5 ngày, 5 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng:

Bộ trưởng GTVT xin lỗi dân, cán bộ chưa ai bị xử lý

TP - Chiều 28/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan về an toàn đường sắt hiện nay, sau 5 ngày xảy ra 5 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt (VNR) đã đứng lên nhận trách nhiệm và xin chịu mọi hình thức kỷ luật. Ông Thể cũng nhận trách nhiệm và xin lỗi dân.

Chưa ai bị xử lý

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sáng 28/5, tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, và là vụ thứ 5 trong 5 ngày qua. Với những diễn biến nghiêm trọng của an toàn đường sắt, ông Thể liên tục đặt các câu hỏi với lãnh đạo các đơn vị liên qua, như Cục Đường sắt, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam… đặc biệt về trách nhiệm, giải pháp trước mắt để nâng cao an toàn.

Dù vậy, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR chỉ đọc lại báo cáo, với tình hình an toàn đường sắt năm qua, giải pháp thời gian tới, mà không đề cập tới 5 vụ tai nạn vừa xảy ra. Ông Minh vừa kết thúc, lập tức ông Thể cắt lời, nói không cần đọc lại báo cáo năm. “Trách nhiệm của tổng công ty trong các vụ tai nạn phải có, không thể nói chung chung được”, ông Thể yêu cầu.

Tới phần mình, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Đường sắt (Bộ GTVT) cũng liệt kê hàng loạt việc đơn vị đã làm, như thanh kiểm tra, xử phạt… Ông Thể lại tiếp tục cắt lời: “Tại sao cái gì cũng tốt mà tai nạn vẫn xảy ra?”. Nhưng những câu hỏi trên vẫn chưa được trả lời.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra chưa thấy người đứng đầu nào bị VNR xử lý, ít nhất là đình chỉ để báo cáo, kiểm điểm. Hay như vụ lật toa tàu chở đá ở ga Yên Xuân (Nghệ An), có người nói là do chở quá tải, nhưng chưa thấy có kết luận nào, ngay cả từ phía VNR. “Tàu chở quá tải ai kiểm tra, ai chịu trách nhiệm”, ông Hùng đặt câu hỏi. Trong khi đó, thanh tra Cục Đường sắt lại phải nhờ trụ sở của các công ty đường sắt, như vậy thì kiểm tra, xử phạt được ai.

Về sự trì trệ của ngành đường sắt, ông Hùng dẫn trường hợp Trung tâm điều độ chạy tàu, sử dụng vốn ODA của Đức (10 triệu EUR), đã triển khai 12 năm vẫn chưa xong. Trong khi đó, cán bộ điều độ tàu phải dùng compa, thước kẻ để lên biểu đồ chạy tàu, ngay việc lắp camera các đoàn tàu hiệu quả ra sao mà những vụ tai nạn vừa rồi không thấy có hình ảnh gì được đưa ra phân tích.

Bộ trưởng GTVT xin lỗi dân, cán bộ chưa ai bị xử lý ảnh 1 Vụ tai nạn tàu hỏa tại Thanh Hóa. Ảnh: PV.

Chủ tịch đường sắt chịu mọi kỷ luật

Sau một hồi các bên có ý kiến, ông Thể liên tục đặt câu hỏi về trách nhiệm, cuối cùng ông Vũ Anh Minh đứng lên nhận trách nhiệm: “Với trách nhiệm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Cty Đường sắt, tôi xin nhận trách nhiệm trước bộ trưởng và chịu mọi hình thức kỷ luật của bộ trưởng”.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông (phụ trách đường sắt) đánh giá, tai nạn đường sắt do nguyên nhân chủ quan ngày càng tăng, nhưng nguyên nhân ở đâu thì VNR chưa chỉ ra được. Ông Đông kể, khi xây dựng Luật Đường sắt 2005, VNR kiên quyết bảo vệ việc giao toàn bộ quyền về cho tổng công ty, từ quản lý, khai thác, tới đầu tư, bảo dưỡng, đi liền với đó là trách nhiệm. Nhưng thực tế, trách nhiệm của VNR đang mòn đi, kỷ cương bị buông lỏng. “Trao quyền nhưng trách nhiệm không đi kèm là nguyên nhân lớn và xuyên suốt các vụ tai nạn đường sắt vừa qua. Nếu không xử lý điều đó sẽ còn xảy ra tai nạn nữa”, ông Đông nói.

