Bùng nhùng trong khắc phục “điểm đen” ở cửa ngõ Huế

Bùng nhùng trong khắc phục “điểm đen” ở cửa ngõ Huế
TP - Nút giao thông ngã ba đường tránh phía tây thành phố Huế với QL IA tại thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà) lâu nay trở thành một “điểm đen” đối với mọi người mặc dù phương án khắc phục không phải là không có…

Nhằm giảm áp lực giao thông nội đô và bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, đường tránh phía tây TP Huế đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2003.

Tuy nhiên, do thiết kế chưa hợp lý nên ngay sau khi đưa vào sử dụng, điểm tiếp giáp của tuyến đường tránh với QL IA tại thị trấn Tứ Hạ  đã trở thành một “điểm đen” ám ảnh đối với người tham gia giao thông, với nhân dân trong vùng và chính quyền sở tại.

Có hàng chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại đây làm hàng chục người chết và bị thương, hàng chục phương tiện bị hư hỏng. Riêng trong đêm 10/9/2006, chỉ trong khoảng thời gian 30 phút, tại đây đã xảy ra 4 vụ TNGT làm 2 người chết, 4 người bị thương; trong số những người bị thương có cả một đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ (!)

Chính quyền huyện Hương Trà, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có ý kiến đề nghị ngành GTVT cần sửa chữa, cải tạo để xoá điểm đen này, càng sớm càng tốt!

Phương án hợp lý bị… từ chối

Kêu quá cũng phải tới. Các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã tiến hành hội nghị cùng các ngành chức năng…của tỉnh TT - Huế để bàn giải pháp khắc phục. Theo thông tin từ Ban ATGT TT-Huế, tại hội nghị này có 3 phương án được đưa ra để phân tích,  lựa chọn. Trong đó, phương án 3 (ảnh) với đảo giao thông có bán kính R=20m có điều chỉnh hợp lý các góc lượn ở các đảo mềm được hội nghị thống nhất đề nghị Khu quản lý đường bộ IV lựa chọn.

Với phương án này, giao thông ở khu vực nút giao này là một chiều nên sẽ không xảy ra xung đột; TNGT chắc chắn sẽ giảm thiểu. Hai phương án còn lại, thì phương án 1 không giải quyết được các xung đột hiện tại do xe đi ngược chiều sẽ đan chéo khi rẽ lên đường tránh và ngược lại; mối xung đột này càng bội phần nguy hiểm hơn nữa khi phương tiện lưu thông trên tuyến có tốc độ rất lớn.

Phương án 2 thì đảo giao thông quá lớn, bán kính đảo đến 37m, đường vòng tránh sẽ quá dài khiến các phương tiện-nhất là xe máy, xe thô sơ- dễ “tranh thủ” đi tắt ngược chiều, cũng rất nguy hiểm.

Thống nhất và kiến nghị như vậy, nhưng khi trình ra, Cục Đường bộ đã không chấp nhận mà cho triển khai cải tạo nút giao thông theo phương án 1- phương án được nhận định là tồn tại những xung đột giao thông chết người.

…Và hậu quả “nhỡn tiền”

Hậu quả là chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi công trình vừa mới hoàn thành, từ 12/11 đến 17/11/2007, tại đây lại liên tiếp xảy ra 7 vụ TNGT! Tình hình đó buộc UBND tỉnh TT-Huế phải yêu cầu Khu Quản lý đường bộ IV, Cty CP quản lý và xây dựng đường bộ TT.Huế (đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường), Sở GTVT, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ IV tổ chức kiểm tra hiện trường để có biện pháp xử lý.

Tổ công tác này đã đề xuất cách xử lý trước mắt là tháo gỡ các giải phân cách cứng bằng bê tông-vừa đặt ra chưa được bao lâu- dẫn vào các đỉnh tam giác của đảo.

Nhiều người dân và cánh tài xế thấy vậy đã rất… “phiền não” vì cho rằng cách làm của ngành GTVT không khác gì “con kiến leo cành đa”; họ khẳng định cách làm ấy là không hiệu quả vì không giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Ban ATGT TT-Huế cũng khẳng định sau xử lý rằng: “về tổng thể của nút giao thông sau khi cải tạo thì sự xung đột giữa các làn xe khi tham gia giao thông, đặc biệt là làn từ phía nam ra rẽ trái lên hướng tây với làn từ phía bắc vào đi thẳng vào Huế cũng như làn từ phía bắc vào rẽ lên đường tránh với làn từ đường tránh rẽ ra hướng bắc chưa khắc phục được”.

Hậu quả nhỡn tiền tiếp theo là 19giờ30 ngày 13/1, tại nút giao thông trên lại xảy ra 1 vụ TNGT nghiêm trọng giữa 2 xe mô tô làm chết tại chỗ 2 người, 2 người còn lại bị thương rất nặng.

Tại sao đã có giải pháp khắc phục tối ưu nhưng lại không được chọn để triển khai? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, một người có trách nhiệm của ngành GTVT TT-Huế bực bội: “Vì người ta cho phương án 3 là đắt!” -“Đắt hơn bao nhiêu?” - “Chừng… 2 tỷ”.

Ngày Chủ nhật 20/1/2008, đích thân ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ, đã vào Huế trực tiếp thị sát tại hiện trường để quyết định phương án khắc phục.

Để hạn chế TNGT tại “điểm đen” này trong dịp Tết Mậu Tý, Cục Đường bộ và Khu Quản lý đường bộ IV đã yêu cầu Cty CP QL&XD TT.Huế thực hiện một số giải pháp kỹ thuật bao gồm: Bổ sung lượng gờ giảm tốc, tăng chiều dày gờ giảm tốc, lắp đèn cảnh báo v.v…

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp “chữa cháy”. TNGT chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra nếu vấn đề không được nhìn nhận và giải quyết tận gốc.

MỚI - NÓNG