Bốn ủy viên Bộ Chính trị ứng cử ở khối Chính phủ

Thiếu tướng Lê Mã Lương đề nghị “rút kinh nghiệm” việc “tố” người tự ứng cử nhận tiền của các tổ chức bên ngoài.
Thiếu tướng Lê Mã Lương đề nghị “rút kinh nghiệm” việc “tố” người tự ứng cử nhận tiền của các tổ chức bên ngoài.
TP - Sáng 17/3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần 2 về bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở T.Ư. Có 4 ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử ở khối Chính phủ, gồm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ và Trương Hòa Bình.

Theo đó, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình được giới thiệu, tham gia ứng cử ở Khối Chính phủ, còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình được giới thiệu tham gia ở khối cơ quan Đảng.

Gợi mở các chức danh mới

Theo danh sách được Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam công bố, tổng số đại biểu của khối các cơ quan T.Ư được giới thiệu ứng cử là 197. Trong đó, có 17 Ủy viên Bộ Chính trị (ông Đinh La Thăng và Hoàng Trung Hải ứng cử ở TPHCM và Hà Nội).

Trong số 12 người được giới thiệu ở khối cơ quan Đảng, ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai… còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Sau khi được bầu vào Bộ Chính trị, đến nay ông Bình chưa được phân công nhiệm vụ mới. Hiện ông Bình vẫn là thành viên Chính phủ nhưng được giới thiệu ứng cử ở khối cơ quan Đảng.

Khối cơ quan Chủ tịch nước và cơ quan tư pháp giới thiệu 5 người ứng cử, gồm: ông Nguyễn Hòa Bình, viện trưởng VKSND tối cao; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Như vậy ngoài ông Trần Đại Quang đã được T.Ư nhất trí giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước, khối cơ quan này sẽ có sự tham gia của các nhân sự mới là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh và ông Lê Minh Trí.

Khối Chính phủ và cơ quan thuộc Chính phủ giới thiệu 17 người ứng cử, trong đó có nhiều gương mặt từ khối cơ quan Đảng và tư pháp chuyển sang như ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao. Như vậy, nếu tính cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (được T.Ư giới thiệu chức danh Thủ tướng) và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (tái cử) thì khối Chính phủ có 4 Ủy viên Bộ Chính trị.

 Bên cạnh đó, tham gia ứng cử ở khối Chính phủ còn có nhiều người từ các cơ quan Đảng chuyển sang như: ông Trương Quang Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư… Đồng thời còn có sự tham gia của rất nhiều thứ trưởng hiện hành của các bộ ngành, như: ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT.

 Khối QH giới thiệu 113 người ứng cử, trong đó Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (được Trung ương nhất trí giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch QH); các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu tái ứng cử. Trong khối này cũng có sự xuất hiện của nhiều gương mặt từ các cơ quan Đảng, Chính phủ được giới thiệu sang để ứng cử và giữ các trọng trách trong các cơ quan của QH, như: Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Trọng Việt; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy...

Khó biết siêu xe Ferrari của bố hay con?

Nhìn nhận về hồ sơ ứng cử của 197 đại biểu, nhiều đại biểu cho rằng, số lượng lớn mà chỉ có vài tiếng đồng hồ vừa họp, vừa nghiên cứu, vừa biểu quyết là không thể. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn như việc nắm bắt hồ sơ, thông tin về các ứng cử viên không được nhiều, đặc biệt việc kê khai tài sản của các ứng viên. “Hồ sơ trung thực nhưng đã tin cậy 100% chưa, nhất là phần kê khai tài sản. Có ai giám sát, ai xác nhận mà biết khai nhiều, khai ít, khai đúng hay sai. Ai dám khẳng định phần kê khai tài sản là chính xác? Chúng ta phải đổi mới công việc kê khai tài sản. Có những đồng chí tôi quen qua đọc hồ sơ thì thấy khai thật, nhưng còn có những đồng chí tôi không biết, thì không hiểu có khai đúng không”, ông Phạm Xuân Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ nêu ý kiến.

 Đồng ý với quan điểm này, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, trong hồ sơ phần kê khai tài sản không có xác nhận gì cả. “Ví dụ có đại biểu quê Sơn La, ai lên xác định tài sản ở đó không? Tôi tin chắc không làm được. Còn nhiều trường hợp khác, hỏi cư trú ở đâu, điểm nào, có xác nhận không?”, ông Que nói.

Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc kê khai tài sản của đại biểu rất nghiêm túc, nhưng trong nhiều hồ sơ lại không thấy khai vợ chồng, con cái. “Nếu con cái của họ đi siêu xe Ferrari thì chúng tôi không biết là của bố hay của con. Cái này nên rút kinh nghiệm. Kê khai tài sản chỉ có hai dòng, tại sao phải tiết kiệm giấy như vậy”, ông Nguyễn Mậu Bành, đại diện Hội Cựu giáo chức nói. Tuy nhiên, ông Bành cũng “khen” rằng, có nhiều đồng chí kê khai tài sản rất thật thà, trung thực, như “có hai cái đồng hồ cũ”.

Không phương hại quyền tự ứng cử

Đề cập đến thông tin “tố” có nhiều người tự ứng cử được tổ chức phản động góp tiền, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, hiện chúng ta bỏ qua nhiều cá nhân tiêu biểu mà với tư duy độc lập, với ý chí và khát vọng, có thể có những cống hiến đặc biệt trong QH. “Vừa rồi có một vài ý kiến cho rằng các ứng cử viên độc lập hiện nay có thế lực đứng sau thậm chí là bơm tiền cho ứng cử. Theo tôi, không nên nói như thế. Nếu chỉ ra được thì chỉ rõ, còn không được nói chung chung như vậy, vì phương hại đến việc ứng cử của đại biểu khác”, ông Lương nói.

“Tôi đọc thông tin thấy hơi sửng sốt. Mình đang vận động dân ứng cử, tự ứng cử, lại đưa tin là có các tổ chức phản động trong và ngoài nước “bảo kê”. Chuyện đó dù có hay không thì cũng không bao giờ công bố. Mình làm công tác chính trị mà đưa cái đó ra là dường như muốn hạn chế quyền làm chủ của dân và xúc phạm những người tự ứng cử. Đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia chú ý những cái đó vì những nhân sĩ trí thức có tự trọng cao rất bất bình điều này”, ông Nguyễn Túc phản ánh.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, không cho phép việc phân biệt, đối xử bất bình đẳng giữa người tự ứng cử với người được các cơ quan tổ chức giới thiệu. “Không nên công bố thông tin chung chung như thế, ảnh hưởng đến người tự ứng cử. Chỉ khi nào có các yếu tố trực tiếp khẳng định thì mới công bố”, ông Nhân nói.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng Hội nghị cũng đã biểu quyết thông qua danh sách 197 đại biểu của Khối cơ quan T.Ư giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa XIV.

MỚI - NÓNG