Bộ trưởng không 'đùn' việc cho Chính phủ

Bộ trưởng không 'đùn' việc cho Chính phủ
TP - Sau 100 ngày vận hành Chính phủ mới, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc đã có Tờ trình về việc sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ (Quy chế).
Bộ trưởng không 'đùn' việc cho Chính phủ ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Và tờ trình này đã được Chính phủ nhất trí thông qua.

Bên hành lang Quốc hội, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về vấn đề nêu trên.

Ông Cường nói:

Tôi là một trong các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu ủng hộ Quy chế làm việc mới của Chính phủ, với hai mục đích quan trọng là để Chính phủ cũng như các thành viên điều hành nhanh nhạy hơn và trách nhiệm rõ hơn.

Thưa Bộ trưởng, theo Quy chế thì quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác của Chính phủ được thiết kế theo hướng đề cao hơn vai trò của các Bộ chủ trì đề án, việc này được hiểu như thế nào?

Được hiểu trong hai trường hợp: Thứ nhất, đề án đã thông qua cơ bản tại phiên họp Chính phủ rồi thì Chủ nhiệm VPCP chỉ ký tắt và chịu trách nhiệm;

Thứ hai, khi còn có ý kiến khác nhau và cần trao đổi lại giữa các thành viên Chính phủ với nhau, thì giao lại cho thành viên Chính phủ chủ trì đề án đó có trách nhiệm để thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ, sau đó phải ký vào chịu trách nhiệm trước khi làm việc với Chính phủ.

Khi đó, như dự thảo Quy chế là: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và hồ sơ trình, VPCP chỉ chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm tra của mình.

Một trong những nội dung quan trọng của Quy chế là nhấn mạnh hơn trách nhiệm của thành viên Chính phủ?

Đúng là việc phát huy chức năng thành viên Chính phủ từ xưa đến nay chưa đầy đủ, nói như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Bộ trưởng là tư lệnh một lĩnh vực, mà đã như vậy mọi điều hành của Bộ trưởng phải được “tăng thêm” vị thế của thành viên Chính phủ.

Nghĩa là không phải lúc nào Thủ tướng ủy quyền bằng văn bản, mới nói rằng Bộ trưởng phát ngôn hoặc điều hành trên danh nghĩa của Chính phủ, mà Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực nào thì có thể thay mặt Chính phủ để điều hành lĩnh vực đó.

Tất nhiên, cái gì chưa được pháp luật quy định, cái gì mà vượt quá thẩm quyền, thì trước khi Bộ trưởng điều hành phải xin phép thường trực Chính phủ, hoặc Thủ tướng.

Thực ra, “vế” vừa nêu là “cái” mà Luật Tổ chức Chính phủ quy định chưa rõ, vì thế mới có chuyện đùn đẩy công việc.

Có những việc mang tính chất sự vụ, có khi Bộ trưởng quyết là xong, nhưng vẫn đùn đẩy lên thường trực Chính phủ và Thủ tướng, khiến cho lãnh đạo Chính phủ mất rất nhiều thời gian họp hành, thậm chí có khi phải đứng ra phối hợp để giải quyết những cái chưa đồng thuận.

Tinh thần như trong Quy chế là rất đúng, tôi cho rằng lãnh đạo Chính phủ cần tập trung nhiều thời gian hơn cho điều hành vĩ mô, nhất là công tác xây dựng thể chế.

Nghĩa là tới đây sẽ không còn chuyện đùn đẩy công việc trong Chính phủ?

Bây giờ đã có điều kiện khắc phục việc đó, vì hệ thống pháp luật đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, lẽ dĩ nhiên những cái gì mà trong luật đã phân công rõ thì không được đùn đẩy.

Tới đây sẽ làm việc theo hướng, cấp vụ làm việc cấp vụ, cấp cục làm việc cấp cục, thứ trưởng làm việc thứ trưởng, cho đến bộ trưởng và cấp cao hơn, tất cả đều chịu trách nhiệm “từ A đến Z” trong công việc của mình.

Trừ trường hợp pháp luật chưa có quy định hoặc vấn đề quá nhạy cảm thì mới phải báo cáo xin chủ trương của cấp trên. Tôi cho đó cũng là một trong những cái cải cách hành chính lớn nhất.

Theo Quy chế, các thành viên Chính phủ sẽ có hộp thư điện tử để trao đổi và tiếp nhận thông tin, văn bản, các báo cáo, tài liệu, giấy mời họp. Đồng thời, một số thành viên Chính phủ đã đề nghị tăng cường họp trên mạng điện tử, (trực tuyến) để quy trình làm việc nhanh mà đỡ tốn kém hơn, thưa Bộ trưởng?

Đã đến lúc phải làm như vậy. Tất nhiên trên những vấn đề cụ thể, điều hành cụ thể, ví dụ vấn đề A cần trao đổi thông tin giữa các thành viên Chính phủ để giải quyết, thay vì giấy mời họp hỏa tốc rồi tổ chức họp hành, thì làm việc theo cách nêu trên sẽ rất tiện.

Các phiên họp thường kỳ của Chính phủ vẫn duy trì theo cách hiện nay, nếu cách làm nêu trên triển khai tốt thì thời gian họp của Chính phủ để bàn vấn đề lớn sẽ nhiều hơn.

Riêng Bộ Tư pháp, mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin còn mức độ, nhưng tới đây sẽ áp dụng nhiều hơn, nhất là khối thi hành án. Bởi vì khối này là ngành dọc từ T.Ư đến địa phương, tôi đã yêu cầu khối thi hành án đi trước một bước về ứng dụng công nghệ thông tin, sao cho có thể giải quyết vướng mắc cho người dân ngay trong ngày.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG