Bộ trưởng biểu quyết qua iPad, phiên họp Chính phủ diễn ra chỉ 10 phút

Khai trương hệ thống e-Cabinet. Ảnh Như Ý
Khai trương hệ thống e-Cabinet. Ảnh Như Ý
TPO - Sáng nay (24/6), Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã chính thức được khai trương đưa vào hoạt động. Ngay sau đó, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên qua hệ thống này và thời gian họp diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.

Giảm 30% thời gian họp

Tham dự Lễ khai trương có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây là những cải cách, đổi mới phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là sự thay đổi phong cách làm việc theo hướng quản trị hiện đại.

Bộ trưởng biểu quyết qua iPad, phiên họp Chính phủ diễn ra chỉ 10 phút ảnh 1 Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ qua e-Cabinet. Ảnh Như Ý

Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet là trong 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ; giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy, phấn đấu hết năm 2019 sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật), đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ.

Thay vì xử lý hồ sơ giấy, các thành viên Chính phủ sẽ xử lý trên nền điện tử. Họ cũng có thể kết nối, trao đổi thông tin với nhau. Các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.

Không cần báo cáo lại, có thể biểu quyết từ xa

Ngay sau lễ khai trương, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên đầu tiên để cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự thảo đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, đã có ý kiến của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì không phải trình bày lại mà yêu cầu VPCP báo cáo tóm tắt về nội dung cần lấy ý kiến trước khi biểu quyết.

Bộ trưởng biểu quyết qua iPad, phiên họp Chính phủ diễn ra chỉ 10 phút ảnh 2 Phiên họp đầu tiên của Chính phủ qua e-Cabinet diễn ra trong vòng 10 phút (ảnh Như Ý)

Báo cáo tại cuộc họp ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, dự thảo đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình của Bộ Tư pháp. Toàn bộ hồ sơ đã được gửi đến các thành viên Chính phủ qua e-Cabinet. Ông Dũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều hành phần biểu quyết.

“Nếu không có ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ biểu quyết qua máy tính bảng. Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và biểu quyết qua thiết bị di động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Kết quả biểu quyết có 25 thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo nghị quyết, trong đó có 4 thành viên Chính phủ biểu quyết từ xa.

Ngay sau đó VPCP đã trình và ngay lập tức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sử dụng ipad để ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.

Toàn bộ phiên họp đầu tiên của Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet diễn ra trong khoảng 10 phút.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.