Bộ trưởng GTVT xin lỗi dân, cán bộ chưa ai bị xử lý ảnh 2 Vụ tai nạn đường sắt tại Thanh Hóa, ngày 24 tháng 5.  Ảnh:PV.

Tai nạn được báo trước?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, vấn đề an toàn đường sắt đã được họp để chỉ đạo xử lý hồi đầu năm 2018. Trong đó, có một số vụ việc uy hiếp an toàn đường sắt được đưa ra để cảnh báo, nhưng không được kịp thời xử lý, và nay tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra. “Hiện hạ tầng đường sắt lạc hậu, yếu kém, nhưng không phải vì thế mà được phép mất an toàn. Như vụ tai nạn xảy ra ở Ga Núi Thành, cán bộ nhân viên trong ga làm trong ngành ít nhất là 10 năm, nên không thể nói là thiếu kinh nghiệm. Nhưng điều hành thế nào mà tàu tránh đáng ra phải dừng và tắt máy, thì vẫn nổ máy để lao lên dẫn tới đâm phải tàu hàng chạy hướng Nam ra Bắc. Rõ ràng, đó là nguyên nhân chủ quan, cán bộ ngành đường sắt chủ quan”, ông Thể nói.

Theo ông Thể, là cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt, nên yếu kém của ngành đường sắt lãnh đạo bộ và đơn vị liên quan cùng chịu trách nhiệm. Trong đó, lãnh đạo bộ chịu trách nhiệm trực tiếp với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. “Tôi xin lỗi những gia đình có người bị ảnh hưởng bởi tai nạn đường sắt. Tôi xin chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành, trong đó có ngành đường sắt đã xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua”, ông Thể nói.

Bộ trưởng GTVT yêu cầu VNR xem xét, làm rõ trách nhiệm từ người đứng đầu tới từng cán bộ công nhân viên để xảy ra tai nạn. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ thành lập Tổ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ đề xuất của VNR, để xử lý các vấn đề liên quan. Ông Thể yêu cầu VNR tạm đình chỉ công tác với những người có liên quan tới các vụ tai nạn đường sắt vừa qua.

“Tôi xin lỗi những gia đình có người bị ảnh hưởng bởi tai nạn đường sắt. Tôi xin chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành, trong đó có ngành đường sắt đã xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua”.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Tổng Công ty Đường sắt cho biết, hồi 0h45’ ngày 28/5, tại tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua Văn Điển (Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn đường sắt giữa tàu hàng số hiệu 7301 với ô tô tải BKS 29H-00514. Cú đâm đã khiến ô tô tải bị mắc kẹt vào đầu máy tàu, nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản. Ngay sau đó, Tổng Công ty Đường sắt đã điều động phương tiện cứu hộ kéo xe tải khỏi đầu máy để đoàn tàu tiếp tục hành trình. Nguyên nhân bước đầu được xác định do xe tải băng qua đường sắt tại đường ngang tự mở (đường ngang trái phép), lái xe thiếu quan sát khi có tàu tới nên xảy ra va chạm.

Vụ tai nạn trên đã là vụ thứ 5 diễn ra trong 5 ngày qua kể từ ngày 24/5 tới nay. Trước đó, rạng sáng 24/5, tàu khách Bắc – Nam đã đâm phải xe tải tại Tĩnh Gia (Thanh Hoá) làm 2 người chết, 10 người bị thương, đoàn tàu 1 đầu máy và 6 toa lật xuống ruộng, hư hỏng 150m đường ray. Ngay sau đó, chiều 26/5, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt, khi 2 tàu hàng đâm nhau lật nhiều toa ở ga Núi Thành (Quảng Nam, không gây thiệt hại về người nhưng làm hỏng 2 đầu máy và 4 toa tàu bị trật bánh); chỉ sau đó ít phút tàu hàng chở đất tới ga Yên Xuân (Nghệ An) bất ngờ trật bánh, vụ tai nạn làm hỏng 2 toa hàng. Tiếp đó, đầu giờ chiều 27/5, 1 đoàn tàu hàng đâm phải xe bồn ở Diễn Châu (Nghệ An), khiến tài xế xe tải bị thương, xe tải hư hỏng nặng.        

C.H.V

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.