Bức bách giảm tổn thất

Bức bách giảm tổn thất
TP - Ngày 26/11, tại tỉnh Vĩnh Long, diễn ra hội thảo “Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL” do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Nông nghiệp xanh nhằm duy trì sự phát triển để cung cấp lương thực và thực phẩm bền vững, trong đó ở nước ta đang nổi lên bức bách vấn đề giảm tổn thất.

> Nước nông nghiệp sao phải nhập nông sản?
> Sao phải tốn 4 tỷ USD nhập khẩu?

PGS-TS Lê Văn Hòa ở Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ nói: “Giảm bớt phung phí và những gì không hiệu quả là một phần quan trọng của nông nghiệp xanh”.

Ông Hòa dẫn một thống kê cho thấy, lượng lương thực và thực phẩm sản xuất ra có khả năng cung cấp năng lượng cho mỗi người một ngày khoảng 4.600 Kcal, nhưng thực tế chỉ cung cấp khoảng 2.000 Kcal. Như thế, gần 57% bị mất mát và hao hụt trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

“Cần quan tâm đến một vài vấn đề không hiệu quả này, đặc biệt là mất mát hoa màu và tồn trữ sau thu hoạch, sẽ tạo nhu cầu đầu tư nhỏ về công nghệ đơn giản trên những thửa ruộng nhỏ, nơi mà nó tạo ra sự thay đổi về chất cho những nông dân nghèo”, ông Hòa nói.

Mô hình phát triển hiện nay vẫn là kinh tế “nâu”, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.

Còn theo GS-TSKH Trương Quang Học ở Trung tâm Nghiên cứu TN&MT của ĐH Quốc gia Hà Nội, mô hình phát triển hiện nay vẫn là kinh tế “nâu”, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn của Bộ NN&PTNT, hạn chế nhất của nông nghiệp nước ta hiện nay là còn rất yếu trong liên kết lo đầu ra để giảm tổn thất sau thu hoạch và tiêu thụ nông sản.

Thời gian qua, một số hình thức liên kết, hợp tác có hiệu quả nhưng mới tập trung ở vài khâu của sản xuất, chủ yếu là đầu vào, liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản cho nông dân vẫn còn yếu.

Nguyên nhân chính là sản xuất manh mún, hộ gia đình nhỏ lẻ. Vài thành công thời gian qua mở ra hy vọng thoát khỏi manh mún là hình thức tổ chức “cánh đồng mẫu lớn”. Tuy nhiên, diện tích cánh đồng mẫu lớn đến nay còn rất nhỏ so với diện tích gieo trồng.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL vụ đông xuân 2012-2013 chỉ chiếm gần 4,2% diện tích gieo trồng, vụ hè thu 2013 tụt xuống còn 3,2%.

Diện tích cánh đồng mẫu lớn đã nhỏ mà trong đó, diện tích được bao tiêu sản phẩm còn nhỏ hơn, làm tốt như tỉnh Đồng Tháp cũng mới bao tiêu được khoảng 30% diện tích cánh đồng mẫu lớn. Có nghĩa, rủi ro và tổn thất trong thu hoạch, tiêu thụ hạt lúa còn rất lớn.

Tổn thất lớn trong tiêu thụ nông sản, làm nghèo thêm người nông dân ở ĐBSCL còn phải kể đến trong nuôi cá tra. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn KH-CN và Quản lý TPHCM, cảnh báo: “Nuôi cá tra có thể nói đang ở tình trạng khó khăn đến mức gần như là khủng hoảng”. Từ năm 2012 đến nay, giá cá tra hầu như liên tục phải bán dưới giá thành. Nguyên nhân chính là giá xuất khẩu giảm liên tục, từ bình quân trên dưới 4 USD/kg những năm trước đã giảm xuống 1,51 USD/kg năm 2011 và đến năm 2012 chỉ còn 1,36 USD/kg.

“Nông dân nuôi cá tra nếu không bị phá sản thì cũng phải “treo ao”, trong khi tất cả nguồn cá nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều từ các ao nuôi cá của nông dân”, TS Phúc nói.

Có một nghịch lý trong ngành cá tra Việt Nam, độc quyền (chiếm 97% thị trường thế giới) nhưng Việt Nam không quyết định được giá cả, đi ngược với quy luật cung cầu. Theo TS Phúc, khó khăn chủ yếu do tác động của môi trường kinh tế Việt Nam với những gay cấn như lạm phát, biến động lãi suất ngân hàng, nợ xấu.

TS Phúc phân tích tiếp, có nguyên nhân khoa học công nghệ và khoa học quản lý đối với ngành cá tra chưa được quan tâm đúng mức so với yêu cầu thực tế của một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD một năm. Nhưng nguyên nhân chính là ở quản lý của chính quyền các cấp vừa quá chặt chẽ lại vừa quá lỏng lẻo.

“Rất chặt chẽ ở các khâu thuế, phí. Rất lỏng lẻo ở chỗ, các cấp chính quyền tuy đã có những quan tâm nhưng có thể nói là chưa có sự hỗ trợ cần thiết, nhất là những lúc khó khăn”, TS Phúc khẳng định. Và đó cũng có thể nói là thực trạng chung của nền nông nghiệp nước ta hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG