Bộ trưởng Nông nghiệp: Không chia sẻ số liệu, đại hồng thủy đến làm thế nào?

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh Như Ý
TPO - “Nay mai nếu không có tệp số liệu này, không có chia sẻ, đại hồng thủy đến thì làm thế nào? Ở góc độ chuyên môn ngành nông nghiệp, chúng tôi thấy cái này chưa được, phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, phải có giải pháp ngoại giao Việt Nam”, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói.

63% nguồn nước phụ thuộc quốc gia khác

Sáng 17/8, Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về an ninh nguồn nước. Theo báo cáo kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, thành, tuy Việt Nam có tới gần 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, với 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km, nhưng nguồn nước lại phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế.

“Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho hay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là một thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia. Theo bộ này, nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông chiếm tới 63%. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.

Trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô thuộc lãnh thổ nước ngoài đã xây dựng nhiều bậc thang hồ chứa thủy điện, hiện đã đưa vào vận hành khai thác nhiều công trình, tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta. Cùng với biến đổi dòng chảy về khối lượng, tại vị trí các con sông đổ vào lãnh thổ Việt Nam, nước đã bắt đầu bị ô nhiễm.

Số liệu đo đạc chất lượng nước tại các vị trí biên giới sông Nậm Na (cửa khẩu Ma Lù Thàng), sông Lô (cửa khẩu Thanh Thủy), nhiều chỉ tiêu chất lượng nước đã bắt đầu vượt ngưỡng cho phép.

“Nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế năm 2017 công bố khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL. Dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040”, báo cáo của Bộ NNT&PTNT nêu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề mang tính chất thỏa thuận pháp lý hết sức lỏng lẻo. Thỏa thuận sông Mê Kông mà chúng ta đạt được về cơ chế không mang tính chất đồng thuận, không mang tính chất pháp lý để cùng nhau xác định kết quả khi có những tác động này khác.

“Đây là vấn đề rất khó. Bây giờ thay đổi thì chắc chắn xu hướng còn tồi tệ hơn nữa. Với Ủy hội sông Mê Kông, hai nước quan trọng nhất là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia. Lan Thương đã hình thành nhưng đây là ý tưởng của Trung Quốc để khai thác hiệu quả, rộng hơn đối với hệ thống thượng nguồn của Trung Quốc xuống hạ nguồn Mê Kông”, ông Hà nói.

Ngoài tham vấn các bên, đặc biệt dựa vào sự ủng hộ của các tổ chức, các nước có liên quan, về lâu dài, Bộ trưởng Hà cho biết, chúng ta sẽ có lộ trình để đàm phán, tìm ra các vấn đề các bên cùng quan tâm như cơ sở dữ liệu, quan trắc, các hoạt động chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu…

“Đối ngoại an ninh nguồn nước chưa được”

Trước lo ngại thực trạng nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài, đại biểu ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đặt câu hỏi tới hai bộ trưởng: Việc hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn khẳng định: Riêng công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa được. Ủy hội hoạt động chưa được, hoạt động Lan Thương chúng ta cũng chưa nắm được hết. Chúng ta mới nắm được từ phía Myanmar trở xuống, nhưng số liệu cũng không đầy đủ, chưa nói đến Đồng bằng sông Hồng.

“Nay mai nếu không có tệp số liệu này, không có chia sẻ, đại hồng thủy đến thì làm thế nào? Không phải là chuyện đơn giản. Ở góc độ chuyên môn ngành nông nghiệp chúng tôi thấy, cái này chưa được, phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, phải có giải pháp ngoại giao Việt Nam, để làm sao có được thông tin theo đúng yêu cầu của quốc tế. Anh phải chia sẻ thông tin chứ làm sao có chuyên một mình mình biết, ở thượng nguồn mà một mình mình độc lập được. Phải chia sẻ, đó là quyền lợi của các nước trong hệ thống lưu vực”, ông Cường quả quyết.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, Ban đối ngoại đã có nhiều tác động, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu mong muốn. “Chúng tôi kiến nghị với Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng như Bộ Ngoại giao tiếp tục có những giải pháp tập trung đấu tranh, để làm sao chúng ta có quyền lợi đúng như quy định”, ông Cường đề nghị.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".