Bộ Y tế chính thức trả lời vụ sữa bị nhiễm melamine

Bộ Y tế chính thức trả lời vụ sữa bị nhiễm melamine
Thông tin một vài thành phẩm sữa bị nhiễm melamine trong tổng số hàng ngàn thành phẩm sữa và nguyên liệu đang lưu hành ở Việt Nam đã làm cho hàng triệu người, nhất là những gia đình đang nuôi trẻ bằng sữa lo lắng, hoang mang.

Thị trường sữa trong nước một lần nữa lại bị chao đảo. Trước sự việc này, Bộ Y tế chính thức trả lời vụ việc sữa bị nhiễm melamine. TPO xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN với đại diện Bộ Y tế - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tới bạn đọc.

Đề nghị Cục trưởng cho biết rõ tác hại của chất melamine với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Từ cơ sở đó, Bộ Y tế có đưa ra khuyến cáo để người dân biết cách chọn lựa những loại sữa đạt tiêu chuẩn và những loại sữa không đạt tiêu chuẩn?

- Melamine là một hợp chất hóa học ít tan trong nước (có công thức hóa học là C3H6N6), một loại hóa chất dùng trong công nghiệp như sản xuất nhựa formica, keo dán công nghiệp, chất dẻo, bột xốp. Melamine tuyệt đối không được phép dùng trong chế biến thực phẩm.

Sự việc cho melamine vào trong sữa vừa qua là một hành vi gian dối với mục đích làm tăng độ đạm trong sữa, đánh lừa về mặt chất lượng sản phẩm.

Melamine ở liều khá cao có thể gây độc cấp tính với các biểu hiện như suy thận cấp, vô niệu, có thể gây tử vong. Ngộ độc mãn tính xảy ra khi uống, ăn các sản phẩm chứa melamine, gây ảnh hưởng tới đường tiết niệu như sỏi bàng quang, sỏi thận, gây nguy hại cho sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Tôi cũng xin nói rõ vì sao đối tượng nguy cơ là trẻ em dưới 6 tháng bị mắc bệnh sạn thận và nguy cơ tử vong cao khi bị nhiễm melamine. Vì trẻ em càng nhỏ thì khả năng bài tiết của thận, khả năng giải độc của gan càng kém nên tác hại về mặt sinh học rất lớn so với người lớn và trẻ lớn tuổi.

Vì vậy, các bà mẹ và gia đình có trẻ em nhỏ phải được hướng dẫn dinh dưỡng hợp lý, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho đến khi cháu bé được 2 tuổi.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và tiếp theo, cho ăn bổ sung và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 2 tuổi.

Đây là một khuyến cáo khoa học nhưng thực tế có rất nhiều bà mẹ đã cho trẻ ăn sữa ngoài từ rất sớm. Nếu sữa hoặc sản phẩm thay thế sữa mẹ bị nhiễm các chất độc hại thì rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ như kết quả gần 60 ngàn trẻ bị sỏi thận ở Trung Quốc.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã thiết lập một nhóm làm việc cập nhật thông tin từ các địa phương. Các nhóm làm việc ứng biến nhanh để cung cấp thông tin hàng ngày, giúp Bộ Y tế có được thông tin sớm về melamine để người tiêu dùng an tâm.

Người tiêu dùng không nên quá hoang mang vì không phải tất cả các sản phẩm đều nhiễm melamine, ngay cả những sản phẩm đã biết. Hiện nay, các doanh nghiệp đang phối hợp với ngành Y tế tương đối tốt.

Để quản lý có hiệu quả, rất cần sự phối hợp liên ngành chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Quản lý thị trường và các cơ quan thông tin đại chúng.

Thưa ông Cục trưởng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết công tác quản lý của Bộ Y tế về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em nói riêng như thế nào?

- Hiện nay công tác quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung dựa trên cơ sở pháp lý gồm: Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Nghị định số 163/ 2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Công tác này đòi hỏi sự tham gia rất chặt chẽ của các ngành liên quan tới sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất nhập khẩu thực phẩm. Theo quy định tại điều 17 của Nghị định số 163: tất cả các nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc với thực phẩm (kể cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) trước khi đưa ra thị trường đều phải được công bố tiêu chuẩn.

Bộ Y tế (Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm) có trách nhiệm Cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với các thực phẩm nhập khẩu và một số nhóm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, còn lại phân cấp cho địa phương.

Còn đối với thực phẩm sản xuất trong nước, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm gồm: các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng và chỉ tiêu vệ sinh do phòng kiểm nghiệm được công nhận hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

Đối với thực phẩm nhập khẩu, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm phải có phiếu kết quả kiểm nghiệm về các tiêu chí như trên của nhà sản xuất (đã được Chứng nhận thực hành sản xuất tốt - GMP), Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu (HACCP) hoặc của cơ quan kiểm định được công nhân của nước xuất xứ.

Hàng nhập khẩu phải được cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm (được Bộ Y tế Việt Nam chỉ định) kiểm tra và cấp giấy thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu và được cấp Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm mới được lưu thông.

Còn với sản phẩm sữa dành cho trẻ em, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu trên còn phải tuân theo một số quy định riêng như việc ghi nhãn và quảng cáo có dòng chữ "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ".

Theo Cục trưởng, Bộ Y tế có thể công bố ngay tên những loại sữa bị nhiễm chất chất độc hại melamine để người tiêu dùng yên tâm sử dụng?

- Hiện nay, cùng với công tác thanh kiểm tra và chỉ đạo các địa phương, sự tham gia phối hợp của các ban ngành cùng vào cuộc để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang tích cực triển khai quyết liệt công tác kiểm nghiệm melamine đối với các sản phẩm sữa; khi phát hiện nhiễm melamine sẽ tiến hành thu hồi, tiêu hủy và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và không sử dụng.

Các loại sữa không nhiễm melamine vẫn tiếp tục lưu thông và người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn.

Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng.

Theo Nguyễn Thị Thúy
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG