Bộ trưởng Cao Đức Phát: Không dập được dịch, tôi chịu trách nhiệm

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Không dập được dịch, tôi chịu trách nhiệm
TP -  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, nếu không khống chế được dịch lở mồm long móng, ông sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

>> Lở mồm, long móng: Nguy cơ thành đại dịch!

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Không dập được dịch, tôi chịu trách nhiệm ảnh 1
Cán bộ thú y đang kiểm tra bò bị bệnh dịch lở mồm long móng tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi

Đối phó với dịch: Bị động từ trên xuống dưới!

Theo báo cáo của Cục Thú y tại Hội nghị phòng chống dịch LMLM gia súc do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16/5, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc trong thời gian qua là do hầu hết địa phương đều không chủ động tiêm vaccine phòng bệnh và thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt.

Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết: Hiện vẫn còn một số chi cục thú y xảy ra tình trạng có dịch hàng tuần rồi mới báo cáo Cục Thú y.

Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình dịch hàng ngày nhưng Cục Thú y không thể nắm được do chi cục các địa phương không báo cáo về”.

Cũng theo ông Quang Anh, việc thông tin tuyên truyền về dịch bệnh đến người dân không thực hiện tốt. Trong chuyến kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các địa phương mới đây, khi được hỏi nhiều người dân đã thản nhiên trả lời vẫn bán rẻ gia súc bị bệnh cho các lái buôn đưa đi các tỉnh, thành khác. Không chỉ người dân, ngay cả các ngành chức năng cũng lúng túng trong việc xử lý và ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Khang- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang nói: “Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh như trong thời gian vừa qua là do vaccine chưa được cung cấp kịp thời, ngay cả việc xác định loại vaccine để tiêm phòng cũng rất khó khăn”.

Mối đe dọa từ virus biến chủng

Tính đến hết ngày 15/5 dịch lở mồm long móng đã xuất hiện tại 221 xã của 89 huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố với 9.477 con trâu, bò và 12.467 con lợn mắc bệnh.

Các tỉnh, TP đang có dịch LMLM là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, TP. Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp.

Theo đại diện Viện Thú y, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh LMLM lây lan nhanh là do virus LMLM có 7 týp và hơn 60 týp phụ nên việc phòng bệnh bằng vaccine rất khó khăn và bùng phát dịch.

Bên cạnh đó việc vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam cũng là nguyên nhân làm lây lan do phải xác định týp rồi mới tiêm phòng.

Bên cạnh đó là mối đe dọa của việc biến chủng và xuất hiện những týp virus mới ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Khác với các năm trước đây, năm nay đã xuất hiện virus týp A ở miền Trung, Asia-1 ở miền núi phía Bắc.

Cũng theo vị quan chức này, những kết quả nghiên cứu bước đầu của Viện Thú y cho thấy chủng virus LMLM mới PB02 phân lập từ bò năm 2004 thuộc về týp O nhưng khác với phân chủng QT và GL02 gây bệnh tại Quảng Trị năm 2002 và GL năm 2006.

Điều này cho thấy có sự tồn tại và lưu hành của nhiều hơn một phân chủng týp O. “Nếu việc kiểm soát dịch bệnh không được tiến hành nghiêm túc thì nguy cơ bùng phát đại dịch do virus biến chủng sẽ là điều không tránh khỏi”.

Thiếu vaccine - nguyên nhân chính của việc bùng phát dịch?

Theo Cục Thú y và đại diện Sở NN&PTNT một số tỉnh thành, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh là do thiếu vaccine tiêm phòng. Tính đến nay, hầu hết các địa phương mới tiêm phòng đạt tỉ lệ 10% tổng đàn gia súc.

Điều này là do chi phí vaccine khá tốn kém, bình quân 1 USD/liều vắc-xin. Trong khi đó, chúng ta có khoảng 3 triệu con lợn, trâu, bò, dê, cừu. Nếu một năm, chỉ tiêm vaccine cho nửa con số đó cũng cần tới số kinh phí khoảng 30 triệu USD.

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự lây lan nhanh và mạnh của dịch. “Sự lây lan không chỉ do tiếp xúc trực tiếp giữa động vật mắc bệnh và các động vật khỏe mạnh mà còn gián tiếp qua nhiều đường, kể cả đường không khí.

Việc vận chuyển gia súc rất dễ gây lây lan dịch bệnh. Vì vậy, những con gia súc mắc bệnh cần phải tiêu hủy ngay. Nếu chúng ta không kiên quyết thực hiện các biện pháp kịp thời thì LMLM sẽ trở thành đại dịch”-Ông Phát nói.

Theo Bộ trưởng Phát, để giảm thiệt hại cho những gia đình có gia súc bị bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ cho người nông dân có gia súc bị bệnh với mức 10.000 đồng/kg thịt lợn; 15.000 đồng/kg thịt trâu bò.

“Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ khống chế và hết hoàn toàn dịch LMLM. Trong trường hợp không khống chế được dịch bệnh thì Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ” - Ông Phát khẳng định.

MỚI - NÓNG