Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Tôi bất ngờ”

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Tôi bất ngờ”
TP - Ngay sau khi QH bấm nút không thông qua Luật Thủ đô, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh) nói “bất ngờ”, bởi nội dung liên quan đến cơ chế tài chính không phải là vấn đề mới mà chỉ là luật hóa những quy định đã có trong Pháp lệnh Thủ đô.

>> Tuần này, QH thông qua Luật Thủ đô

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.

“QH chưa thông qua thì phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thôi. Bởi, Luật Thủ đô đã đưa vào chương trình rồi. Sau đây, Hà Nội và Ban soạn thảo sẽ có báo cáo để xin chủ trương của Chính phủ về cách thức tiếp tục như thế nào, thời điểm ra sao. Sau đó, tất nhiên là phải trình UBTVQH để xin ý kiến” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Qua phiên biểu quyết, các đại biểu không đồng ý nhiều nhất với Điều 23 về cơ chế tài chính, phải chăng những quy định trong dự thảo luật đã hơi “ưu ái” Hà Nội?

Đối với Ban soạn thảo chúng tôi thì đây là điều bất ngờ. Bởi riêng nội dung này Chính phủ đã thảo luận hai phiên, đã có sự nhất trí cao của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan. Tới phiên thảo luận tại kỳ họp này, UBTVQH ngay từ đầu cũng đã đồng tình cao, bởi quy định về tài chính trong dự thảo luật là luật hóa quy định của pháp lệnh và các nghị định hiện hành của Chính phủ, chứ không phải là vấn đề mới.

Ngoài cơ chế tài chính thì quy định về hạn chế nhập cư vào nội thành cũng chỉ được hơn quá bán đại biểu tán thành, phải chăng các đại biểu vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của biện pháp này, thưa ông?

Tôi nghĩ trong giải trình của UBTVQH đã nói rõ rồi, vấn đề là đại biểu chia sẻ đến đâu thôi.

Với tư cách là Trưởng Ban soạn thảo Luật, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi QH không thông qua?

Ở đây tôi cho rằng có hai mặt. Thứ nhất, với trách nhiệm của Ban soạn thảo, trách nhiệm với Thủ đô, đặc biệt là gắn với 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, đương nhiên là không vui, bởi chúng tôi đã nỗ lực. Với tâm trạng khác thì thấy rằng, QH đã rất dân chủ, thể hiện chính kiến của mình.

Tôi chỉ rất tiếc là, vấn đề mà kết quả phiếu thấp thì lại không được thảo luận nhiều, ít ý kiến phản đối. Mà đến bước ngoặt như vậy thì tôi thấy có vấn đề gì đó không rõ.

Như vậy liệu số tiền ngân sách dành cho việc soạn thảo luật này có bị lãng phí không, thưa ông?

Không có nghĩa chưa thông qua là lãng phí. Một đạo luật không được thông qua cũng là điều bình thường trong điều kiện hoạt động QH ngày càng dân chủ. Trong khi, ngân sách dành cho soạn thảo một bộ luật cũng không nhiều. Ví như Luật Thủ đô, ngân sách chỉ bỏ ra 400 triệu đồng. Tất nhiên là kể cả chi phí hành chính thì nhiều hơn.

Cảm ơn ông.

Điều 23 Dự thảo Luật Thủ đô:

1. Nhà nước ban hành chính sách đầu tư đặc biệt về ngân sách và các nguồn tài chính khác cho Thủ đô.

Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác làm cơ sở xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Trong phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể hơn, ví như Thủ đô được hưởng mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác là bao nhiêu, nguyên tắc ưu tiên phân bổ vốn ODA cho Thủ đô như thế nào?

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, mức ưu đãi cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng của ngân sách hằng năm, nên không quy định cụ thể mức ưu đãi về cơ chế, chính sách đặc thù ngay trong Luật.

 

Ngọc Tiến (Thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG