Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Giữ chủ quyền trên không gian mạng

Hầu hết thanh niên trẻ hiện nay đều dùng điện thoại để lướt mạng xã hội (ảnh minh họa) Ảnh: Nhật Minh
Hầu hết thanh niên trẻ hiện nay đều dùng điện thoại để lướt mạng xã hội (ảnh minh họa) Ảnh: Nhật Minh
TP - Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Facebook và Google phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, khi cần cơ quan điều tra có thể yêu cầu cung cấp danh tính các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội không xác định được danh tính cho nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên. 

Tung tin giả có thể bị phạt tù

Trong phiên chất vấn sáng 8/11, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, hiện nay người dùng mạng  xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là báo chí nhân dân, trong đó có nhiều trang mạng xấu, độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác dụng xấu đến đời sống xã hội. Ví dụ, trang của “Khá Bảnh” - chỉ là một giang hồ mạng mà có triệu view. Bộ có giải pháp nào để khắc phục bất cập nêu trên, để không bị động, chạy theo xử lý hậu quả? Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, hiện nay, nhiều báo khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư, gây bất lợi, thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay, mở báo ra là thấy tin vụ án, đánh đập, trộm cướp, giết người dã man, scandal, đời tư được khai thác, quảng cáo vô tội vạ, trong khi giáo dục nhân cách từ nhà trường, gia đình đến xã hội còn hạn chế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ lo ngại, có không ít video clip, tin bài phản cảm với nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa; thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền; nhiều người dân bị lừa đảo, chịu thiệt hại cả vật chất, tinh thần...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tin xấu, độc trên mạng xã hội mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta. Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, tất cả các quốc gia đều phải có quy định pháp luật nhằm xử lý tin sai, tin giả. “Những nước gần chúng ta trong ASEAN như Singapore đã ban hành một đạo luật về xử lý tin giả, rất nghiêm minh và có tính răn đe. Những người tung tin giả không phải phạt vài chục triệu đồng như ở Việt Nam mà có thể phạt đến hàng triệu đô la và phải đi tù, có thể đến 10 năm. Ở một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù. Chúng ta sẽ phải ban hành quy định pháp luật này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ để sớm có một quy định pháp luật để xử lý vấn đề tin giả”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Giữ chủ quyền trên không gian mạng ảnh 1 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng 
Ông Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã có nhóm chuyên trách làm việc cùng với hai nền tảng xuyên biên giới là Facebook và Google. Mục tiêu đặt ra là yêu cầu hai nền tảng này phải tuân thủ pháp luật, như có thể cung cấp danh tính các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội không xác định được danh tính cho nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên. Thứ hai là nền tảng phải có công cụ tự động loại bỏ tin xấu, độc. Thứ ba là hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ thông tin xấu, độc.

“Nhưng thông tin xấu, độc từ đâu ra? Cũng có khi chính từ chúng ta mà ra”, ông Hùng nói, đồng thời cho biết, sẽ kiến nghị với Bộ GD&ĐT đưa giáo dục kỹ năng trong thời đại số vào trường phổ thông để có ứng xử phù hợp. “Trên không gian mạng, nếu như chúng ta đọc một tin xấu là vô hình trung chúng ta đã nuôi tin xấu đó và làm cho nó lan ra. Vì mỗi lần đọc một tin xấu là có một view, mỗi lần có một view là người đưa tin đấy được hưởng lợi, quảng cáo tăng lên. Có nghĩa chính chúng ta lại là người lan tỏa những thông tin này”, ông Hùng nói.

Ðạo đức báo chí và Chủ quyền quốc gia

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt vấn đề về “báo hóa” tạp chí điện tử; tình trạng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vòi vĩnh, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp; vẫn còn tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vừa qua có tình trạng một số các tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích, cũng làm điều tra, viết phóng sự, đưa tin chính trị. Ở đây cũng có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản báo, tạp chí.

Ông Hùng cho biết, sắp tới, theo quy hoạch sẽ cấp lại giấy phép, ghi rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan, tránh tình trạng các báo giống nhau như hiện nay. Ông Hùng cũng thừa nhận có tình trạng báo chí liên kết với tư nhân, Cty truyền thông, dù có những mặt tốt, nhưng nhiều trường hợp buông lỏng quản lý, không kiểm duyệt nội dung, để đơn vị liên kết tự quyết nhiều thứ, vượt quá thẩm quyền dẫn đến sai phạm...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một nước có chủ quyền, không chỉ trong không gian như biển và đất liền mà còn cả chủ quyền trên không gian mạng. Ông Hùng cho rằng, sau này là nền kinh tế số mà không làm chủ không gian này thì rất khó nói mức độ tự chủ nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt mục tiêu phát triển lượng người dùng mạng xã hội nội địa của Việt Nam tương đương với mạng xã hội của nước ngoài.

“Bây giờ chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm ở thông tin trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các thông tin đó ở một mạng xã hội? Có nghĩa rằng, não người Việt Nam tập trung vào một chỗ mà chỗ đấy hiện không nằm ở Việt Nam và sau này người ta sẽ dùng vào việc gì? Bây giờ mới dùng vào quảng cáo. Rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, Việt Nam không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng. “Đất nước ta mở, chúng ta phải mời gọi mọi người vào đây làm ăn. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn động viên, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Chúng ta chỉ có một điều kiện, ai vào đây làm ăn cũng được, càng nhiều càng tốt, nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây làm ăn thịnh vượng nhưng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng, chứ không thể vào đây làm cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam lụn bại. Cho nên mạng xã hội Việt Nam song song tồn tại với mạng xã hội nước ngoài nếu các mạng này tuân thủ luật pháp Việt Nam”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng bảo chúng tôi phải phân biệt thật giả. Nhưng thực tế có nhiều trang giả mạo những trang mạng của Chính phủ, của Đảng, làm giả những trang của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Nhiều trang mạng đưa ra thông tin rất chính thống, sau đó lại khéo léo lồng ghép với thông tin trái lề vào đó thì chúng tôi, người dân, cử tri không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, vì họ đang dùng chiêu hư hư thực thực. Rất mong bộ có bộ lọc để giúp chúng tôi biết đâu là thật, đâu là giả để chúng tôi tiếp nhận thông tin” - Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội).

“Chúng ta xem một lần thì cũng biết rằng trang đấy, tờ đấy, người đấy nói về cái gì và chúng ta nên có thái độ về việc đó. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải xem một vài lần. Thứ hai là một lần xem xong thì có phần dislike, chúng ta cũng nên thể hiện thái độ. Trong đời thực, khi một người làm việc xấu thì chỉ một ánh mắt nhìn thôi đã ngăn chặn được hành động đó rồi. Trong không gian mạng không có ánh mắt nhìn thì chúng ta nên có hành động dislike để thể hiện thái độ, tức là mỗi một cá nhân, mỗi người cần có cách để đấu tranh với những cái xấu” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

“Với tin xấu, độc, Bộ trưởng nói là phải thể hiện thái độ. Giả sử một tin đưa lên Facebook, trên đó có sáu trạng thái cảm xúc: thích, yêu, cười, giận, buồn. Người xem sẽ tỏ thái độ với tin đó hoặc tỏ thái độ với người đưa tin đó. Bộ trưởng nói là phải dùng “dislike” có nghĩa là không like tin đó thì số view sẽ không ảnh hưởng, tôi cho rằng không đúng. Cho nên vấn đề quản lý mạng xã hội rất khó, nhưng câu trả lời về giải pháp của Bộ trưởng tôi cho chưa hợp lý” - Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.