Bút Tre, chuyện giờ mới kể: Giải mã những băn khoăn

Họa sĩ Ngô Quang Nam đang vẽ bức tranh quê Bút Tre.
Họa sĩ Ngô Quang Nam đang vẽ bức tranh quê Bút Tre.
TP - Hẳn bạn đọc còn nhớ, trong tác phẩm công trình nghiên cứu của các sử gia Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Thông, Phan Huy  Chú, Trần Trọng Kim… từng công nhận sự tồn tại của các Vua Hùng và thời đại Hùng Vương nhưng mặt khác họ lại tỏ ra… băn khoăn!

Mối băn khoăn ấy đã dằng dặc hơn ngàn năm. Giải mã các truyền thuyết phải bằng các cứ liệu khoa  học lịch sử thì mới thuyết phục? Là người con của đất Tổ một người làm văn hóa, ông Đặng Văn Đăng cũng chung sự băn khoăn ấy.

Kết hợp các đợt công tác hay giành riêng nhiều chuyến,  tranh thủ những sự quen biết trước đây khi còn công tác ở Bộ Ngoại giao, ông đã đạp xe từ Phú Thọ về Hà Nội gặp các nhà nghiên cứu như Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Huy Thông, Trần Huy Liệu và cụ Phạm Văn Đồng.  Có thể gọi là may mắn bởi tại thời điểm khó khăn thiếu thốn bao việc bộn bề, những lời khẩn cầu của một ông già hom hem đi xe đạp dẫu là chức Trưởng Ty vẫn lọt được tai và nữa, dường như là cú hích đối với không ít các nhà khoa học chuyên ngành và nhà quản lý. Ông Đăng đã gặp gỡ họ, cùng chung mối băn khoăn với việc minh chứng thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua… truyền thuyết!

 Ít ai biết thời điểm đó, dưới sự chỉ  đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhóm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã âm thầm vào cuộc. Khởi đầu tại Hà Nội diễn ra 4 cuộc Hội nghị hội thảo về thời Hùng Vương dựng nước. Tại Phú Thọ ông Đăng cử cán bộ chuyên môn của mình đi khắp các vùng  Phong Châu, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Việt Trì… để tìm kiếm phát hiện có sự giúp sức của cơ quan Trung ương.

 Một tin vui bất ngờ, thời điểm đó trên đất Phong Châu di chỉ Sơn Vi đã được phát lộ qua khảo cứu tìm tòi của nhân viên Lê Nhiễu quân của ông Đăng. Là một lộ trình gian nan từ khi phát hiện đến việc khảo cứu quy mô. Cuối cùng cụm từ văn hóa Sơn Vi ra đời là kết quả khổ  công miệt mài đột phá của các nhà khoa học và khảo cổ Việt Nam, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Trưởng Ty văn hóa Đặng Văn Đăng.

Văn hóa Sơn Vi khẳng định người Việt không phải từ phương Bắc di cư xuống phía Nam như các học giả phương Tây  phỏng đoán mà chính có nòi giống phát triển từ loài người cổ đại từng sinh sống trên mảnh đất này. Thành tựu nghiên cứu ấy  cộng với việc phát hiện ra văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu đã khẳng định ngay trên đất Tổ một địa bàn dựng nước Văn Lang của các vua Hùng.  Để chắc chắn việc minh định, 67 hiện vật khảo cổ được đưa sang Cộng hòa Dân chủ Đức để thẩm định bằng phương pháp phân tích phóng xạ C14  là cả một kỳ công! Kết quả giám định xác định chính xác chúng có niên đại  trùng khớp với thời kỳ mà các truyền thuyết cùng dã sử đã nói về sự ra đời của nhà nước cổ đại Văn Lang.

Ông Đặng Văn Đăng không phải là nhà nghiên cứu sử càng chẳng phải là một nhà khảo cổ. Chuyện phát lộ nền văn hóa Phùng Nguyên mà họa sĩ (HS) Ngô Quang Nam (đã nhắc ở kỳ trước) kể lại cũng là một cái duyên lành của ông Đặng Văn Đăng. 

