Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi - Kỳ 2

Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi - Kỳ 2
TP - Từ Tà Mâu, hàng lậu được đai vác về Châu Đốc cho những đầu nậu khét tiếng An Giang như vợ chồng P.cáo, T. đường, Mười T.,.. Từ đây, hàng “chui” vô chợ Châu Đốc và tuồn về Cần Thơ, TPHCM...

>> Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi

Hợp thức hóa nguồn gốc hàng

Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi - Kỳ 2 ảnh 1
Trẻ em cũng được huy động tham gia vận chuyển hàng lậu

Những chiếc ghe chở đủ thứ đồ từ xe đạp đến đầu máy VCD, tivi… cứ tấp nập cập vào những “nhà sàn” rồi sau đó được đưa qua biên giới vào sâu nội địa Việt Nam.

Bỗng T. “biên giới” chỉ tay hướng về chiếc ca nô chở 3 người với vài gói hàng lớn bọc kín bằng bao ni - lông. “Những chiếc này chuyên “đánh” thuốc lá từ Nam Vang về. Từ đây lên Nam Vang mất khoảng 2 tiếng đồng hồ và trung bình một ngày ít nhất mỗi ca nô làm 2 “cuốc” như vậy” - T. nói.

T. bảo Kên dừng ghe tại một nhà sàn lớn hơn, diện tích chừng 200 m2. Chúng tôi thực sự choáng về khối lượng hàng hóa ở đây. Ngôi nhà này giống như siêu thị mini  bày đủ loại hàng hóa như thiết bị điện tử, loa máy, đài, đầu đĩa... xếp thành từng hàng để dưới sàn bê tông, chật kín.

T. rỉ tai tôi về lai lịch chủ nhà sàn này. Đó là bà T. (người Campuchia gốc Việt). Bà T. đã qua gò Tà Mâu sống từ nhỏ nên tiếng Khmer bà rành “sáu câu vọng cổ”.

Hằng tháng bà T. bỏ ra chừng 20 triệu đồng thuê nhà sàn để trữ hàng hóa trị giá không dưới 2 tỷ đồng. T. với chất giọng Khmer rành rọt đã giới thiệu tôi với bà T. rằng, tôi là dân kinh doanh linh kiện điện tử ở chợ Nhật Tảo tại Sài Gòn đang đi tìm mối mua hàng.

Nghe T. giới thiệu xong, bà T. liền  đưa cho tôi số điện thoại và bảo T. dịch lại cho tôi: “Anh cần gì cứ gọi cho tôi. Hàng gì cũng có, chỉ cần anh đặt là vài ngày sau có người đưa đến tận Sài Gòn”. Tôi hỏi: “Nhưng bị “thó” thì sao?”. “Yên tâm, tụi tôi có cách đưa hàng lên cho anh đảm bảo hóa đơn chứng từ đầy đủ!”.

Sau này tôi mới biết vì sao bà T. tự tin đến như vậy. Đó là hiện tại dân buôn lậu đã cảnh giác đối phó với cơ quan chức năng chống buôn lậu bằng việc “xoay” được hợp đồng mua bán với một “doanh nghiệp” Campuchia và “doanh nghiệp” trong nước và thế là hàng cứ tuồn qua biên giới như giao dịch hợp pháp.

“Đặc tình” hai mang

Tại Châu Đốc, lực lượng chống buôn lậu được bố trí dày đặc dọc theo giới tuyến. Ngoài quản lý thị trường, hải quan, công an thì đồn biên phòng Vĩnh Ngươn đã bố trí 7 tổ chốt trên dọc biên giới.

Chỉ riêng 4 km trọng điểm đối diện khu vực gò Tà Mâu, lực lượng này đã có 4 tổ chốt. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công việc chống buôn lậu của các cơ quan chức năng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đồng ruộng thì mênh mông nước, chặn đầu này, hở đầu kia.

Ngoài các “chiêu” như dùng “đề lô” quan sát, cảnh giới, dò đường..., bọn buôn lậu còn lấy lý do đánh bắt cá để giăng lưới, đặt vó gạc chằng chịt nhằm cản đường truy đuổi của lực lượng chống buôn lậu.

Mùa mưa, nước lên là thời điểm thuận lợi của bọn buôn lậu. Nhiều cô, cậu học sinh chỉ thấy có tiền là làm, mà không biết đó là việc phạm pháp hay không.

Các trường học của xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh và cả học sinh của trường “nói không với buôn lậu” nhưng kết quả không cao. Thậm chí, một số học sinh tiểu học cũng tham gia “canh” các lực lượng chống buôn lậu cho cha, mẹ, anh, chị mình mang hàng.

Trên suốt dọc tuyến đường đi, tôi thấy các ghe, xuồng máy chở hàng có che đậy kỹ càng rẽ nước đi băng băng và không hề thấy bóng dáng lực lượng chống buôn lậu.

