Bộ trưởng Tư pháp: Đưa ra toà tài sản không chứng minh được nguồn gốc

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long
TPO - “Quan điểm của bộ ngay từ đầu, đối với tài sản không chứng minh nguồn gốc thì phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự đưa ra toà xem xét giống như đưa ra toà các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ”, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu.

Sáng 19/3, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Quan điểm của Bộ Tư pháp về xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được trong dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi ra sao?

Về việc này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi là dự án luật rất khó. Đến giờ vẫn còn ý kiến khác nhau. Bộ có báo cáo thẩm định từ trước, trong quá trình soạn thảo chúng tôi tham gia, thậm chí có ý kiến riêng của chuyên gia cung cấp cho Uỷ ban Tư pháp.

Liên quan xử lý tài sản tăng thêm là một vấn đề chúng ta đang quan tâm. Có ý kiến đề xuất và Chính phủ trình lên đối với những tài sản nguồn gốc bất minh, không chứng minh được nguồn gốc từ đâu ra thì đánh thuế 45% thuế thu nhập cá nhân.

"Đấy là quan điểm của Chính phủ, tôi với tư cách là thành viên Chính phủ tuân thủ ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, Chính phủ có cơ chế, ngoài việc tuân thủ ý kiến của Chính phủ, tôi có ý kiến bổ sung. Liên quan vấn đề này, quan điểm của bộ ngay từ đầu, theo Công ước PCTN, xử lý những gì chứng mình được thì ổn, không chứng minh được thì tịch thu hoặc hình sự. Trung Quốc là tịch thu và hình sự ngay", Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

“Riêng Việt Nam, tôi thấy thực hiện cái này ngay lập tức thì chưa được, không khả thi. Chính vì thế quan điểm của bộ ngay từ đầu, đối với tài sản không chứng minh nguồn gốc thì phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự đưa ra toà xem xét giống như đưa ra toà các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ.

Quan điểm riêng của bộ là như vậy, hiện vẫn đang thảo luận và chúng tôi sẽ có tiếp tục phối hợp Uỷ ban Tư pháp, cùng Thủ tướng Chính phủ tiếp tục trình diễn tiến của dự án luật”, ông Long cho hay.

Cùng cho ý kiến về việc này tại phiên họp mới đây, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho rằng, với tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc thì phải truy thu vào ngân sách nhà nước. Ông đề nghị phải thiết kế làm sao để không trùng vào luật thuế, không phải là truy thu thuế thu nhập cá nhân và xử lý vi phạm hành chính về thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại đồng ý với phương án truy thu thuế ban soạn thảo đưa ra. Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính, cần coi đây là biện pháp phòng ngừa, mang tính răn đe. Nếu không có biện pháp mạnh thì có khả năng lại trở về con số 0, vì để xác minh tính hợp pháp, nguồn gốc tài sản, thu nhập rất khó trong bối cảnh sử dụng tiền mặt như hiện nay. Cũng theo ông Tuyến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhất trí với phương án truy thu thuế. Còn trường hợp luật thuế chưa quy định, thì sau khi Quốc hội thông qua luật này thì sẽ sửa luật thuế.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa thích hợp. Còn phương án xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền thì chưa thể hiện được thái độ của nhà nước đối với loại tài sản này. Chưa kể còn mâu thuẫn với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; vi phạm nguyên tắc không xử lý 2 lần đối với cùng một hành vi…

Từ phân tích trên, Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh. Đây được coi là một mức thuế suất “đặc biệt” thuộc biểu thuế toàn phần. Mức thuế suất này cũng tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% và tiền phạt từ 1 – 3 lần số tiền thuế trốn theo quy định.

Cùng với đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định việc truy thu thuế nêu trên không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, quy định này tránh cách hiểu rằng, phương án trên vô hình chung đã hợp pháp hóa 55% số tiền còn lại hoặc trái với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Việc thu thuế này chỉ được áp dụng khi đã được xác minh, kết luận.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.