Bỗng nghe vần thắng vút lên cao...

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao...
TP - Người viết bài này may mắn được ông Vũ Kỳ nhiều lần kể tỉ mỉ, nghe thật thú vị. Là, ý tưởng tổng tấn công manh nha ngay từ đầu năm 1967 sau mùa khô và một nhóm tham mưu chiến lược được giao vạch các phương án triển khai.

Tới tháng 6 sau đó Hội nghị Trung ương 14 khóa III thông qua phương hướng chỉ đạo. Bắt đầu một cuộc chuẩn bị đại quy mô về mọi mặt từ hậu phương tới tiền tuyến…

Hàng năm theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bác cần dành thời gian đi nghỉ, chữa bệnh ở nước ngoài. Ngày 5/9/1967, công việc đã “hòm hòm”, Bác lên đường sang Bắc Kinh, cùng đi với Bác có ông Lê Văn Lương và bác sĩ riêng Nhữ Thế Bảo.

Tới 21/12, ông Kỳ nhận điện của Trung ương mời Bác về họp Bộ Chính trị để chọn phương án tối ưu và định ra ngày N, giờ G nổ súng.

Cuộc họp từ sáng 28/12 kéo dài đến tận khuya, về nhà sàn Bác còn gọi sang văn phòng Quân ủy Trung ương hỏi tình hình sức khỏe của Võ Đại tướng đang nghỉ bên bờ hồ Balatông ở Hungari ra sao.

Lịch làm việc về nước của Bác chỉ gói gọn trong một tuần ken dày ba buổi. Ai cũng lo Bác mệt, trước hết là Hội đồng bác sĩ, anh em luôn phải “đánh bạo” nhắc nhở Anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) xem “bớt bớt” công việc để Bác nghỉ.

Riêng bác sĩ Trần Hữu Tước được Anh Cả dặn kỹ cần giữ gìn giọng nói của Bác “thật khỏe mạnh” để Bác phát biểu thu thanh. Thế nhưng, ai thấy Bác cũng mừng vì Bác rất vui, như khỏe ra…

Ông Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm kể, thường là hàng năm trước Tết chừng một tuần, ông Vũ Kỳ gọi điện là bên Đài sẵn sàng máy móc, phương tiện để có lệnh là lên nơi Bác thu âm.

Năm đó, còn tới 3 tuần nữa - sáng Chủ nhật 31/12/1967, anh em đã sẵn sàng đợi Bác. Người ung dung đi bộ từ nhà sàn lên Phủ Chủ tịch lúc 7h30.

Có thể từ tháng 9, Bác đã có “phác thảo” bài thơ chúc Tết trong đầu. Rồi Bác tự gõ máy một số bản gửi lấy ý kiến trong phạm vi hẹp, trong Bộ Chính trị. Lại sửa, lại trao đổi và quan trọng nữa là đợi, còn thay đổi tới phút chót để cập nhật tình hình. Ông Trần Lâm trực tiếp tham gia ghi âm. Xong, lại phát lại để Bác nghe.

Giọng Bác ấm áp, dõng dạc, hào hùng, sảng khoái, thôi thúc, truyền cảm một cách hết sức đặc biệt. Lúc Bác đọc thì mọi người lắng nghe đến khi nghe băng, nhìn Bác, ai cũng nghẹn lại, muốn khóc, nhưng khi đến… “toàn thắng ắt về ta” tiếng vỗ tay hoan hô rầm rầm. Thu tiếp giọng ngâm của chị Trần Thị Tuyết, cũng quay băng lại Bác nghe, Bác khen…

Ngày 1/1/1968, 16h30 chiều, Bác đáp máy bay trở lại Bắc Kinh. Tôi hỏi ông Vũ Kỳ: Bác đi như vậy, cũng như anh Văn, về danh nghĩa là công khai hay bí mật, thưa anh? – Chẳng công khai, cũng không bí mật. Ta không đăng báo – Cũng không tránh báo chí săn tin. Ảnh, tin Bác, ông Giáp đi dạo ở Bắc Kinh, Bucarest… đăng trên đầu trang nhất các báo Anh, Mỹ, Pháp… Chả biết có phải vì thế không, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên theo lệnh Mỹ vẫn cấm trại thì hạ cấp nói với nhau: “Cụ Hồ, Tướng Giáp còn chưa về thì … yên trí lớn đi mấy ông nội!”. Chả thế Nguyễn Văn Thiệu chuồn về Mỹ Tho nhà vợ.

