Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sẽ xử lý nghiêm resort xây không phép

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ xử lý nghiêm công trình xây dựng không phép tại Vườn quốc gia Ba Vì (ảnh: Quang Phong)
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ xử lý nghiêm công trình xây dựng không phép tại Vườn quốc gia Ba Vì (ảnh: Quang Phong)
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát trả lời báo chí sáng nay (3/3) tại Trụ sở Bộ NN&PTNT về resort xây dựng không phép tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội).

Sáng nay (3/3), tại Trụ sở Bộ NN&PTNT, ngay khi kết thúc cuộc họp trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã dành cho báo chí thời gian ngắn trả lời về việc cụm công trình xây dựng không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) của Công ty TNHH phát triển Công nghệ (CFTD).

Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho biết, đoàn thanh tra của Bộ do Tổng Cục Lâm nghiệp chủ trì đang thanh tra toàn diện cụm công trình nói trên, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

“Đoàn thanh tra mới làm việc được 2 ngày thì chưa thể kỹ được, tôi cũng đang chờ báo cáo để có hướng giải pháp xử lý tiếp theo. Quan điểm của Bộ là nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tùy mức độ sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Trước đó, trả lời PV về vụ việc nói trên, ông Đỗ Hữu Thế, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, dự án trên bắt đầu khởi động từ năm 2008, khi nhà vườn kí hợp đồng liên kết với Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) xây dựng khu dịch vụ du lịch sinh thái, kết hợp bảo vệ rừng. Theo đó, Vườn Quốc gia Ba Vì, giao cho đơn vị này 56,5ha rừng tại độ cao 600 đến 800 m trong thời hạn 53 năm (từ năm 2008 đến 2061). Đổi lại phía CFTD chi cho Vườn Quốc gia Ba Vì 8 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I, Vườn Quốc gia Ba Vì. Cũng từ đó, các hạng mục trong khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi resort & spa được hình thành.

Theo quy hoạch trên, khu vực từ cốt 600-800 (khu A, B, C) của Vườn Quốc gia Ba Vì có tổng diện tích 58,5 ha có chức năng chính để trồng bổ sung, sưu tập các loại cây bản địa, quý hiếm để phục vụ công tác bảo tồn, kết hợp tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái. Quy hoạch cũng dành 3,63 ha đất cho giao thông, hạ tầng kỹ thuật và chỉ dành riêng 1,007 ha để làm công trình bảo tồn, dịch vụ du lịch sinh thái.

“Sau khi có quy hoạch này, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được Bộ phê duyệt. Quá trình chờ đợi, chủ đầu tư sốt ruột đã cho xây dựng dự án nên mới xảy ra sự việc”, ông Thế cho biết.

Ông Thế cũng thừa nhận Vườn Quốc gia Ba Vì có trách nhiệm trong việc để một dự án chưa hề được cấp có thẩm quyền phê duyệt xây dựng. Đến nay, khi dự án chờ ngày đưa vào sử dụng, đại diện Vườn Quốc gia Ba Vì mới nhận ra thiếu sót là không cương quyết ngăn chặn chủ đầu tư ngay từ đầu.

“Quá trình xây dựng chủ đầu tư họ hứa bổ sung các thủ tục pháp lý nên chúng tôi cũng chờ đợi. Thông cảm cho nhau như vậy, khi chúng tôi làm kiên quyết hơn, yêu cầu họ dừng thi công, đưa máy móc, công nhân ra ngoài thì… đã muộn”, ông Thế giải thích.

Ông Thế cũng cho hay, trước đó tháng 10/2015, Vườn Quốc gia Ba Vì đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư dừng thi công trình, tạm dừng vận chuyển tập kết các vật tư, nguyên vật liệu vào khu vực xây dựng và vận chuyển máy móc thi công ra khỏi khu resort. Theo ông Thế lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Vì nêu rõ quan điểm nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa chấp thuận dự án thì các hạng mục trong resort đều bị “án binh bất động”.

Trước câu hỏi của phóng viên, tại sao Vườn Quốc gia Ba Vì giao hơn 56ha đất rừng cho Công ty TNHH phát triển công nghệ thuê trong 53 năm nhưng chỉ lấy 8 tỷ đồng, ông Thế giải thích, giá thuê này đã được Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt, Vườn Quốc gia Ba Vì chỉ căn cứ vào đó để áp dụng trong hợp đồng liên kết.

Ông Lương Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ cũng thừa nhận dự án Le Mont Bavi resort & spa chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt. “Quy hoạch đã được phê duyệt, đánh giá tác động môi trường cũng đã xong, các thủ tục khác đều đảm bảo, chúng tôi đang chờ để có được phê duyệt cuối cùng”, ông Lương Ngọc Anh nói.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.