"Bom" trên bàn nhậu

"Bom" trên bàn nhậu
TP - Vụ nổ bình gas mini vừa xảy ra tại nhà hàng Thanh Trúc (tỉnh Đồng Nai), làm cho 10 thực khách bị bỏng một lần nữa cảnh báo về mối nguy hiểm khi sử dụng loại bình gas này.
"Bom" trên bàn nhậu ảnh 1

Các nạn nhân trong tiệc cưới tại Đồng Nai ngày 14/10. Ảnh: Duy Nhất

Tuy nhiên, dù biết là nguy hiểm nhưng nhiều nhà hàng, hộ gia đình, sinh viên vẫn đang dùng “quả bom” nổ chậm này hàng ngày...

Vừa ăn vừa sợ

Tại quán Kỳ Hòa Quán ở số 29 đường Lê Hồng Phong nối dài (quận 10, TPHCM) bắt đầu từ 11 giờ trưa đã đông nghẹt khách bởi nơi đây được mệnh danh có món lẩu ngon nhất.

Nhiều thực khách mới vào lần đầu đều ngán ngại khi bếp nấu lẩu là loại bếp gas mini rất cũ. Một tiếng gas xì ra, bốc mùi khen khét khiến mọi người dạt ra. Anh bồi chạy lại, tắt bếp rồi ung dung chọn một bình gas mới và trấn an: “Không sao đâu!".

Ông Hoàng Trọng Đạt - Đại diện nhà hàng P.Đ trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TPHCM0 nói nhà hàng có 8 sảnh tiệc cưới với khoảng 250 bàn. Vào mùa cưới gần như nhà hàng đều kín chỗ.

Theo ông Đạt, tiệc cưới nào cũng dọn món lẩu hoặc tôm hấp và nhà hàng vẫn chỉ dùng bếp gas mini, bởi giá trị tiêu hao của loại bình gas này ít hơn các loại khác. Theo ông Đạt, một bình gas mini dùng đun sôi được 2 nồi lẩu và mỗi lần bơm lại chỉ có 3.000 đồng.

Chủ một nhà hàng dạng bậc trung có tên Hoàng Yến, nằm trên đường 3/2 (quận 10, TPHCM) cho biết: Năm 2006, nơi đây xảy ra một vụ nổ bình gas mini khi thực khách đang ăn món lẩu khiến nhà hàng hoảng hồn. “Từ đó chúng tôi đã bỏ hết tất cả loại bếp gas mini này. Biết đâu tai họa còn ập xuống đầu thực khách bất kể lúc nào”.

Theo ông chủ quán Hoàng Yến, sau vụ nổ bình gas làm nhiều người bị thương mới đây ở Đồng Nai, nhiều người vào nhà hàng hỏi bếp lẩu có dùng bình gas mini không.

Chủ quán nhậu số 10 trên đường Huỳnh Tịnh Của (quận 3, TPHCM) cho biết: Sau khi dùng hết các bình gas mini, sẽ có nhân viên của một cơ sở sang chiếc gas đưa bình gas mới đến thay thế, rồi lấy bình cũ về sang chiết tiếp bỏ mối cho các quán ăn.

Phố lẩu cá kèo đặc sản nằm san sát trên đường Sư Thiện Chiếu (quận 3, TPHCM) ngày ngày đón cả nghìn thực khách vẫn dùng bếp gas mini. Đa số chủ nhà hàng này khi được hỏi đều cho rằng, không thể dùng bếp cồn được vì chi phí để mua cồn cao gấp 3 lần chi phí một bình gas.

Trong khi đó, theo quy định các loại bình gas mini chỉ được dùng một lần, nhưng theo họ thì nó được dùng cho đến khi gỉ sét, không dùng được nữa mới thôi.

Với giá khoảng 10.000 đồng/bình và 3.000 đồng cho một lần đổi, loại bình gas mini hiện đang được bày bán và sử dụng tràn lan khắp nơi. Từ các cửa hàng kinh doanh gas đến những hàng tạp hóa trên khắp các con đường, ngõ phố của Hà Nội đều có bày bán và đổi loại bình gas mini cho khách hàng. Loại bình này được dùng phổ biến trong các khu nhà trọ sinh viên, công nhân và các gia đình lao động có thu nhập thấp.

Chị Trần Thị Thuỷ, một chủ nhà trọ cho sinh viên thuê ở khu Phùng Khoang (Thanh Xuân), lo lắng nói: “Nhà có đến 14 phòng cho sinh viên thuê thì phòng nào cũng sử dụng bếp gas mini để đun nấu. Biết là nguy hiểm, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng nếu cấm nấu ăn thì sinh viên không thuê”.

Không chỉ giới sinh viên, công nhân, hộ gia đình, mà rất nhiều quán nhậu vẫn “vô tư” sử dụng. Những dãy phố như: Phùng Hưng, Cấm Chỉ, Cao Bá Quát, Ngõ Trạm…, nơi tập trung nhiều cửa hàng, quán lẩu, quán nhậu, trung bình mỗi ngày một cửa hàng sử dụng hàng trăm bình gas mini.

