Bộ Tư pháp có thành văn phòng luật sư?

Bộ Tư pháp có thành văn phòng luật sư?
TP - Vừa qua, Bộ Tư pháp ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp lớn.

Theo thỏa thuận, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm cung cấp, hướng dẫn các nội dung chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luật quốc tế ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp đối tác; hỗ trợ chia sẻ pháp lý để các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được an toàn, nhanh chóng và hiệu quả; Bộ sẽ cử các chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của doanh nghiệp.

Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Tư pháp còn nói việc hợp tác này sẽ đúc rút kinh nghiệm để giúp các DN, tập đoàn kinh tế khác. Có thể thấy gì từ sự kiện hi hữu và rất lạ này?

Về mặt hình thức, thoả thuận hay hợp đồng đã được ký giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng, với khách hàng là doanh nghiệp nọ và nhà cung cấp dịch vụ là Bộ Tư pháp.

Về nội dung dịch vụ mà Bộ sẽ cung cấp, có thể thấy hoạt động này của Bộ Tư pháp khá giống hoạt động của một công ty tư vấn pháp luật. Như thế, cả hình thức lẫn nội dung, thoả thuận mang tính dịch vụ thương mại.

Nhưng có một sự khác biệt. Giá cả và các điều kiện thanh toán không thấy loan báo. Chỉ thấy nêu trách nhiệm của doanh nghiệp là “hỗ trợ các hoạt động, các đề án do Bộ Tư pháp chủ trì”.

“Hỗ trợ” ở đây nghĩa là gì? Doanh nghiệp chắc không thể hỗ trợ về mặt chuyên môn pháp luật cho Bộ, hỗ trợ hay thanh toán bằng hàng đổi hàng. Dẫu có biến báo theo kiểu gì thì đó cũng vẫn là thanh toán (trực tiếp hay gián tiếp, bằng tiền hay bằng hiện vật).

Việc thanh toán, như vậy, chắc chắn phải có, nếu không thành văn cũng có thể được thỏa thuận ngầm với nhau nhưng, có lẽ do tế nhị nên, về mặt hình thức, hợp đồng có vẻ hơi thiếu sót.

Có lẽ đấy là tài lách của các bên vì, trên danh nghĩa, một cơ quan nhà nước quan trọng như Bộ Tư pháp không thể trở thành văn phòng tư vấn luật của một công ty, càng không thể làm hợp đồng thương mại để có thêm thu nhập.

Nhưng xét về bản chất thì không thể chối cãi được là Bộ làm dịch vụ và có nhận thanh toán, tức là giao dịch mang đầy đủ tính chất của giao dịch thương mại.

Việc lách để cố che giấu tính thương mại, chỉ làm cho người quan sát, nhân dân  nghi ngờ sự minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, và như thế là rất có hại.

Thế mà chẳng thấy văn phòng luật nào kêu ca vì xuất hiện một siêu đối thủ cạnh tranh. Lẽ ra họ phải nên kiện hành vi này. Nếu các văn phòng luật, có thể sợ cơ quan chủ quản, do thấp cổ bé họng, không dám lên tiếng, thì Liên đoàn Luật sư ở đâu mà im hơi lặng tiếng vậy?

Cần xem xét lại

Bộ Tư pháp có thành văn phòng luật sư? ảnh 1Một cơ quan nhà nước quan trọng như Bộ Tư pháp không thể trở thành văn phòng tư vấn luật của một công ty, càng không thể làm hợp đồng thương mại để có thêm thu nhập. Tôi nghĩ việc làm của Bộ Tư pháp cần được xem xét lạiBộ Tư pháp có thành văn phòng luật sư? ảnh 2

Tôi nghĩ việc làm của Bộ Tư pháp cần được xem xét lại.

Bộ không được phép làm những việc như vậy, càng không được mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ của mình cho các doanh nghiệp khác. Dù có biện bạch đến thế nào, về thực chất, dịch vụ mà Bộ cung cấp là dịch vụ thương mại mà các cơ quan nhà nước không được phép tiến hành.

Điều đáng buồn là cơ quan cầm cân nảy mực về pháp lý của đất nước, với các vị lãnh đạo am tường về luật pháp lại đi làm những việc trái khoáy như vậy. Cơ quan nhà nước không thể cung cấp dịch vụ mang tính thương mại.

Có lẽ Bộ đã dựa vào điểm 17, Điều 2 của Nghị định 93/2008/NĐ-CP ngày 22-8-2008 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp, theo đó Bộ “hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Không rõ có văn bản nào quy định rõ “hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” cụ thể là như thế nào. Nhưng nếu là cơ quan nhà nước đi hỗ trợ pháp lý, thì phải hỗ trợ vô tư, không phân biệt cho tất cả các doanh nghiệp, mà chẳng cần hợp đồng, thỏa thuận như vừa ký.

Một viện, một trung tâm của Bộ Tư pháp, với tư cách một tổ chức sự nghiệp có thu, có thể tổ chức việc cung cấp dịch vụ, thu phí và có thể cạnh tranh với các tổ chức khác. Nhưng Bộ Tư pháp, với danh nghĩa một bộ, một cơ quan quản lý nhà nước, không thể làm việc đó. Làm như vậy gây ra mâu thuẫn lợi ích.

Như thế, xét về mặt pháp lý, kinh tế, quản trị và đạo lý, việc thoả thuận hợp tác như vậy của Bộ Tư pháp là không nên và có thể gây ra vô vàn tác hại cho sự phát triển đất nước.

MỚI - NÓNG