Bộ Y tế có mâu thuẫn trong cách xử lý melamine?

Bộ Y tế có mâu thuẫn trong cách xử lý melamine?
TP- Sau khi kiên quyết với quan điểm “không chấp nhận thực phẩm có melamin”, Bộ Y tế quyết định cho tái xuất hoặc tiêu hủy gần một nghìn tấn sữa nhiễm melamin, rồi lại cho phép ngưỡng phát hiện melamin trong các phòng thí nghiệm.

Điều đó phải chăng đồng nghĩa với việc chấp nhận tồn tại sữa nhiễm melamin dưới ngưỡng ban hành, cũng đồng nghĩa với việc cho phép tồn tại sản phẩm nhiễm melamin (dưới ngưỡng cho phép) vào Việt Nam?

Xung quanh vấn đề này, Tiền phong xin giới thiệu bài viết của TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, hiện là Chủ tịch Hội thực phẩm chức năng.

Bộ Y tế có mâu thuẫn trong cách xử lý melamine? ảnh 1
Kiểm tra sữa nhiễm melamine tại TPHCM Ảnh Lê Nguyễn

Chấp nhận sản phẩm có hàm lượng melamin dưới 50ppb

Ai cũng biết, quan điểm của Bộ Y tế Việt Nam vẫn nhất quyết không cho phép tồn tại melamine dù ở lượng nhỏ nhất trong thực phẩm.

Vấn đề là các hoạt động thực tiễn ở Việt Nam dường như không trùng với quyết định và quan điểm đó của Bộ Y tế

Thời gian qua, một số phòng thí nghiệm của Việt Nam, khi thực hiện chức năng xét nghiệm melamine theo chỉ đạo của Bộ Y tế, họ chỉ cần định tính.

Tuy nhiên trong thực tế ngưỡng phát hiện thực tế mà họ áp dụng là 5 – 30 ppb và các kết quả xét nghiệm dựa trên ngưỡng này được Bộ Y tế chấp nhận. Bộ Y tế mới đây ban hành phương pháp thử melamine với ngưỡng phát hiện còn rộng rãi hơn thế, 50 ppb.

Có nghĩa là, thay vì bất cứ  hàm lượng nào được định lượng đều được coi là dương tính, theo quyết định mới của Bộ Y tế, hàm lượng melamine phải đạt đến 50 ppb (0,05 miligam/kg) mới được xem là phát hiện sản phẩm có nhiễm melamine. Đúng ra, ngưỡng phát hiện của phương pháp thử phải luôn thấp hơn giới hạn cho phép.

Với quy định như vậy, vô hình trung, Bộ Y tế cho phép sản phẩm được phép có melamine từ 49 ppb trở xuống; vô hình trung, sản phẩm có hàm lượng melamine dưới 50 ppb là sản phẩm được xem không có melamine.

Với kết quả như vậy, phải chăng phát ngôn của Bộ Y tế “không chấp nhận thực phẩm có melamine” mâu thuẫn với quyết định của chính mình? Phải chăng quan điểm “không chấp nhận thực phẩm có melamine” không thể thực hiện được trong thực tiễn dù Bộ Y tế mong muốn đến mấy?

Liều an toàn cho thức ăn chăn nuôi?

Việc Bộ Y tế kiên quyết “không chấp nhận thực phẩm có melamine” khiến cho sản phẩm của nhiều doanh nghiệp không được phép tiêu thụ. Thế nhưng với việc ban hành quyết định ngưỡng xét nghiệm nêu trên (50 ppb), Bộ Y tế sẽ xử lý thế nào với nhóm sản phẩm có ngưỡng melamine dưới 50 ppb?

Một số nhà khoa học cho biết, sản phẩm nhiễm melamine có thể được chuyển mục đích sử dụng sang làm thức ăn cho gia súc, cá, nhất là gia súc nhai lại, một cách an toàn.

Chưa rõ cơ chế nào tạo nên sự an toàn cho các động vật này. Có giả thuyết cho rằng cấu tạo giải phẫu và sinh lý đặc thù của chúng có thể cho phép chúng miễn dịch với nhiều chất nhiễm bẩn, trong đó có melamine chăng?

