Bộ trưởng Nội vụ nhận được nhiều phiếu yêu cầu chất vấn nhất

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - Chiều 28/10, Tổng Thư Ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin về kết quả lựa chọn 4 trên tổng số 5 tư lệnh ngành sẽ đăng đàn chất vấn tại kỳ họp này. Ngoài 4 bộ trưởng được lựa chọn, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn sau cùng.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, việc xin ý kiến lựa chọn lĩnh vực chất vấn được thực hiện bằng phần mềm điện tử. Trên cơ sở đó, mỗi đại biểu có thể tích vào phiếu của mình từ việc lựa chọn 4 trên 5 nhóm vấn đề thuộc về 5 lĩnh vực khác nhau.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, nhóm đầu tiên có số phiếu cao nhất thuộc lĩnh vực Nội vụ với 85% đại biểu nhất trí đề nghị chất vấn. Lĩnh vực thư hai là Công Thương với 82,4%; lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT 78%; Thông tin và Truyền thông 77% và cuối cùng lĩnh vực Thanh tra 70%.

Trên cơ sở lựa chọn từ cao xuống thấp, Quốc hội sẽ chọn 4 lĩnh vực chất vấn là Nội vụ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông. Lĩnh vực Thanh tra nhận được phiếu thấp nhất nên không nằm trong danh sách được chất vấn.

Theo ông Phúc, phương thức chất vấn lần này vẫn là “hỏi nhanh đáp gọn” như các kỳ họp trước. Thời gian chất vấn dành trọn 3 ngày, có phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm, do đây là kỳ họp cuối năm, nên sau khi các Bộ trưởng trả lời, đại diện Chính phủ là Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời cuối cùng.

Theo lịch trình, Quốc hội dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn, từ ngày 6 đến hết sáng 8/11. Các phiên chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. 

Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn 4 trong 5 nhóm vấn đề cho phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14. Nhóm vấn đề thứ nhất được đề xuất là lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp… Trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề này thuộc Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực Công Thương với nội dung về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường… Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chịu trách nhiệm trả lời chính nội dung này.

Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Thanh tra, gồm nội dung công tác thanh tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; việc thực hiện kết luận sau thanh tra; thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, thu hồi tài sản sau thanh tra. Nội dung khác là công tác thanh tra, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và hiệu quả hoạt động thanh tra của Thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành.

Trách nhiệm trả lời chính là Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, người lần đầu được đề xuất chất vấn.

Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ, nội dung chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xoay quanh việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Nhóm vấn đề thứ 5 thuộc lĩnh vực Thông tin – Truyền thông, với các nội dung quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng… Trách nhiệm trả lời chính cho nhóm vấn đề này là tư lệnh ngành – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.