Buông đất công, tranh đất của dân

Buông đất công, tranh đất của dân
TP - Những khu đất công trị giá hàng chục tỷ đồng ở trung tâm thành phố lớn để cho cá nhân tự do lấn chiếm cất nhà không phép, trong khi chính quyền lại tranh quản lý đất canh tác ngàn đời của nông dân - Đó là thực trạng quản lý đất ở một số địa phương.
Buông đất công, tranh đất của dân ảnh 1
Dãy nhà lầu xây không phép trên đất công ở đường 30/4, TP Cần Thơ  Ảnh: Sáu Nghệ 

Ngày 3/3/2008, PV Tiền phong hỏi ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch UBND phường Hưng Lợi (Ninh Kiều, Cần Thơ) về nhiều căn nhà cao tầng mới cất bên đường 30/4 là có giấy phép hay không? Ông Dũng trả lời: “Không có giấy phép”. Lại hỏi: “Đó là đất công, đã cấp cho cá nhân chưa?" Ông Dũng trả lời: “Chưa. Khi dân chiếm đất, cất nhà trái phép, phường đã cho lập biên bản và báo cáo lên trên. Quyền của phường chỉ đến đó”.

Dải đất mặt tiền đường 30/4 kéo dài hơn 1.000m, rộng từ 1 đến 14m, tổng diện tích khoảng 1.300 m2, giá trị gần 20 tỷ đồng. Đó nguyên là một con mương và một con hẻm, khi mở rộng và nâng cấp đường 30/4 đã giải tỏa dãy nhà dân ở phía trước và dải đất phía sau ấy ra mặt tiền. Chính quyền địa phương biết dải đất giá trị lớn, đã có chủ trương quản lý nhưng chủ trương đó chỉ tồn tại trên giấy.

Thực tế để các hộ phía sau tràn ra chiếm hết dải đất công. Tổng cộng 29 hộ chiếm dải đất này, hộ ít nhất 5,35m2, nhiều nhất 170,55m2. Đến nay, nhiều người đã xây lên những căn nhà cao tầng trước sự bất lực của chính quyền.

Một khu đất bên Quốc lộ 91B, cũng thuộc phường Phường Lợi, do cưỡng chế đập nhà của dân để lấy làm lộ giới. Khu đất thuộc dự án bến xe 91B, mặt tiền dài 20m, sâu vào 35m, trị giá nhiều tỷ đồng, đặc biệt nó đã được trồng cây xanh để tạo cảnh quan “xanh-sạch-đẹp” điển hình cho chủ trương xây dựng đô thị mới của Cần Thơ.

Gần năm nay, khu đất bị một số người chiếm để mở... xưởng mộc. UBND phường Hưng Lợi cho người đến lập biên bản, báo cáo lên trên rồi thôi (!)

Lấy đất của dân ở vùng xa

Buông đất công, tranh đất của dân ảnh 2
Đám mía ở xã Phan, nơi xảy ra tranh chấp khiến một số nông dân chất phác thành tội phạm Ảnh: Sáu Nghệ 

Điển hình là UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) với ông Phan Văn Phương ở ấp Nội Ô, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Ông Phương có mảnh đất 460m2 do cha mẹ để lại. UBND huyện Mỹ Tú ra quyết định thu hồi để giao UBND thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa vì cho rằng đã... quy hoạch cho UBND thị trấn.

Ông Phương kiện, Tòa huyện bác đơn ông nhưng Tòa tỉnh hủy quyết định của UBND huyện. Sau đó, UBND huyện Mỹ Tú ra quyết định khác tiếp tục thu hồi đất của ông Phương. Ông Phương kiện lần 2, Tòa huyện xử ông thua và ngày 16/1/2008, Tòa tỉnh lại xử ông thắng.

Éo le là vụ ở xã Phan (Dương Minh Châu, Tây Ninh). Trong địa phận xã này có 4,7 ha đất trồng mía của nông dân ở xã Ninh Sơn (TX Tây Ninh). Tuy nhiên khu đất này bị chính quyền xã Phan để chia cho một số người trong xã mình. Các việc lấy và chia đều nói mồm, không có giấy tờ.

Nhiều người được chia đất sau đó đem cho thuê hoặc bán, trừ nợ. Nông dân xã Ninh Sơn có giấy tờ về 4,7 ha đất liền đòi và chính quyền lúng túng, hàng chục năm không giải quyết dứt điểm.

Cuối năm 2007, ông Đặng Văn Liêu là Phó Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu và ông Phạm Văn Tín là Chủ tịch UBND xã Phan than thở với PV Tiền phong: “Chúng tôi mang tiếng quản lý đất nhưng không một mảnh giấy, không được lợi lộc gì, cũng không có quyền quyết định. Đang phải chờ tỉnh”. Tỉnh thì chỉ ra các công văn.

Nông dân 2 xã liền đánh nhau. Nổi đình đám là trận đánh cuối tháng 10/2006. Nguyên do có một đám đất chia cho ông thương binh nhưng ông này đem cấn nợ cho vợ chồng ông Trần Văn Mỹ ở xã Phan. Nông dân xã Ninh Sơn đòi vợ chồng ông Mỹ và thế là đánh nhau. Phát sinh vụ án “hủy hoại tài sản” với thiệt hại gốc mía trị giá 6,6 triệu đồng.

Vụ án không lớn nhưng chính quyền các cấp ở tỉnh Tây Ninh họp và bàn hơn một năm, càng bàn càng rối. 3 nông dân ở xã Ninh Sơn bị truy tố quyết không nhận cáo trạng, hàng chục nông dân khác ở Ninh Sơn làm đơn “xin cùng ở tù”.

Hiện việc tranh chấp giữa nông dân 2 xã chưa kết thúc.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).