Bơ vơ bên lề dự án

Bơ vơ bên lề dự án
TP - Hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tây (cũ) bị thu hồi để phục vụ các dự án đô thị. Nhiều xã cơ bản không còn đất để trồng trọt, sản xuất. Nông dân mất ruộng bỗng dưng thấy hụt hẫng, chơi vơi khi phải làm quen với thực tại khắc nghiệt.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hoàng Long ở làng Vạng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức đang lui cui bên những gốc đào. Lão nông đã lục tuần cặm cụi giâm lại đám đào trên thửa ruộng nằm trong khu quy hoạch đô thị của Cty Hà Đô.

Ông Long cho biết, nếu tính cả vốn và công chăm sóc, giá một gốc đào phải lên tới gần trăm ngàn đồng, nhưng giờ chủ đầu tư chỉ tính tiền đền bù với giá đổ đồng 5.000 đồng/gốc. Tiếc, ông đành ủ chúng lại với hy vọng năm sau vớt vát được chút đỉnh.

Nhà ông Long có 11 khẩu, hầu như chỉ trông vào năm sào ruộng nhưng nay bị thu hồi gần hết. Con ông có đứa tốt nghiệp đại học vẫn sống nhờ bố mẹ. Đất ruộng đã có quyết định thu hồi nhưng ông vẫn tranh thủ trồng rau cỏ trên góc ruộng chưa bị san ủi.

Theo một quan chức Bộ TN&MT, kết quả một cuộc kiểm tra cho thấy, có trên 500 huyện không thống nhất chỉ tiêu thu hồi đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích thu hồi trong quy hoạch; kế hoạch của cấp huyện đã được duyệt tăng vượt so với quy hoạch; kế hoạch của cấp tỉnh được Chính phủ xét duyệt là gần 13.500 ha.

“Nhiều người trong làng cũng làm như tôi vì có dự án thu hồi đất rồi để hoang mấy năm nay, có xây dựng gì đâu” - Ông Long nói.

Chị Dương Thị Năm ở thôn Sài Khê, xã Sài Sơn, Quốc Oai tự nhận mình nằm trong số những người may mắn khi chỉ bị thu hồi hơn một sào trong tổng số năm sào ruộng. Chị mở quán nước ở đầu làng nên cũng có đồng ra đồng vào. Còn chồng chị khăn gói theo mấy người làng đi làm thợ, mỗi tháng vợ chồng chắt bóp được khoảng 1,5 triệu đồng.

Chị cho hay, tình hình trong thôn trở nên phức tạp kể từ khi có dự án khu đô thị về đây. Nhiều gia đình mất ruộng, lại chẳng có nghề phụ nên chưa biết xoay xở cách nào để sống. Có nhà nhận tiền đền bù được một thời gian, con cái lại lao vào cờ bạc, nghiện hút…

Tại khu đô thị Tiến Xuân, rộng 14 km2 thuộc Lương Sơn, Hòa Bình nay thuộc huyện Quốc Oai, ước muốn sở hữu những khu trang trại, nhà nghỉ cuối tuần của những người giàu có biến miền sơn cước, phần lớn chỉ có người Mường sinh sống, trở nên có giá.

Dự án gần, mưu sinh xa

Ông Hoàng Sen, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, ông từng xuống địa bàn có dự án vận động, thuyết phục dân giao đất cho chủ đầu tư làm đô thị nhưng sau đó chính ông mất ăn mất ngủ, cảm thấy có lỗi khi phải chứng kiến nông dân bị dứt khỏi tay những mảnh ruộng bao đời gắn bó, nuôi sống gia đình họ.

Ông Đàm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cũng cho hay, Hoài Đức có 10 xã và thị trấn đã và sẽ bị thu hồi hết đất canh tác nông nghiệp phục vụ cho các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án đô thị.

Ông Thông cho biết, các xã Vân Canh, An Khánh, Lại Yên, Kim Chung, Di Trạch và thị trấn Trôi cơ bản bị thu hồi hết đất. Còn lại bốn xã Sơn Đồng, Đức Giang, Đức Thương, Song Phương nay mai cũng lần lượt thu hồi hết.

Dân số toàn huyện khoảng 17 vạn người, có đến 85-90 phần trăm làm nông nghiệp, diện tích đất bình quân đầu người chỉ từ 10 thước đến 1,5 sào. Huyện Hoài Đức sẽ phải thu hồi trên 3.000 ha đất nông nghiệp cho các dự án trong khi diện tích đất hai lúa của huyện chỉ khoảng 5.000 ha.

Theo ông Thông, nhiều dự án đô thị trên địa bàn thu hồi đất, giải phóng mặt bằng từ lâu nhưng đến nay chỉ san lấp được một ít mặt bằng, chứ chưa thấy triển khai gì thêm.

Tuy nhiên, vấn đề mà ông Thông cũng như lãnh đạo huyện Hoài Đức lo nhất là giải quyết công ăn việc làm cho nông dân bị thu hồi ruộng đất. Công tác giải quyết việc làm cho nông dân các xã thuộc khu vực phải chuyển đổi đất phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa còn hạn chế và lúng túng.

“Các doanh nghiệp khi lập dự án đều đưa ra phương án tạo công ăn việc làm như xây dựng các cụm công nghiệp, các khu dịch vụ nhưng chúng tôi thấy không dễ vì nếu họ có thực hiện đúng cam kết chăng nữa vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Hơn nữa với những nông dân đã 40-50 tuổi, trình độ, nhận thức và ý thức kỷ luật rất hạn chế liệu họ có theo được việc chuyển đổi nghề không?” – Ông Thông tâm tư.

Ông Thông dẫn chuyện ở hai xã Lại Yên và An Khánh, nơi các dự án đô thị chen nhau san sát. Người dân thiếu công ăn việc làm, số lao động dôi dư không giải quyết được rất lớn họ phải tự bơi bằng cách vào nội thành làm thuê.

Các dự án ở rất gần nơi nông dân đang sống nhưng chúng không giúp được gì. Để mưu sinh, họ phải ly hương tìm cơ may ở chốn thị thành.                  

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.