Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Bức xúc cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng 'vừa mưa đã hỏng'

Cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi ổ gà vá tạm rất nhiều trên đường. Ảnh: Anh Tuấn.
Cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi ổ gà vá tạm rất nhiều trên đường. Ảnh: Anh Tuấn.
TP - Câu chuyện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư hơn 34 nghìn tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hỏng “sau vài cơn mưa lớn”, rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội), đất quốc phòng (Hải Phòng) bị lấn chiếm, mua bán và xây biệt thự trái phép… là những vấn đề “nóng” được đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội, sáng 26/10.

Chống lợi ích nhóm trong đầu tư công

Đánh giá tình hình kinh tế- xã hội trong thời gian qua đạt được nhiều thành tích nổi bật, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ những tâm tư, băn khoăn, lo lắng về vấn nạn thất thoát, lãng phí đầu tư công còn lớn. “Nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ GTVT quản lý. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng”, ông Cầu nói.

Vị đại biểu là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng dẫn chứng thêm hàng loạt các dự án đội vốn khác để minh chứng cho sự lo lắng về “lãng phí, thất thoát” trong lĩnh vực giao thông. Điển hình như Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhiều lần điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên cũng đội vốn đầu tư, chậm tiến độ.

 “Tình trạng điều chỉnh tăng vốn và kéo dài thời gian thế này làm thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ GTVT xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh”, ông Cầu nói. Vị đại biểu này cũng cảnh báo thêm tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư đất đai, nhất là trong việc thực hiện hợp đồng BT, thanh toán cho nhà đầu tư bằng quyền sử dụng đất nhưng không thông qua đấu thầu “cũng rất lớn”. Đây là những điểm tối về kinh tế, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.

Bức xúc cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng 'vừa mưa đã hỏng' ảnh 1 ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

“Đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Bộ Công Thương. Bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ GTVT quản lý. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng”

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Chia sẻ nhận định trên, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng “thất thoát lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong việc chi tiêu, quản lý nguồn lực công là rất rõ”. Ông Sinh đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong tất cả các khâu quản lý, sử dụng nguồn lực tài sản công, nhất là ngân sách nhà nước và đầu tư công.

 “Phạt cho tồn tại” là hủy hoại luật pháp

Đề cập đến hiệu quả quản lý nhà nước, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) kiến nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Theo vị đại biểu này, rất nhiều vụ việc gây bức xúc hiện nay là hậu quả việc “phạt cho tồn tại”.

“Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta”, ông Quốc nói và đề cập vụ việc diễn ra ở Hải Phòng: Cả một khu đất quốc phòng mà qua tay xã hội đen đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền; hay vụ việc mua bán, lấn chiếm, xây dựng nhà cửa ở rừng phòng hộ ở Sóc Sơn cho thấy rõ điều đó.

 “Bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm vì chắc chắn không có cái gì lọt qua mắt nhưng có những cái lọt qua tay. Vì thế chúng tôi rất mong luật pháp phải được thực thi. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ đội ngũ cán bộ của chúng ta”, ông Quốc bày tỏ.

Tranh luận với ông Quốc, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) lý giải, tình trạng tự ý phân lô, bán nền đã bị khởi tố, xét xử, tuyên phạt tù các cá nhân vi phạm pháp luật. Trước tình trạng lấn chiếm trái phép, khu đất quốc phòng này đã được giao về thành phố Hải Phòng quản lý. Sau đó thành phố giao cho quận Hải An quản lý, khắc phục tình trạng lấn chiếm trái phép.

Nhắc lại những vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục gần đây như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, phát hành sách giáo khoa, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ sự băn khoăn khi vẫn chưa thấy rõ “ai phải chịu trách nhiệm”. Theo ông Hiếu, trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình chung thi trung học phổ thông năm 2018 được xây dựng chặt chẽ, quy chế thi được ban hành đầy đủ nhưng còn sơ hở trong bảo mật.

Năm 2019 kiểm toán cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

Trao đổi với PV chiều 26/10, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2019 sẽ thực hiện kiểm toán đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng “mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng”. Về việc có cần thiết phải để cơ quan Thanh tra Chính phủ vào cuộc không, theo ông Phớc, trước mắt nên để Bộ GTVT làm, sau khi có kết luận mới căn cứ vào đó để xem xét, quyết định.

 “Vậy ai chịu trách nhiệm cho sơ hở này? Hay lại là lỗi khách quan, lỗi do quy trình”, ông Hiếu nêu câu hỏi.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết “cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục”. Theo ông, kỳ thi hai trong một xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng. Ví dụ, năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo cơn mưa điểm 10, gấp 40 lần so với năm 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử. Đây là những điểm đen cần được khắc phục.

Cho thu phí trở lại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có công văn cho phép Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thực hiện thu phí trở lại. Chủ đầu tư dự kiến thu phí trở lại từ ngày 27/10.

Sau khi VEC thực hiện xong việc sửa chữa hư hỏng ngày 17/10 đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, đoàn liên ngành của bộ sau đó đã xuống kiểm tra thực tế tại hiện trường. Dựa trên kết quả trên, ông Thể giao HĐTV VEC rà soát, kiểm tra lại công tác sửa chữa các hư hỏng mặt đường  và quyết định việc thu phí trở lại đối với dự án này. Thời gian chính thức thu phí trở lại do HĐTV VEC quyết định.

Ngay sau đó, HĐTV VEC đã ban hành Nghị quyết thống nhất thu phí trở lại tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ 0h ngày 27/10.

Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thuộc dự án thường xuyên theo dõi mặt đường, các công trình trên tuyến. Kịp thời phát hiện và sửa chữa các hư hỏng phát sinh (nếu có) theo đúng hợp đồng. Tổng cục Đường bộ được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, kịp thời yêu cầu VEC triển khai sửa chữa các hư hỏng và tăng cường giám sát chất lượng sửa chữa khi có hư hỏng. “Nếu quá thời hạn 1 ngày mà công tác sửa chữa chưa được tiến hành hoặc sửa chữa không đảm bảo chất lượng, Tổng cục Đường bộ báo cáo Bộ GTVT dừng thu phí tại dự án”, ông Thể yêu cầu.

Lê Hữu Việt

MỚI - NÓNG