 28,88 ha rừng đặc dụng.

Bộ TN&MT cho biết, sau khi xem xét hồ sơ dự án và tài liệu liên quan, nhận thấy, việc triển khai dự án tại địa điểm trên sẽ vi phạm một số quy định của pháp luật và gây ra những tác động tiêu cực rất khó khắc phục. Cụ thể, dự án vi phạm khoản 16, điều 3, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 “phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng phục hồi và tái sinh tự nhiên”.

Công văn của Bộ TN&MT cho biết thêm, khu vực triển khai dự án có hệ sinh thái đặc thù, rừng cây cọ dầu chiếm ưu thế, tính đa dạng sinh học độc đáo với nhiều loài động thực vật bậc cao thuộc diện quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao. Đặc biệt, đây là khu vực thường xuyên cư ngụ và là hành lang di chuyển của các đàn voi rừng. Việc thi công xây dựng công trình sẽ phải phá rừng, mở đường, tập trung số lượng lớn thiết bị, vật tư, con người sẽ gây tác động tiêu cực tới môi trường sống, công tác bảo tồn động thực vật cũng như không thể kiểm soát tình trạng săn bắn thú, khai thác lâm sản trái phép.

Theo Bộ TN&MT, việc xây đập, chặn dòng trên sông Srêpôk còn ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái thủy sinh, nhất là các loài cá có đặc tính di cư. Việc phá vỡ cân bằng sử dụng nước với chế độ vận hành hồ chứa phục vụ phát điện sẽ tác động tiêu cực tới vùng hạ du, đặc biệt là phía Campuchia. Ngoài ra, theo Bộ TN&MT, việc thay đổi cơ bản chế độ dòng chảy của sông Srêpôk sẽ làm thay đổi dòng chảy bùn cát/phù sa về vùng hạ du đập và thay đổi lớn về nước dưới đất, tác động tới một số quá trình địa chất, địa công trình, gây sạt lở, tái tạo lòng hồ, làm thay đổi cảnh quan, địa hình...

Kiến nghị dừng dự án

Trong báo cáo của Bộ TN&MT còn nêu, trên sông Srêpôk đã có 12 công trình thủy điện đang hoạt động. Do tình trạng hạn hán, sản lượng điện của các nhà máy đã giảm rõ rệt. Với ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu và lại nằm ở bậc thang cuối cùng của dòng sông này, thủy điện Đrăng Phôk sẽ gặp nhiều khó khăn về sản lượng, khó đạt công suất như thiết kế.

Với những vấn đề trên, Bộ TN&MT kiến nghị không tiếp tục triển khai dự án. Trước đó, ngày 31/5/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị dừng dự án do tác động xấu tới môi trường sinh thái và việc di cư, sinh sản của các loài thủy sinh, nhất là các loài cá, làm ảnh hưởng một phần tới nguồn sống của cư dân trong vùng. Ngoài ra, khu vực dự án nằm gần biên giới Việt Nam-  Campuchia, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh cần phải nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

Nhiều nhà khoa học cũng kiến nghị dừng thủy điện Đrăng Phôk vì những tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái.  Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nếu thủy điện được xây dựng tại phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của VQG sẽ gây ra thay đổi thủy văn, dòng chảy, cắt đứt sinh cảnh trong rừng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.  Ngoài ra, rừng đóng vai trò quan trọng trong lưu giữ, điều tiết nước. Tây Nguyên vừa trải qua hạn hán kỷ lục, việc bảo vệ rừng càng cấp thiết để điều tiết, lưu giữ nước. TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, tài nguyên rừng còn lại ít ỏi. Việc đánh đổi rừng nguyên sinh lấy công trình thủy điện là điều không đáng.  

MỚI - NÓNG