Bộ trưởng LĐ-TB-XH nêu nguyên nhân học viên cai nghiện trốn trại

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 18/4
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 18/4
TPO - Học viên là những đối tượng cộm cán, có tiền án tiền sự, trung tâm thiếu cán bộ, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều địa phương gom hết người nghiện để làm trong sạch địa bàn dẫn đến quá tải… là những nguyên nhân khiến học viên phá phách, trốn trại.

Tại phiên chất vấn sáng nay 18/4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi, đâu là nguyên nhân học viên cai nghiện trốn trại, gây dư luận xấu?

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, phòng chống cai nghiện ma túy là nhiệm vụ rất được coi trọng, nhất là trong nhiệm kỳ khóa mới này. Gần đây, ngoài heroin, còn xuất hiện nhiều loại ma túy khác biệt, rất phức tạp, nhiều nước đang loay hoay khắc phục.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 210 nghìn người nghiện ma túy, trong đó có 60 nghìn người đang được cai ở các cơ sở cai nghiên ma túy, với 17 nghìn học viên thuộc diện cai bắt buộc, 10 nghìn học viên không có nơi cư trú, số lượng cai nghiện cộng đồng hơn 3 nghìn người.

Lý giải tình trạng như ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… có học viên đập phá, trốn khỏi cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Dung cho biết, việc đưa các em vào cơ sở cai nghiện là điều thực chất không mong muốn, nhưng không thể không làm, vì đã qua quá trình cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, và chủ yếu do gia đình chứ bản thân các em cũng không tự nguyện.

Việc thực hiện trong thời gian qua cũng không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều địa phương vì muốn trong sạch địa bàn nên cứ ai nghiện ma túy là đưa vào trại. Lẽ ra phải phân biệt người nghiện với người lạm dụng chất ma túy, người không có nơi cư trú với người có nơi cư trú. Đằng này vì an toàn cho cộng đồng, địa phương cứ gom hết lại, dẫn đến tình trạng quá tải các trung tâm.

Bộ trưởng Dung dẫn dụ như ở Đồng Nai, trung tâm chỉ nuôi được 600 em, nhưng địa phương đã đưa hơn 1.400 em vào, thậm chí còn tận dụng cơ sở vật chất từ thời Mỹ ngụy, dẫn đến bức bối cho các em.

Mặt khác, lẽ ra phải phân biệt người cai nghiện trong giai đoạn ban đầu, giai đoạn cai bắt buộc và sau cai, nhưng do cơ sở vật chất nên các em bị nhốt chung với những người đang trong diện cai bắt buộc, tạo ra sự lôi kéo, kích động nhau.

Một nguyên nhân khác, tối thiểu 35-45% học viên trong trại cai nghiện là những em có tiền án tiền sự, cộm cán, khi trốn trại thì không bị chế tài gì, ngoài việc cơ sở có trách nhiệm đi tìm, vận động và thuyết phục các em trở lại. Điều này khiến học viên không sợ, và tìm cách trốn ra.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ cũng còn rất mỏng, nhiều khó khăn. Nếu ở gia đình, một người phục vụ một người đã khó khăn, nhưng như ở Đồng Nai, một cán bộ phục vụ tối thiểu 10 học viên. Khi tuyển thì không được, vì lương chỉ 2 triệu mà bao nhiêu khó khăn phức tạp nguy hiểm rình rập…

Về giải pháp, Bộ trưởng Dung đề nghị tới đây cần tiếp tục nhận thức sâu sắc, huy động toàn dân chung tay đấu tranh, tập trung thực hiện ba giảm, tiếp tục hoàn thiện chính sách, trước mắt chưa sửa có thể có nghị quyết sửa đổi những vướng mắc liên quan đến việc cai nghiện tập trung vừa qua.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.