Nghĩ cũng lạ. Người phát hiện ra cái trống đồng mà liền đó cũng phát lộ nền văn hóa Đông Sơn kỳ thú cho Đại Việt là anh nông dân ở làng Đông Sơn xứ Thanh đi câu. Anh ta đã phát hiện ra cái vật bằng sắt tròn tròn trong đám bùn ngay bên bờ sông một chiều mùa hè năm 1924. Vật bằng sắt với hình thù kỳ lạ ấy đã được một nhân viên nhà đoan ở thị xã Thanh Hóa thấy hay hay khuân về. Ông ta đánh sạch dùng làm ghế ngồi. Một bữa nọ có ông bạn thân từ Hà thành vào chơi thấy cái vật ấy bèn hỏi duyên do? Mà người bạn ấy lại đương làm ở Viễn Đông Bác cổ. 

Bút Tre, chuyện giờ mới kể: Giải mã những băn khoăn ảnh 1 Buổi sinh hoạt thơ của một CLB Bút Tre Phú Thọ.

Nếu ông Lê Văn Nhiễu, một cán bộ dưới quyền ông Đăng ở Sở Văn hóa được ông cử đi thám sát ở Sơn Vi đã góp phần làm nên chuyện thì anh nông dân Nguyễn Lộc ở  HTX Phùng Nguyên của xã Kinh Kệ huyện Lâm Thao, Phú Thọ trở thành một cán bộ khảo cổ thuộc Ty Văn hóa Phú Thọ là cả một câu chuyện dài.  Lộc vốn mê thơ ca hò vè nhiều lần được gặp ông Đăng mỗi khi ông Đăng về Lâm Thao có ghé Kinh Kệ. Anh Lộc mê ông Đăng bởi hai  cùng chung cái thú thơ ca hò vè. Rồi ông Đăng xin cho ông Lộc theo học lớp sáng tác ca dao do Ty mở. Và sau này lớp khảo cổ do cán bộ chuyên ngành của Ty và của Bộ về dạy, ông Đăng cũng cho anh thanh niên Lộc dự.  Lần ấy, Đoàn thanh niên xã làm thủy lợi đào bới sao đó phát lộ ra mấy mẩu đá lẫn lưỡi rìu lạ mắt đã hoen gỉ. Ông Lộc nhặt về rồi nhắn cho ông Đăng Trưởng ty. Ông Đăng tức tốc mang nó về Hà Nội. Đó là năm 1959.

Sự kiện ấy là cơ sở để lịch sử khảo cổ Việt Nam được ghi những dòng hào sảng như thế này.

Khu di chỉ Phùng Nguyên nằm trên hai gò đất (gò Ếch và gò Nhà Giả), trong cánh đồng Dộc Chầu thuộc làng Phùng Nguyên (tên cũ là Cổ Nhuế, tên Việt cổ là Kẻ Nội), xã Kinh Kệ, Phong Châu, Phú Thọ (nay là xã Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Tho).

Năm 1959, tại khu vực này người ta đã phát hiện ra nhiều di chỉ của người Việt cổ từ thời tiền sử, từ di chỉ cư trú, mộ táng đến các xưởng sản xuất công cụ lao động và đồ trang sức. Hiện vật đó làm nên di chỉ khảo cổ tiêu biểu của nền văn hóa Phùng Nguyên, mở đầu cho các văn hóa tiền Đông Sơn trên lưu vực sông Hồng có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500-
4.000 năm.

Đến đây cũng cần nhắc lại cái câu mang khẩu khí Bút Tre mà bây giờ nhiều người vẫn nhắc Chú đi công tác Bảo tàng/ Cũng là công việc cách màng (mạng) giao cho.

Nguyên GĐ Sở Văn hóa Vĩnh Phú, HS Ngô Quang Nam cho biết, câu ấy đích là của ông Bút Tre. Số là thế này. Anh nông dân mê thơ ca hò vè Nguyễn Lộc sau cú lập công góp phần tìm ra nền văn hóa Phùng Nguyên được ông GĐ Ty Đặng Văn Đăng ký quyết định mời về công tác tại bộ phận khảo cổ thuộc Ty văn hóa. Tưởng Nguyễn Lộc phấn khởi rời Phùng Nguyên nhưng  Lộc từ chối nại gia cảnh khó khăn. Ông Đăng tiếc nhưng cứ dúi thêm một công văn nữa cho địa phương có ý ép. Nhưng vẫn không điều được Nguyễn Lộc về. Lần thứ ba, trong tờ quyết định do người thư ký trực tiếp mang xuống Phùng Nguyên, ông Đăng ghi bên lề hai câu lục bát như vừa dẫn trên. Cầm tờ công văn đánh máy lại có hai câu thơ, Nguyễn Lộc khoái phì cười rồi thu xếp công việc gia đình về Sở chí thú việc chung cho mãi đến lúc về hưu.

