Bộ trưởng Tài chính "giải mã" nguyên nhân nợ công tăng cao

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
TPO - “Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được, làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Ngày 20/3, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý nợ công đã bộc lộ một số bất cập, như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, trong đó nợ từ Ngân hàng thế giới tăng 11,5 lần, Ngân hàng Phát triển châu Á tăng 20,3 lần, Nhật Bản tăng 6,8 lần.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay.

Trước khi tiến hành thảo luận, nhiều đại biểu đã đặt ra các câu hỏi xoay quanh câu chuyện nợ công. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt hàng loạt câu hỏi: Luật lần này có giải quyết được những bất cập mà Chính phủ vừa đề cập không? Từ khi có luật 2009 đến nay, lẽ ra phải hạn chế nợ công tăng nhanh, nhưng vì sao nợ công lại tăng nhanh như thế?

Đại biểu cũng nêu ra nhiều vấn đề khác đang được nhiều chuyên gia quan tâm là cách tính nợ công như thế nào? Kinh nghiệm quốc tế tính nợ công có giống ta không? Trách nhiệm thẩm quyền của các ngành có được chia tách trong quản lý nhà nước không? Với luật này có giải quyết việc chia cắt quản lý ODA , giám sát ODA có hoàn toàn yên tâm đc không?

Giải trình về các câu hỏi của đại biểu về nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, điều này trước hết do công tác điều hành. Giai đoạn 2011 – 2015, đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%, sau đó điều chỉnh giảm 6,5-7%, nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%. Tuy nhiên vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thời gian dài giữ bội chi rất cao.

Theo Luật ngân sách cũ, còn phát hành trái phiếu Chính phủ 330 nghìn tỷ, vay 1,4 triệu tỷ... Theo ông Dũng, nhu cầu chi lớn nên vay lớn, vì thế nợ công tăng nhanh là đúng. Đó là chưa kể giai đoạn 2011 – 2013 huy động vốn quá lớn, lãi suất quá cao, có khoản vay 13%, dẫn đến dồn áp lực trả nợ vào các năm 2014 , 2015, 2016, 2017.

“Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được? Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Tài chính, bàn nợ công nhưng phải bàn về khả năng thực tại của nền kinh tế.  “Dự báo thì chả đúng, chẳng năm nào đúng cả, làm sao tỷ lệ chả phình lên”, ông Dũng than phiền.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, qua khảo sát kinh nghiệm của 40 nước trên thế giới, thì hầu hết các nước không tính nợ doanh nghiệp vào nợ công. Ông Dũng cũng đề nghị cần phải xem lại mô hình của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vì vốn vay không đáng kể, lại đi vay ODA làm đường, rồi cuối cùng Chính phủ vẫn phải trả nợ.

MỚI - NÓNG