Bồi thường dự án sân bay Long Thành: 18.000 tỷ đồng lấy đâu ra?

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội). Ảnh Như Ý
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội). Ảnh Như Ý
TPO - “Hiện mới có 5.000 tỷ đồng, trong khi tờ trình nói cần 23.000 tỷ, vậy 18.000 tỷ đồng lấy từ đâu? Có thể chúng ta thu đất rồi nhưng không có phương án đền bù thì đời sống người dân sẽ ra sao?”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nêu.

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sự cần thiết phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án, kịp thời cho giai đoạn một. Cơ sở pháp lý cũng như chủ trương có rồi, tiền cũng có rồi, dù chưa đủ nhưng cũng có phương án khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn.

Theo báo cáo tiền khả của dự án, tiền bồi thường tái định cư chỉ có 12.000 tỷ đồng. Tới thời gian Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì phương án này đã tăng lên 18.000 tỷ đồng, và cho tới nay đang là 23.000 tỷ đồng. Số tiền 23.000 tỷ đồng là do phát sinh thêm 600 ha đất tái định cư mà trước đây chưa được tính đến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phê bình các đơn vị liên quan vì chậm triển khai quyết định đầu tư Cảng hàng không Long Thành, hơn 2 năm nhưng chưa có báo cáo khả thi. Điều này đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và dẫn tới nhiều hệ lụy. Nếu càng chậm trễ thì càng khó khăn, giá càng tăng, người dân cũng không yên tâm sản xuất.

Từ việc sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường, hành khách phải kéo hành lý chạy bộ, bà Ngân cho biết, giờ sân bay này đã quá tải ngay trước mắt, như một nỗi ám ảnh cho người đi máy bay. Thậm chí có người nhà ở gần sân bay mà phải đi sớm mấy tiếng vì sợ tắc đường.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) băn khoăn vì việc tách này là “đột xuất phát sinh”. Bà cho rằng, thông thường khi xây dựng dự án, cơ quan nào cũng phải hình dung ra được lộ trình, cách thức thực hiện, kéo dài trong thời gian bao lâu… “Khi đã thông qua chủ trương nhiều năm, giờ mới tách ra như việc đột xuất thì cần rút kinh nghiệm” – ĐB Mai nhìn nhận.

Theo bà Mai, dự án chỉ có thể thực hiện khi có phương án tài chính khả thi hợp lý, nhưng hiện mới có 5.000 tỷ, trong khi tờ trình nói cần 23.000 tỷ.

“Vậy 18.000 tỷ đồng chúng ta lấy từ đâu? Có thể chúng ta thu đất rồi nhưng không có phương án đền bù thì đời sống người dân sẽ ra sao? Không thể làm đến đâu hay đến đó. Theo quy trình tôi thấy có điểm chưa hợp lý. Bài học là nhà máy điện Ninh Thuận, đã triển khai, GPMB rồi nhưng lại phải dừng lại”, bà Mai băn khoăn.

ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, cần sớm tách nội dung thu hồi bồi thường để thực hiện dự án thành phần. Dự án này ở khu dân cư, trên địa bàn 6 xã với hơn 4.000 hộ, 15.000 nhân khẩu nên việc giải phóng mặt bằng rất khó. Vì vậy, nếu để chung dự án thì cần tính toán lại. Có thể ra một nghị quyết bổ sung để thực hiện công tác bồi thường, đưa ra khỏi dự án chung, trở thành dự án thành phần.

"Với khối lượng dân cư lớn như vậy thì việc kiểm kê, thu hồi đất, xác định gốc gác rất khó khăn. Đây là khâu phức tạp nhất trong giải phóng mặt bằng. Dù quyết tâm thì 3 năm không dễ gì xong được", ông Thông nói.

MỚI - NÓNG