Các bình gas ở đây đều được tái sử dụng nhiều lần, nhưng vẫn được dùng để đun lẩu cho thực khách, trong khi nhiều chiếc bếp không còn bộ phận che chắn vẫn được đặt đúng tầm ngực của người ngồi.

Tạt vào một quán bia hơi trên đường Nguyễn Trãi, thật hãi hùng khi chứng kiến cảnh khách hàng cứ chụm đầu xung quanh những nồi lẩu đun bằng bếp gas mini, rôm rả cười nói và ăn nhậu mà chẳng ai nghĩ đến ẩn họa từ “quả bom”, có thể nổ bất cứ lúc nào trên bàn tiệc.

Quan sát tại một số quán nhậu ở đường Nguyễn Trãi, có nhà hàng dùng những bếp gas mini đã gỉ hoen, vỏ bình gas cũng han gỉ, sơn bị bong loang lổ.

Về nguồn gốc, theo một số nhà hàng các bình gas được lấy từ một cơ sở sang nạp ở Thanh Trì, còn địa chỉ cụ thể thì không rõ? “Thường ngày nhà hàng vẫn dùng loại bình gas này nhưng có sao đâu? Bình nào bị xì, yếu lửa chúng tôi thay ngay cho khách” - Nhân viên quản lý một nhà hàng nói khi được hỏi về độ an toàn của loại bình này.  

Vi phạm tràn lan, xử lý không xuể

"Bom" trên bàn nhậu ảnh 2

Bếp gas mini vẫn được sử dụng rộng rãi nơi đông người. Ảnh: Phạm Yên

Theo lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội, qua các đợt kiểm tra thì hầu hết nhà hàng, quán ăn đều vi phạm khi sử dụng loại bình gas mini không đảm bảo an toàn về cháy nổ.

Hàng loạt cửa hàng kinh doanh gas, nhà hàng ăn uống, cửa hàng bia hơi đã bị xử phạt hành chính và hàng nghìn bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần đã bị tịch thu tiêu hủy.

Trong đó nhiều nhà hàng lớn cũng đều vi phạm như: Nhà hàng kinh doanh ăn uống 132 Lê Duẩn, Bia hơi Vân Hồ (số 2 Hoa Lư), Bò Tùng Xẻo (Chùa Láng)...

Tuy nhiên, theo lực lượng quản lý thị trường, hiện chế tài xử phạt trong lĩnh vực bình gas mini tái sử dụng chưa rõ, lực lượng chức năng chỉ có thể vận dụng Khoản 3, Điều 15 của Nghị định 175 xử phạt đối với đơn vị kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ (với mức xử phạt từ 4 đến 8 triệu đồng và tịch thu tang vật). Có lẽ chính vì vậy mà nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng ăn uống dù đã bị xử phạt, song vẫn tái phạm.

Giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng loại bình gas mini, theo lãnh đạo Chi cục QLTT, ngoài việc thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm thì cách hạn chế hữu hiệu nhất có lẽ ở người tiêu dùng.

“Nếu người tiêu dùng tẩy chay các loại bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần thì chắc rằng việc hạn chế và tiến tới loại bỏ loại bình này sẽ thực hiện được” - Một cán bộ quản lý thị trường nói.

Theo cơ quan kiểm định, các loại bình gas mới hay tái sử dụng, trước khi đưa đến người tiêu dùng đều phải qua quy trình kiểm định, thế nhưng các loại bình gas mini hầu hết bị bỏ qua.

“Các loại bình gas mini trên thị trường được sản xuất bằng tôn mỏng hoặc bằng nhôm và chỉ chịu được áp suất thấp, loại nhiên liệu chính nạp cho bình gas mini là sử dụng khí butan (áp suất thấp), nhưng vì lợi nhuận họ đã bỏ qua.

Họ nạp loại khí protan, khí butan hỗn hợp với áp suất cao không phù hợp với loại bình được sản xuất để sử dụng một lần. Thậm chí có kẻ còn đi mua những vỏ bình cũ, sét gỉ từ ở các nơi mua bán phế liệu, rồi sơn phết lại và nạp gas vào để bán. Bình gas nhỏ nhưng khi cháy, nổ sẽ gây hậu quả rất lớn” - Một cán bộ kiểm định chất lượng cảnh báo. 

Ông Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Tổng hợp (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết: Số bệnh nhân bị bỏng gas ngày càng tăng, trung bình mỗi tháng có khoảng 10 trường hợp, trong đó nhiều trường hợp là nạn nhân của việc sang chiết, sử dụng bình gas mini ở các nhà hàng, quán lẩu. Theo ông Lượng, bỏng gas rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.

MỚI - NÓNG