Bộ trưởng Nội vụ: Đã có 15 tỉnh, thành đăng ký sáp nhập sở ngành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
TPO - Sắp xếp, hợp nhất, tinh gọn bộ máy bên trong theo “ngành dọc” sẽ được thực hiện ở cấp sở, sau đó sẽ được tổng kết, đánh giá và xem xét ở cấp Bộ.

Trao đổi với PV về việc sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đến ngày 6/1, đã có 15/63 tỉnh, thành gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký thí điểm sáp nhập, hợp nhất.

Với cấp tỉnh, có Quảng Ninh và Yên Bái đăng ký thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy; tỉnh Đắk Nông và Yên Bái đăng ký hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng; tỉnh Đắk Nông đăng ký hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra; Lào Cai hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng; Bạc Liêu hợp nhất Sở Văn thóa thể thao và du lịch với Sở Thông tin và truyền thông, Sở Khoa học công nghệ với Sở Giáo dục và đào tạo…

Với cấp huyện, đăng ký hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND có tỉnh Ninh Bình, thực hiện tại 1 huyện; tỉnh Tiền Giang đăng ký hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ tại 6 huyện; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra huyện tại 4 huyện. Bên cạnh đó, có 14 tỉnh đã thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND, tại 35 huyện.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết thêm, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết và sẽ lựa chọn 20% số đơn vị để làm thí điểm, với tinh thần làm cẩn thận, kỹ lưỡng. Sau đó Chính phủ sẽ sớm ban hành hai Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 và 37 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Liên quan đến việc sắp xếp các Bộ, ngành, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang được giao nhiệm vụ tổng kết tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 và chuẩn bị xây dựng các phương án bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ tới.

Sau khi tổng kết, Bộ Nội vụ sẽ có báo cáo đầy đủ với Chính phủ và Bộ Chính trị. Để từ đó xem chức năng, nhiệm vụ có chồng lấn với nhau hoặc bỏ sót nhiệm vụ hay không để sắp xếp lại, góp phần tinh giản bộ máy, thực hiện bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp bộ máy các bộ, ngành theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách; đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

MỚI - NÓNG