Bộ trưởng Thăng yêu cầu hợp pháp hóa dịch vụ gọi taxi qua internet

Một chiếc taxi Uber bị lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực đường Lê Hồng Phong (Q. 5, TPHCM). Ảnh: Tuổi trẻ.
Một chiếc taxi Uber bị lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực đường Lê Hồng Phong (Q. 5, TPHCM). Ảnh: Tuổi trẻ.
TP - Trước sự lúng túng của các cơ quan chức năng về loại hình kinh doanh vận tải qua internet mới xuất hiện (trong đó có Uber), tối 2/12, trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, đã chỉ đạo nghiên cứu các quy định để quản lý loại hình này...

“Tinh thần là thực hiện theo Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp mới. Người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Đây là một dịch vụ hỗ trợ vận tải hiện đại và mới phát sinh từ thực tiễn. Hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan quản lý phải nghiên cứu hoàn thiện để quản lý. Cái gì có lợi cho người dân thì phải làm” - ông Thăng nói. 

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, trong buổi họp sáng 2/12, Ban cán sự Đảng bộ Bộ GTVT nghiêm túc bàn về vấn đề này. Tại đây, Bộ trưởng Thăng cho rằng, loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, có lợi cho người dân. Trên thế giới nhiều nước đã sử dụng. Vì vậy, ông Thăng chỉ đạo rà soát, nghiên cứu bổ sung để hợp pháp hóa loại hình này.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, ngay trong ngày 2/12 Vụ đã liên lạc với đại diện Uber tại Việt Nam. Tuy nhiên, vị này nói rằng, người có trách nhiệm hiện đang ở Singapore. “Chúng tôi đang chủ động sắp xếp một buổi làm việc với họ. Hiểu rõ mới có thể đưa ra các quy định quản lý. Chúng tôi nhận thấy Uber vừa có lợi, vừa hạn chế. Quan điểm là khuyến khích được cái lợi, quản lý được những cái hạn chế” – ông Ngọc nói.

Sau khi một số tài xế tham gia dịch vụ Uber tại TPHCM bị xử phạt, ngày 29/11, trên trang web Uber.com đăng tải những dòng phản hồi của Uber. Uber khẳng định họ là một công ty công nghệ. “Chúng tôi không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế. Nền tảng của chúng tôi chỉ đơn giản là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương”, công ty cho biết. 

Theo đại diện của Uber, công ty mang lại sự cạnh tranh. Những ưu việt về công nghệ mang lại lợi ích hữu hình cho hành khách và tài xế, tạo động lực nâng cao tiêu chuẩn chung về an toàn, chất lượng và dịch vụ cho ngành vận tải. Với công nghệ của Uber, số lượng xe dịch vụ cần thiết để phục vụ nhu cầu di chuyển ít hơn rất nhiều so với mô hình truyền thống. Điều này giúp giảm lượng phương tiện lưu thông, qua đó giảm thiểu kẹt xe, ô nhiễm và xây dựng một TPHCM xanh, sạch, và đẹp hơn.

MỚI - NÓNG