Cựu GĐ Sở Ngô Quang Nam còn khẳng định một cách chắc khừ rằng cái câu Tiếng hát át tiếng bom tác giả là  Bút Tre! Chuyện rằng, thời điểm giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ác liệt ra miền Bắc, ông Đăng băn khoăn, văn hóa phải hoạt động ra sao cho hiệu quả phù hợp với tình hình. Ông quyết định thành lập một đoàn công tác vô tuyến lửa Khu Bốn.

Cứ ngỡ ông Trưởng ty sẽ bố trí đi ô tô nhưng hơn chục thành viên được lệnh ông Đăng là dùng xe đạp. Ai cũng ái ngại ông Trưởng ty khi ấy tuổi đã 56 sức khỏe ọp ẹp. Suốt cả chuyến đạp xe đoàn công tác khi dừng lại ở những cung chặng trọng điểm địch đánh phá ác liệt, khi thì sinh hoạt với dân với các đợn vị TNXP. Đến đâu ông cũng giở bài tủ thơ ca hò vè với khẩu khí khi suôn sẻ lọt tai khi ngang phè của mình ra động viên bộ đội TNXP dân quân tự vệ.  Khẩu khí Bút Tre khi ấy chưa thịnh hành như thời nay nhưng cũng nhiều người biết đến. Lại được giới thiệu cái ông già hom hem kia chính là tác giả Bút Tre thì mọi người rất ngạc nhiên phấn khởi với những câu ngồ ngộ Pháo ta bố trí bốn bề /Quyết tâm tiêu diệt bọn đề quốc my (đế quốc Mỹ). Vậy nên đoàn Bút Tre đi đến đâu là ở đó các cung bậc của tiếng cười của không khí vui vẻ bật dậy, lây lan đánh dạt không khí tang thương, chết chóc. Hết vè lại hát lại hò. Cứ thế râm ran sôi động suốt chuyến đi...

Kết thúc chuyến ấy, đoàn được báo cáo cụ thể  với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám. Bộ trưởng khen ngợi lắm và chính Bộ trưởng được nghe thông điệp của ông Trưởng ty Đặng Văn Đăng là phải nêu cao tinh thần khí thế lạc quan cách mạng tiếng hát phải át tiếng bom!

Bữa gặp lại mới đây, tôi được HS Ngô Quang Nam cho biết, Đoàn công tác đạp xe vào tuyến lửa Khu Bốn ngày ấy hiện có 3 cụ hãy còn sống, mạnh khỏe, và ở ngay Hà Nội đây thôi với con cháu. Đó là cụ  Nguyễn Bằng nguyên Trưởng phòng Văn nghệ, cụ Nguyễn Văn Mời (thường gọi là Kính Mời) phụ trách sân khấu đạo diễn và cụ Cao Khắc Thùy phụ trách âm nhạc thuộc Ty Văn hóa Phú Thọ ngày ấy!

Họa sĩ kiêm thi sĩ Ngô Quang Nam ở tuổi 75 vẫn đôn đáo bươn chải đây đó miệt mài với việc vẽ, viết. Mới cách đây ít hôm, ông còn chủ trì việc giao lưu của 3 câu lạc bộ thơ với hơn 100 hội viên tham gia tại Đền thiêng Ngô Quang Bích ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Nội dung việc giao lưu là trình bày việc sưu tầm và đọc thơ Bút Tre. Riêng HS Ngô Quang Nam đang sở hữu hơn 1.000 câu  Bút Tre cũ lẫn mới. Ông đang chuẩn bị ra mắt tập sách mới Bút Tre và giai thoại. Qua câu chuyện với HS Ngô Quang Nam, nhiều lắm những ngậm ngùi… Nhà thơ Bút Tre Đặng Văn Đăng có 2 người con trai. Một anh là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Một nữa mới mất cách đây ít tháng do bạo bệnh. Cũng chưa kịp hỏi thêm gia cảnh hiện tại nhà thơ yêu mến của chúng ta.

MỚI - NÓNG