Cá chết hàng loạt vì nguồn nước ô nhiễm

Cá chết hàng loạt vì nguồn nước ô nhiễm
TP - Chưa bao giờ trên vùng đầm phá nước lợ Cầu Hai, thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế), lại có hàng chục tấn cá nuôi đồng loạt bị chết vì nước ô nhiễm như những ngày vừa qua, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngư dân.
Cá chết hàng loạt vì nguồn nước ô nhiễm ảnh 1
Ngư dân Vinh Hiền rầu rĩ muối cá mú bị chết để làm thức ăn bất đắc dĩ cho gia súc

Cuối tháng 11, vùng cửa biển Vinh Hiền, Lộc Bình (Phú Lộc) trở nên vắng lặng khác thường. Từ đầu đến cuối xã Vinh Hiền, hàng trăm ô lồng nuôi cá mú bị kéo tung lên khỏi mặt nước, vứt ngổn ngang ven bờ đầm.

Những ngôi làng trù phú, chuyên nuôi cá lồng ở Vinh Hiền giờ trở nên xác xơ tiêu điều như sau một trận bão lớn. Hàng trăm người nuôi cá thất thểu rời bỏ chòi canh, ô nuôi mà không sao tin được đã hoàn toàn trắng tay.

Tại thôn Hiền An 1 (Vinh Hiền), hàng tấn cá mú bị chết được người dân chuyển đi chôn lấp hoặc ướp muối để tận dụng làm thức ăn dài ngày cho gia súc. Hầu hết số cá chết đột ngột đã đến kỳ cho thu hoạch, mỗi con có trọng lượng trên dưới 1kg.

Bà Nguyễn Thị Mừng, thôn Hiền An 1, mếu máo cho biết, chưa khi nào cá nuôi bị chết đến hàng chục tấn như năm nay. Hộ bà Mừng có 6 lồng nuôi, với 700 con cá mú cỡ lớn, tổng sản lượng hơn 5 tạ. Cá chưa kịp bán cho thương lái đã đồng loạt bị chết, bà Mừng đột nhiên mất trắng gần 100 triệu đồng.

Xót của, bà Trần Thị Lợi, nhà cạnh bên, oà khóc khi tiếp xúc với chúng tôi: “Cá mú nuôi chết hết rồi, gia đình không biết làm gì để sống trong những ngày đông tháng giá sắp tới. Khoản nợ vay ngân hàng hơn 10 triệu để nuôi cá, chưa biết bao giờ mới trả nổi”.

Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của bà Lợi chuẩn bị được sửa sang vào cuối năm nay sau vụ thu hoạch cá, nhưng dự định đó đã trở nên xa vời.

Cá nuôi của dân đồng loạt bị chết, ông Hoàng Văn Cầu -Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền- cũng đứng ngồi không yên. Chủ tịch Cầu rầu rĩ trò chuyện: “Sắp tới là kỳ giáp hạt, 20 tấn cá nuôi trên địa bàn bị chết sạch, đời sống người dân kiệt quệ và có nguy cơ thiếu đói”.

Theo ông Cầu, nghề nuôi cá lồng ở Vinh Hiền bắt đầu từ một vài hộ cách đây hơn 10 năm, hiện đã phát triển lên 120 hộ, với 217 lồng nuôi, hàng năm tạo thu nhập trong dân gần 3 tỷ đồng, được xác định là ngành nghề mũi nhọn của địa phương. Nhiều gia đình khó khăn nhờ nuôi cá đã thoát cảnh đói nghèo.

Ông Cầu nhận định, thiệt hại kinh tế lần này trong dân ở Vinh Hiền có thể còn lớn hơn so với hậu quả cơn lụt lịch sử tháng 11/1999. Khoản nợ vay ngân hàng trị giá hàng tỷ đồng để nuôi cá đang là gánh nặng ngày đêm của nhiều ngư dân.

Kế cận Vinh Hiền, tại xã Lộc Bình cũng đang xảy ra tình trạng cá mú nuôi bị chết hàng loạt. Tất cả 15 lồng nuôi, với hơn 1 tấn cá mú và cá hồng đều đã bị chết, ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, thêm một mối lo khác của gần 1.000 hộ ngư dân Vinh Hiền và nhiều xã ven đầm Cầu Hai, đó là tình trạng nhiều loài cá tự nhiên như: cá móm, sơn, bò, hồng... cũng bị chết.

Hàng trăm hộ ngư dân chuyên nghề đánh bắt tự nhiên như ngồi trên đống lửa. Chị Nguyễn Thị Huệ, chuyên nghề đáy trên đầm Cầu Hai, tỏ ra lo lắng: “Lượng cá trên đầm thời gian gần đây giảm đi rõ rệt. Mỗi đêm làm nghề, có thuyền chỉ thu được một ít cá nhỏ đem bán từ 30-50 nghìn đồng, chưa đủ chi phí mua dầu đèn và đong gạo”.

Hiện nay, nguyên nhân cá chết hàng loạt vẫn chưa được ngành chức năng kiểm tra và đưa ra kết luận cụ thể. Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, nhận định, lũ lụt dồn dập hơn một tháng qua, gây nhiễm bùn và ngọt hoá dài ngày mặt nước lợ đầm Cầu Hai là nguyên nhân làm nhiều loài cá nuôi, cá tự nhiên chết hàng loạt.

Phòng NN&PTNT đã khuyến cáo người dân không nên nuôi cá lồng kéo dài qua mùa lụt để tránh những rủi ro. Tuy nhiên, thiệt hại quá lớn mà hàng trăm hộ nuôi cá lồng ở huyện Phú Lộc đang gánh chịu là điều ít ai có thể ngờ tới.

MỚI - NÓNG