Theo nguồn tin mà tôi có được, dọc suốt quốc lộ 91 đi qua tỉnh, dân buôn lậu tổ chức sử dụng “tốc độ” cho hàng chục xe phân khối lớn chạy ào ào để vận chuyển hàng lậu, lực lượng chặn đường bắt giữ rất dễ bị tai nạn.

Mặt khác, khó khăn lớn nhất là không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng xe, đổ xăng cho xe “bo bo” (xe chuyên dụng của lực lượng chống buôn lậu) phục vụ việc tuần tra và bắt giữ. Do đó, giải pháp cuối cùng phía PC15 chọn là lập chuyên án hoặc khi có “đặc tình” cung cấp tin thì tổ chức bắt đầu nậu chứ không bắt nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, đôi khi phía PC15 cũng nhận được tin giả từ “đặc tình” hoạt động kiểu “hai mang”, loại này thường tung tin giả để PC15 chuẩn bị tập trung lực lượng vây ráp thì cũng là lúc đầu nậu cho hàng xẻ đi hướng khác làm PC15 không kịp trở tay.

“Lột xác” hàng nội 

Buôn lậu xuyên biên giới mùa nước nổi - Kỳ 2 ảnh 2
Ghe chở hàng lậu từ Nam Vang về Tà Mâu chuẩn bị chuyển vào nội địa Việt Nam

T. “biên giới” giải thích với tôi theo cách dễ hiểu nhất về cung đường buôn lậu qua “chợ nhà sàn”: Hàng lậu về đây có hai chủng loại chính là hàng miễn thuế từ các nước nhập về Nam Vang, rồi tuồn về “chợ” và hàng... “nội luộc ngoại” từ Việt Nam tuồn qua!

Hàng ngoại đang được buôn lậu phổ biến với số lượng nhiều là thuốc lá, kế đến là điện thoại di động, kim khí điện máy và phụ tùng ô tô.

Từ Tà Mâu, hàng được đai vác về Châu Đốc cho những đầu nậu khét tiếng An Giang như vợ chồng P.cáo, T. đường, Mười T.,.. Từ đây, hàng “chui” vô chợ Châu Đốc và tuồn về Cần Thơ, TPHCM...

Một trong thủ đoạn mới của những đầu nậu đang sử dụng rộng rãi ở đây là việc “lột xác” hàng nội để “lên đời” thành hàng ngoại. Ấy thế mà khi xem hàng ở tại nhà sàn trên gò Tà Mâu, T. “biên giới” bảo tôi chú ý đến cặp loa Boss được ông chủ mở nhạc dập âm thanh bass nghe chẳng khác nào ở vũ trường đề giá bán chỉ có 4 triệu đồng.

T. giải thích, cặp loa ấy có nguồn gốc từ... chợ Nhật Tảo (chợ chuyên từ A-Z về thiết bị điện tử ở quận 10, TPHCM). Bao nhiêu khách trong nước qua đây ham rẻ mua về xài được vài bữa thì nó kêu tiếng xì xì.

Kiểu “luộc hàng” loại này đã trở thành “mốt” của thế giới chợ trời đường biên. Một chiếc tivi Sony Nhật mới tinh bán tại chợ giá chỉ khoảng 1 triệu đồng, khách mua sẽ hài lòng vì tưởng mua được hàng xịn, giá rẻ.

Thật sự nó chỉ có “khung” xịn còn một là hàng “câm điếc”, giá khoảng trên 100.000 đồng, đầu nậu mua từ chợ nội địa về  rồi giữ nguyên vỏ nhưng thay ruột Trung Quốc, “xi” lại vỏ rồi... chuyển qua biên giới, bán theo giá hàng xuất tại chợ.

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường thị xã Châu Đốc đánh úp một điểm sản xuất thuốc lá ngoại nằm trên địa bàn thị xã. Rồi là dầu gió xanh con Ó hiệu có “mác” Singapore cũng được làm tất tần tật ở… Mỹ Chánh, Vĩnh Mỹ (Châu Đốc).  

Theo số liệu từ Đội chống buôn lậu đồn trú tại Châu Đốc của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) CA tỉnh An Giang, thời gian gần đây,  nhức nhối nhất vẫn là chống buôn lậu thuốc lá.

Khi chúng tôi có mặt tại Châu Đốc, Đội chống buôn lậu của PC15 cũng vừa tổ chức tiêu huỷ 170.000 gói thuốc lá. Thống kê 9 tháng đầu năm thì số thuốc lá mà Đội này bắt được hơn 200.000 gói, chiếm 2/3 trong tổng số thuốc lá mà các lực lượng khác bắt giữ.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.