Một khảo sát trên cá nuôi ở chính Việt Nam bằng thức ăn thuỷ sản nhiễm melamine cho thấy không phát hiện melamine trong cá . Đúng như ý kiến của các nhà khoa học, cá không bị ảnh hưởng bởi melamine!

Tương tự, sản phẩm nhiễm melamine cũng có thể làm thức ăn cho gia súc, nhất là gia súc nhai lại ở liều thấp hơn NOEL - liều cao nhất không gây nên các thay đổi phân biệt được với động vật đối chứng bình thường – tức lớn hơn ít nhất 100 lần so với TDI.

Việt Nam có gần 90 triệu người nhưng số lượng vật nuôi để làm thực phẩm phải là vài tỷ con (gồm cả gia súc, gia cầm và chưa tính thuỷ sản). Việt Nam chưa bao giờ tự nghiên cứu để ban hành một tiêu chuẩn giới hạn nào mà thường chấp nhận tiêu chuẩn nước ngoài, quốc tế.

Nếu những nhận định trên được xem xét và giới hạn an toàn melamine trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cùng được ban hành sớm, cả hai loại này, đã và sẽ được phát hiện nhiễm melamine, có thể tới hàng chục ngàn tấn sẽ không bị tiêu huỷ mà sẽ được chuyển mục đích sử dụng một cách hợp pháp và hợp lý.

Ngay cả số bị phát hiện nhiễm melamine không thể chuyển làm thức ăn chăn nuôi cũng chỉ cần chôn để tận dụng làm phân bón hoặc cho không các cơ sở sản xuất biogas, để không một cân sản phẩm nào bị đốt và có thể làm bẩn môi trường.

Quan tâm đến sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng là mục tiêu tối thượng mà cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải hướng đến. Nhưng khi sự cảnh báo mỗi nguy melamine vượt quá mức cần thiết và các chính sách ban hành không phù hợp với thực tiễn sẽ không có lợi cho bất cứ ai, kể cả người tiêu dùng.

Sau vụ việc phát hiện sữa nhiễm melamin ở Trung Quốc, cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, một loạt nước đi đến quyết định ban hành giới hạn melamin trong thực phẩm với các thông số như 2,5 mg melamine/kg thực phẩm và 1 mg/kg sữa, thức ăn cho trẻ đang tuổi bú sữa mẹ tới 36 tháng tuổi và phụ nữ có thai hay đang cho con bú.

Lượng ăn vào chấp nhận được (TDI) của Hoa Kỳ là 0,63 miligam/kg thể trọng/ngày. Theo đó, lấy mức thấp nhất, một người Châu Âu nặng 50 kg có thể chấp nhận được 25 mg melamin/ngày trong suốt cả cuộc đời. Với giới hạn 2,5 mg/kg sản phẩm, một người lớn 50 kg có thể ăn mỗi ngày tới 20 kg sản phẩm đó.

Còn với giới hạn 1mg/kg, trẻ sơ sinh nặng 3,0 kg có thể ăn tới 1,5 kg sữa bột thay thế sữa mẹ trong mỗi ngày (thực tế có lẽ không trẻ em nào ăn một lượng sữa lớn như thế trong một ngày).

Song song với giới hạn melamine chấp nhận trong thực phẩm và sữa, các nước ban hành giới hạn phát hiện melamine trong phòng thí nghiệm để làm cơ sở kết luận các mẫu thực phẩm xét nghiệm. Giới hạn phát hiện của các phòng thí nghiệm rất khác nhau ở các nước khác nhau. Chẳng hạn, Indonesia chấp nhận ngưỡng phát hiện là 60 ppb (hay 0,06 miligam/kg).

Tức là, nếu phát hiện melamine trong mẫu thực phẩm dưới ngưỡng 60 ppb, coi như không có melamine; còn nếu phát hiện melamine trong mẫu vượt ngưỡng 60 ppb, coi như thực phẩm nhiễm melamine. Theo đó, Malaisia chấp nhận ngưỡng 1.000 ppb (tương đương 1 miligam/kg). Ngưỡng này vừa đúng bằng giới hạn melamine cho phép có mặt trong sữa cho trẻ nhỏ. 

 PGS.TS. Trần Đáng
(Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.