Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự đối tượng hành hung thầy thuốc

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự đối tượng hành hung thầy thuốc. Ảnh minh hoạ: Internet
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự đối tượng hành hung thầy thuốc. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Theo thống kê từ đầu năm đến nay trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ y, bác sỹ bị người nhà bệnh nhân hoặc côn đồ tấn công ngay tại cơ sở y tế, đặc biệt từ cuối tuần qua đến nay, liên tiếp xảy ra 2 vụ tấn công bạo lực, khiến 2 nhân viên y tế bị thương nặng.

Gần đây nhất, ngày 23/10, BS Trần Thanh Sơn đang làm nhiệm vụ trực cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) bị người nhà bệnh nhân hành hung, khiến bác sĩ Sơn bất tỉnh, chấn thương sọ não và rách giác mạc… Trước đó, BS Sơn có can ngăn khi thấy người nhà bệnh nhân hành hung người gây tai nạn giao thông trong lúc người này vừa đưa nạn nhân đi cấp cứu và đang có mặt tại bệnh viện.

Về vấn đề này trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, bản thân Bộ trưởng rất bức xúc trước thông tin về các vụ việc cán bộ y tế bị hành hung, từ vụ người nhà bệnh nhân giết bác sỹ ở Thái Bình, đến vụ người nhà đánh vào đầu bác sỹ ở Thạch Thất hay vụ ở Nghệ An giám đốc doanh nghiệp đánh bác sỹ.

Về phương diện an ninh trật tự, hành hung người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật. Đánh người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân đều có lỗi và người thiệt hại nhất chính là những bệnh nhân. Thực tế này cũng thể hiện đạo đức xuống cấp. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế nghiêm khắc lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ tấn công bạo lực đối với thầy thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị xử lý hình sự đối tượng hành hung thầy thuốc ảnh 1
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề hành hung người thi hành công vụ, người làm trong cơ quan hành chính sự nghiệp (công chức, viên chức) là vi phạm pháp luật. Vấn đề hiện nay là phải xử lý nghiêm và cần có những biện pháp phòng ngừa.

“Chúng tôi đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản, tăng cường an ninh bệnh viện, trong đó tăng cường tbảo vệ vào ban đêm. Tuy nhiên, phản ứng của người nhà bệnh nhân rất lớn và rất nhanh. Lực lượng công an khu vực đến cũng không kịp. Ngoài ra, chúng tôi đã rất nhiều lần mời công an, mời cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tuy nhiên tình trạng hành hung cán bộ y tế khi đang làm nhiệm vụ không thấy giảm mà thấy tăng. Do đó, tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng, dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông cần ngăn chặn giảm bớt và xử lý nghiêm những hành vi này.

Nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra thì an toàn tính mạng của các bác sỹ bị đe dọa trong lúc khám chữa bệnh. Xa hơn nữa bệnh nhân mới là người thiệt thòi. Đến thời điểm này chúng tôi thấy ngành y tế gần như đơn độc trong việc đấu tranh với vấn nạn bạo hành nhân viên y tê”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói

Trước tình trạng thầy thuốc bị hành hung ngày một nhiều, Bộ Y tế kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Đồng thời, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những đối tượng vi phạm.

“Chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, lên án và xử lý nghiêm những trường hợp hành hung y bác sỹ, kể cả xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với những đối tượng này”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh

Cũng trong ngày 25/10, liên quan đến vụ việc, hai cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới và Trạm Y tế xã Hương Long bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ, Bộ Y tế đã có hai văn bản khẩn gửi Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới và Sở Y tế Hà Tĩnh đề nghị tiếp tục chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân liên quan và có các biện pháp đẩy mạnh an ninh bệnh viện để bảo vệ an ninh bệnh viện và an toàn cho nhân viên y tế.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận hàng loạt vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15a%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…

MỚI - NÓNG