Hiệu lệnh tổng tiến công

Ở Bắc Kinh, Bác nghỉ tại Ngọc Tuyền Sơn – khu tĩnh dưỡng của các ủy viên Bộ Chính trị Đảng bạn. Ông Kỳ ở phòng cạnh nơi Bác vừa ở vừa làm việc. Ít hôm lại có các vị lãnh đạo ta sang trực tiếp báo cáo công việc với Bác. Ngày 25/1, Đại tướng Tổng tư lệnh về qua Bắc Kinh đến xin chỉ thị lần cuối của Bác. Người nhắc lại:

Kế hoạch phải thật tỉ mỉ

Hợp đồng phải thật ăn khớp

Bí mật phải thật tuyệt đối

Hành động phải thật kiên quyết

Cán bộ phải thật gương mẫu

Năm ấy “thiên thời” cũng thuận lợi: Giao thừa tối 29 ngoài Bắc, trong Nam tháng đủ 30 – sau một ngày. Bác nhắc, tất cả các đơn vị ra trận đều phải bố trí thật khéo để được ăn Tết trước một ngày.

Giọng lắng xuống, ông Vũ Kỳ kể tiếp: Hai Bác cháu ngồi nghe đài, chờ giao thừa. Vẻ mặt Bác trầm ngâm. Mãi sau này ông mới hiểu ra: Người đang chờ giờ G đang nhích dần tới… Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa nhìn rõ dưới các cột điện cao áp.

Bỗng người quay lại hỏi: - Chú có băng gì vui vui mở Bác nghe với!

Ông Kỳ đã chuẩn bị sẵn băng từ nhà, nên chỉ đợi lệnh Bác. Biết rồi mà vẫn cảm động khi ông liếc nhanh thấy Bác mỉm cười cùng với giọng hát trong trẻo ngây thơ của một cháu bé: “Bé bé bằng bông. Bé đi sơ tán…”.

Đùng, đoàng, đoàng, đoàng… liên tiếp những trang pháo nổ giòn. Bác bảo ông vặn đài to hơn chút nữa…

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bác thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên,
Toàn thắng ắt về ta!

Tiếng Bác ngân vang đầy hùng khí, hệt như tiếng gọi khắp núi sông! Mà, không phải, như tiếng trống trận giục giã quân sĩ xông lên từ ngàn xưa của ông cha ta…

Mãi sau này mới biết: “Tiến lên!” Là hiệu lệnh nổ súng của Bác cho toàn chiến trường miền Nam.

Thảo nào, tiếng Bác từ Đài vừa dứt, ông nghe Bác nói khẽ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng…”.

Cả sáng mồng  Một Bác ra, vào vẻ sốt ruột. Tới gần trưa thì tin chiến thắng của quân dân ta trên toàn miền Nam được các đài trên thế giới dồn dập phát đi. Bác rất vui, mở nhiều đài, nhiều thứ tiếng và dặn ông Kỳ ngồi trực, tổng kết tin chiến sự hàng giờ, hàng ngày.

… Sáng mồng Sáu Tết, vào 3-2  kỷ niệm ngày thành lập Đảng, mới 6 giờ, Bác sang phòng ông gõ cửa:

-Này chú Kỳ, xin lỗi, ta làm việc sớm chút nhé! Chú cầm giấy bút sang phòng Bác!…

Bác ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài trời, tuyết rơi dày đặc: - Nào, chú viết đi! Đã lâu không làm bài thơ nào phẩy, xuống dòng.

Ông chưa hiểu, hỏi: -  Thưa Bác, thơ ạ?

-Chứ cứ viết tiếp đi!

Nay lại thử làm thơ xem sao chấm hỏi, xuống dòng. Bác cúi xuống tay bóp trán, vẻ nghĩ ngợi: Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy phẩy, xuống dòng.

Ông Vũ Kỳ càng phân vân, chưa hiểu.

Tự nhiên Bác đứng dậy, nói to như nói với chính mình, giọng sảng khoái: - Bỗng nghe vần thắng vút lên cao! Chữ thắng viết hoa trong ngoặc kép, chấm than…

Ông Kỳ suýt nữa bật lên tiếng “À”. Thì ra, tất cả hồn thơ, cảm hứng là ở chữ “Thắng” này đây.

Bây giờ và chắc chắn mãi mãi, đất nước ta, dân tộc ta, mỗi khi làm nên một kỳ tích, một đại thắng như vào WTO, thành công APEC 14 chẳng hạn, thì tự đáy lòng mỗi chúng ta hẳn phải dậy lên niềm tự hào tràn đầy cảm xúc: Như có Bác Hồ trong niềm vui dân tộc!

MỚI - NÓNG