BQL các dự án trọng điểm nhận trách nhiệm chất lượng vỉa hè

TPO - Chiều 29/7, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Bảo – Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã nhận trách nhiệm trong việc để vỉa hè đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu xuống cấp, không đạt yêu cầu.

Theo ông Bảo, một số vị trí vỉa hè xuống cấp có nguyên nhân khi xây dựng nhà, trụ sở các hộ dân, cơ quan hai bên đường cho máy xúc lên hè đào móng, phá dỡ nhà cũ, tập kết cọc. Bên cạnh đó, cao độ vỉa hè trước cửa nhà dân chưa thuận tiện, dân phải tự xây bục bệ bê tông, cầu sắt để đi lên. Chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn, thi công điều chỉnh lại cho phù hợp.

BQL các dự án trọng điểm nhận trách nhiệm chất lượng vỉa hè ảnh 1

Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội) được khánh thành vào cuối tháng 12/2013, dài 547 m với tổng đầu tư 642 tỷ đồng, được coi là tuyến đường đắt nhất thủ đô với số tiền trên 1 tỷ đồng một mét. Công trình này được đưa vào hoạt động đã 7 tháng nhưng vỉa hè lại biến thành công trường. Đơn vị thi công đã phải bóc, dỡ nhiều đoạn vỉa hè để lát lại do bị sụt lún, mấp mô. Ảnh: VNE

Trả lời Tiền phong về trách nhiệm trong việc trên cũng như kinh phí khắc phục lấy từ đâu, ông Bảo cho biết: Do vỉa hè chưa bàn giao, việc khắc phục, sửa chữa và mọi chi phí, kể cả bảo hành sau này do Ban chịu trách nhiệm. Nay việc sửa chữa vỉa hè, hạ vát độ cao đã xong (Chi phí lát lại 165m2 vỉa hè khoảng 25 triệu đồng, hạ vát độ cao khoảng 75 triệu).

Theo ông Bảo cho biết, Ban đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của phó giám đốc, giám đốc, các bộ phận liên quan. Tuy nhiên, trách nhiệm chung còn có các đơn vị khác (thiết kế, thẩm định, tư vấn và thi), đang được làm rõ. 

Về mức xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Ban quản lý dự án trọng điểm, đơn vị liên quan theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Bảo cho biết: Các cơ quan đang tiến hành kiểm điểm theo đúng quy trình, lỗi đến đâu sẽ xử lý đến đó. ”Bản thân tôi có trách nhiệm và đó là trách nhiệm của người đứng đầu” – Ông Bảo nói.

Hiện Ban Dự án trọng điểm đang lập hồ sơ bổ sung cục bộ chỉ giới đỏ, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc nút giao. Theo dự kiến, sẽ xây dựng cầu vượt thép theo hướng vành đai 1, tin cầu đi lệch về phía Nam nút đường Nguyễn Lương Bằng, cầu rộng 14m.

Vẫn giao Vinaconex làm tuyến nước sạch số 2

Chiều 29/7, trả lời Tiền phong Thành phố Hà Nội có xem xét lại quyết định giao cho Tổng Công ty Vinaconex làm tuyến đường ống nước sạch sông Đà số 2 hay không, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBNDTP Hà Nội cho biết: Vì tuyến ống số 1 của Vinaconex liên tục vỡ, nên lúc đầu Thành phố định làm một đường nước cấp cứu. Nếu Vinaconex không làm tuyến số 2, không đơn vị nào làm thì Thành phố sẽ làm. Còn tại sao lại là Vinaconex làm, ông Thịnh lý giải: Tuyến số 2 và tuyến số 1 đều là của là Vinaconex đầu tư, Thành phố chỉ là người mua nước. 

Cũng theo ông Thịnh, hiện Vinaconex là đơn vị duy nhất có kinh nghiệm, ngay từ đầu đã cung cấp nước sạch sông Đà cho Thủ đô. Đơn vị này cũng đã nhận trách nhiệm, cam kết xây dựng tuyến 2 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tuyến số 2 sẽ làm bằng vật liệu thép, công nghệ Nhật Bản, 15 km đầu làm trong 3 tháng, đoạn còn lại làm trong 6 tháng. 

H. Phúc
MỚI - NÓNG